Khi ngư dân hợp sức
Hàng trăm tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro trong quá trình đánh bắt.
Tương trợ
Đến thời điểm này trên địa bàn xã Bình Dương (Thăng Bình) đã có 7 tổ đoàn kết khai thác hải sản được thành lập. Có 26 chủ phương tiện khai thác hải sản của xã Bình Dương cũng đã tự nguyện tham gia vào tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Ông Trương Công Bình (thôn 6, xã Bình Dương), thuyền trưởng và là chủ tàu QNa 94376 có công suất 250CV, chia sẻ: “Nghề lưới vây tuyến khơi của chúng tôi luôn gặp khó trong thời gian qua. Ngoài việc ngư trường khai thác bị thu hẹp thì tình trạng được mùa mất giá cứ lặp lại liên tục. Bởi vậy chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia vào tổ đoàn kết khai thác hải sản. Vào tổ đoàn kết chúng tôi sẽ có điều kiện chia sẻ ngư trường, hỗ trợ nhau khi thời tiết bất lợi và thông tin thị trường hải sản”.
Tàu cá của Đội đoàn kết khai thác hải sản C10 xã Duy Vinh chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Q.VIỆT |
Theo ông Phan Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương, thời gian qua nghề biển trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến đáng kể. Sản lượng khai thác hải sản toàn xã đạt hơn 2.000 tấn mỗi năm đã đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều người. Chỉ trong vòng 2 năm, từ không có tàu cá công suất lớn, ngư dân trên địa bàn đã mạnh dạn đóng mới 11 tàu có công suất từ 90CV trở lên để hoạt động trên các vùng biển xa. Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, địa phương đã vận động các chủ phương tiện sản xuất trên biển tham gia vào tổ đoàn kết khai thác hải sản. “Sự đồng lòng, gắn bó, tương trợ giữa các tổ viên trong tổ đoàn kết sản xuất trên biển sẽ dần khắc phục được những hạn chế, rủi ro trong quá trình khai thác” - ông Sơn nói.
Những ngày này, tranh thủ thời gian vì mùa biển động đang đến gần, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh tổ chức ra khơi ngay sau khi cập cảng bán hải sản. “Vụ cá nam sắp hết rồi, tranh thủ ra khơi chứ mùa biển động đến thì chỉ có nằm bờ. Nhờ tương trợ nhau khi không may tàu bị hỏng máy, rồi chia sẻ về ngư trường, thông tin thị trường hải sản nên chúng tôi có thêm động lực bám biển” - ông Phùng Tấn Tráng, Đội trưởng Đội đoàn kết khai thác hải sản An Bàng (Cẩm An, TP.Hội An) chia sẻ. Ông Đỗ Văn Tiến, Đội trưởng Đội đoàn kết khai thác hải sản C10 của xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cũng cho biết: “Nhờ đoàn kết, hỗ trợ nhau trên biển nên sản lượng khai thác hải sản của các phương tiện thành viên tăng cao thời gian qua. Trong quá trình sản xuất, các thành viên trong đội tự nguyện lai dắt tàu khác khi không may gặp nạn. Ngư dân chúng tôi cũng đã quay vòng vốn để cải hoán tàu cá, mua sắm ngư cụ và trang thiết bị cần thiết trên tàu nên hiệu quả sản xuất cao hơn”.
Nhờ tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển, nhiều phương tiện khai thác hiệu quả. Ảnh: MINH ĐỨC |
Tuyên truyền và hỗ trợ
Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 122 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với sự tham gia của 849 phương tiện, thu hút 7.441 lao động. Mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã phát huy truyền thống tương thân, tương trợ trong sản xuất của ngư dân, qua đó nâng cao hiệu quả của nghề cá trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nhiều tàu cá trong các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển vẫn chưa trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc. Việc kết nối liên lạc giữa các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với các cơ quan quản lý chưa tốt đã gây khó khăn khi thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, các tổ, đội vẫn chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần để liên kết bán sản phẩm, tránh bị các tư thương ép giá. “Để dần xóa đi tính tự cấp, tự túc trong sản xuất của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, chúng tôi đã đề xuất với các bộ, ngành Trung ương kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ, đội đoàn kết. Trước hết là máy móc, thiết bị thông tin liên lạc như máy Icom, hệ thống định vị toàn cầu, sau đó là cơ chế hỗ trợ vốn vay để các tổ, đội đầu tư tàu dịch vụ hậu cần, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hỗ trợ các địa phương tham khảo, học hỏi các mô hình bảo quản tốt hải sản để nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Trần Quang Kiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết.
Để nâng cao hiệu quả của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, thành phố, xã, phường có nghề cá trực tiếp tổ chức quản lý, xây dựng quy chế hoạt động để phù hợp với từng nhóm nghề khác nhau của từng địa phương. Ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, thời gian tới, các địa phương ven biển sẽ là “đầu mối” trách nhiệm trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia vào tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Và chính các địa phương cũng sẽ trực tiếp xây dựng quy chế hoạt động tùy thuộc vào đặc thù sản xuất nghề cá tại địa phương.
NGUYỄN QUANG VIỆT