Nghề khai thác khơi sa sút

NGUYỄN QUANG VIỆT 08/08/2013 07:40

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao, giá hải sản bấp bênh, sản lượng khai thác giảm là những nguyên nhân chính khiến cho hiệu quả khai thác hải sản trong 7 tháng đầu năm của ngư dân Quảng Nam đạt ở mức thấp.

 Nghề câu mực khơi đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao, giá hải sản bấp bênh.
Nghề câu mực khơi đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao, giá hải sản bấp bênh.

Nằm bờ vì thiếu “bạn”

Nhiều tháng qua, gia đình ông Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) vẫn chưa thể ra khơi. Cầm quyển sổ xác nhận những chuyến vươn khơi trong thời gian qua, ông Hò chia sẻ: “Nhớ biển cực cùng chú ơi. Ai đời bám biển quanh năm suốt hơn 30 năm ròng mà suốt 3 tháng trời nay chưa một chuyến ra khơi. Mỗi chuyến vươn khơi của chiếc tàu lưới vây 360 mã lực này cần đến 15 thành viên nhưng “bạn” bỏ đi hết rồi, làm sao đủ người đi biển”. Ông Hò tính, mỗi chuyến biển xa bờ khoảng 20 ngày cần đến 10 nghìn lít dầu. Tính chung tất cả chi phí cho một chuyến biển khoảng 300 triệu đồng. Thế nhưng ở 2 chuyến biển gần nhất, số tiền bán hải sản chỉ thu được 200 triệu đồng. Vì thua lỗ nên “bạn” đi hết. “Khi lãi to thì ai cũng muốn đi với mình, còn lỗ cỡ 2 bận thì ai cũng bỏ mình mà đi. Tiền nợ chưa trả còn có thể mượn, vay ngân hàng trả nợ và mua nhiên liệu nhưng không đủ lao động thì chỉ có nằm bờ” - ông Hò than thở.

Cũng tại thôn Sâm Linh Đông, ông Trần Bẹn - chủ 2 chiếc tàu QNa 91594 có công suất 320CV và QNa 91819 có công suất 760CV hành nghề lưới vây cũng chưa thể ra khơi vì thiếu nợ, thiếu “bạn”. “Mọi năm, vào thời điểm này ai cũng tranh thủ ra khơi để khai thác vụ chính. Thế mà nay vụ cá nam (vụ cá chính) sắp sửa đi qua nhưng ngư dân chúng tôi chưa thể ra khơi. Mấy chuyến biển vừa qua tàu tôi đều thua lỗ, nợ nần nhiều chưa trả nên “bạn” nhảy hết rồi” - ông Bẹn nói. Nếu như mọi năm khi sản lượng hải sản khai thác được ít thì giá bán hải sản sẽ tăng cao, nhưng năm nay ngược lại, giá hải sản hiện rất bấp bênh. “Đã là ngư dân thì ai cũng muốn vươn khơi, bám biển nhưng khổ nỗi hiện ngư trường bị thu hẹp do tàu nước ngoài quấy phá nên khai thác không hiệu quả. Cứ đà này thì không chừng nằm bờ dài dài” - ông Bẹn cho biết thêm.

Thời gian qua, giá mực khô “chạm đáy” trong khi chi phí sản xuất cứ tăng lên khiến nghề câu mực khơi gặp khó khăn. Vào thời điểm này, tại cảng cá An Hòa (Tam Giang, Núi Thành), nhiều tàu câu mực khơi vẫn nằm bờ dù đang vụ sản xuất chính. “Giá bán một ký mực khô lúc này là 50 nghìn đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2011. Chúng tôi thật sự uể oải vì thua lỗ, có thể sang năm sẽ bán lại chiếc tàu này và chuyển sang nghề khai thác nào đó có thể thu được hiệu quả kinh tế khả quan hơn” - ông Phạm Bé (thôn Đông An, xã Tam Giang), chủ tàu câu mực khơi QNa 91035 nói.

Dự báo ngư trường

Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, sản lượng khai thác hải sản trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 43 nghìn tấn (77% so với cùng kỳ, đạt 58% kế hoạch năm 2013). Hai nghề chủ lực đều sụt giảm về sản lượng: câu mực khơi đạt 10 nghìn tấn và lưới vây đạt 11 nghìn tấn. Nguyên nhân là lượng hải sản ở các ngư trường chính là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn dồi dào như mọi năm. Hiện tại, có hơn 10 phương tiện câu mực khơi đã chuyển sang nghề lưới vây nhưng hiệu quả không cao. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho rằng, để nâng cao sản xuất nói chung, trước mắt là vụ cá nam, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường triển khai chương trình thu mẫu thống kê sản lượng khai thác; theo dõi diễn biến nguồn lợi, ngư trường để cung cấp kịp thời bản tin về ngư trường, nguồn lợi, hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện nguồn lợi hải sản tại các ngư trường trên phạm vi cả nước nói chung, miền Trung nói riêng đã có dấu hiệu bị tổn thương. Cá nổi nhỏ bị khai thác quá giới hạn (25 - 30%) đã và đang làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi các quần thể cá nổi lớn. Hải sản tầng đáy đã bị khai thác ở mức độ cao, vượt quá giới hạn cho phép từ 30 - 35%. Sự suy giảm nguồn lợi đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của tất cả các nghề, đặc biệt là các nghề khai thác khơi. Trong khi đó công tác điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu làm chủ ngư trường của ngư dân. Bởi vậy, trong thời gian đến, cả trung ương và địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác dự báo ngư trường. Theo đó, cần đánh giá nguồn lợi chặt chẽ hơn, xây dựng bản đồ GIS về khai thác hải sản xa bờ. Đối với các loài hải sản có giá trị kinh tế lớn như mực, cá ngừ, cá nục… cần phải dự báo chính xác ngư trường theo từng tháng.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT