Giá tôm cao ngất ngưởng: Dấu hiệu bất ổn thị trường?

NGUYỄN QUANG VIỆT 24/09/2013 14:26

Giá tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh liên tục tăng thời gian qua khiến nhiều người nuôi phấn khởi. Trong khi đó cơ quan chức năng lại lo ngại đây là dấu hiệu “gom hàng” gây bất ổn thị trường, tạo điều kiện cho kiểu sản xuất manh mún, thiếu bền vững.

Giá tôm liên tục tăng

Tại nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân rất vui vì đang được mùa, được giá. Ông Đặng Hồng Võ - chủ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn 5 (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết: “Một ký tôm thẻ chân trắng cỡ 75 con hiện bán được 157 nghìn đồng; trong khi vào thời điểm này năm ngoái, chúng tôi chỉ bán được 110 nghìn đồng”. Còn ông Cao Thanh Phú (một người nuôi tôm ở thôn Kỳ Trân, Bình Hải, Thăng Bình) thì chia sẻ: “Lâu nay mỗi lần được mùa là chúng tôi thường bị tư thương ép giá. Nay thì khác, giá tôm liên tục tăng, người mua cũng rất dễ dãi trong chuyện kiểm tra chất lượng con tôm. Từ đầu năm đến nay, ở cả 3 vụ nuôi giá tôm đều tăng lên, mỗi ký tôm cỡ 70 con mà bán được đến 150 nghìn đồng, đây là lần đầu tiên chúng tôi được thấy”.

Thu hoạch và bán tôm thương phẩm. Ảnh: N.Q.V
Thu hoạch và bán tôm thương phẩm. Ảnh: N.Q.V

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Lâm - một tư thương thu mua tôm thương phẩm ở thôn 6 (xã Tam Hòa) cho biết: “Tôi không hiểu các ông bên Trung Quốc nhập tôm về làm gì mà họ lại đẩy giá tôm lên ngất ngưởng. Tôi có thắc mắc thì họ chỉ lườm mắt rồi hỏi ngược lại: giá tôm cao bán lời ít quá hay sao mà rườm rà mất thời gian vậy? Nghe thế, tôi im luôn”. Theo bà Lâm, lâu nay bà thu mua tôm rồi vận chuyển bán lại cho các công ty chế biến thủy sản đóng chân trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Thời gian gần đây, do thương lái Trung Quốc mua với giá cao hơn nên bà đã “tạm quên” các mối làm ăn trước. Bà Lâm cho biết thêm, nếu trước đây khi bán cho các công ty chế biến thủy sản, bà chỉ cần dùng các phuy to chứa nước và đá lạnh để ướp tôm thì bây giờ phải chở rất nhiều thùng xốp và cả máy xay đá để cấp đông tôm tại hồ bán cho thương lái Trung Quốc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây thương lái Trung Quốc thường tìm đến các địa phương để mua tôm nguyên liệu, sau đó cấp đông chuyển ra Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc. Các thương lái này mua tôm nguyên liệu với giá cao hơn trung bình từ 15 -  20 nghìn đồng/kg so với các công ty chế biến thủy sản trong nước.

Đảo lộn thị trường

Đề xuất kiểm soát tình trạng mua tôm xuất khẩu ồ ạt
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tổng cục Thủy sản đề xuất phương án đánh thuế xuất khẩu với các mặt hàng tôm xuất khẩu tươi (chưa qua chế biến, chưa cấp đông) để áp dụng đối với xuất khẩu tôm tươi. Đề xuất được đưa ra nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc thương lái tổ chức đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc.
Trước đó, VASEP cũng gửi công văn tới các đơn vị trên phản ánh về việc thương lái tổ chức đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu tươi đưa sang Trung Quốc và đề nghị các cơ quan này có biện pháp hữu hiệu, kịp thời ngăn chặn và hạn chế thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp thủy sản. Theo VASEP, tình trạng mua tôm ồ ạt với giá cao xuất sang Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm Việt Nam, gây rối loạn thị trường tôm nguyên liệu... Việc thu mua này khiến nguy cơ không kiểm soát được về chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất làm ảnh hưởng tiềm tàng đến hình ảnh tôm Việt Nam... VASEP khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch. Người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua thông qua các cơ quan chức năng. Nếu phát hiện các thương lái chưa được phép hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cần báo ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời xử lý theo quy định.

Để rõ hơn về những tác hại của việc thương lái ồ ạt thu mua tôm nguyên liệu tại Quảng Nam, chúng tôi tiếp cận điểm thu mua tôm nguyên liệu của bà Võ Thị Hồng (thôn 5, xã Tam Hòa). Tại đây chúng tôi nhận thấy nếu như lúc trước, thương lái rất “kén” khi chỉ “sàng” tôm thẻ chân trắng cỡ lớn mới thu mua đưa sang Trung Quốc thì nay họ mua cả tôm cỡ nhỏ, loại trên 100 con/kg. Để giành được lợi thế so với các công ty chế biến thủy sản, những thương lái này không mua theo giá cố định mà cứ trả giá sao cho luôn cao hơn so với giá mua của doanh nghiệp trong nước từ 15 - 20%. Điều đáng quan tâm là họ mua mà không màng tới việc kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu. Kháng sinh là một dạng chất “kích thích” quá trình tăng trưởng nhanh của tôm nuôi nên việc này có thể khiến các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh “manh động” sử dụng nhiều chất cấm trong quá trình nuôi tôm. Không khó để có thể thấy, tình trạng “chảy máu” tôm nguyên liệu nếu tiếp tục tiếp diễn sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước không còn nguyên liệu để đảm bảo chế biến cung cấp cho các thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, hình ảnh của con tôm Việt Nam sẽ bị giảm sút uy tín trên trường quốc tế…

Giá bán tôm nguyên liệu cao có thể đem lại lợi nhuận nhất thời cho các hộ nuôi, nhưng có thể sẽ mang lại nhiều hệ lụy khi đây làm mầm mống của tình trạng sản xuất ồ ạt, thiếu bền vững trong khi thị trường có nguy cơ mất ổn định. Dễ thấy nhất là khi giá tôm tăng đột biến đã “kích thích” người nuôi ồ ạt đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi. Vào thời điểm này, đi dọc theo đường Thanh niên ven biển, nhất là đoạn từ xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đến xã Tam Tiến (Núi Thành), rất dễ bắt gặp cảnh các xe múc, xe ủi thi nhau đào bới, xây dựng ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bất chấp hệ lụy về môi trường, phá vỡ quy hoạch...

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT