Quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ
Quảng Nam đã từng triển khai công tác quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, quy hoạch này đã bị phá vỡ. Nuôi tôm sú nước lợ, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vẫn diễn ra tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Và hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững.
Quy hoạch lại vùng tôm
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh hiện nay là 2.200ha, phân bổ khắp 6 địa phương ven biển, kéo dài từ TP.Hội An, qua Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình đến TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Trung bình toàn tỉnh thu hoạch hơn 12 nghìn tấn tôm mỗi năm. Nhiều năm qua, nhờ thâm canh nên hiệu quả sản xuất không ngừng nâng cao. Không ít hộ đã thu được 30 tấn/ha khi nuôi 3 vụ tôm. Tuy nhiên, nhìn chung hạ tầng các vùng nuôi tại Quảng Nam vẫn sơ sài, chưa đảm bảo môi trường.
Quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ để hạn chế tình trạng nuôi ồ ạt, manh mún như hiện nay. |
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, quy hoạch lại vùng nuôi là điều cấp thiết hiện nay. Bởi có phân bổ lại từng vùng nuôi thì việc tổ chức lại sản xuất, kiến thiết hạ tầng cho từng vùng mới được đảm bảo, tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. “Sở NN&PTNT đang được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đồng thời xây dựng đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản” trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm đảm bảo tính bền vững” - ông Tấn nói.
Ông Tấn cho biết thêm, Sở NN&PTNT đang liên hệ với Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) và sẽ triển khai việc khảo sát, đánh giá thực trạng của nghề nuôi tôm nước lợ nói riêng, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nói chung để có thể quy hoạch lại nghề nuôi. Hiện tại nhiều nội dung quy hoạch đã được phác thảo xong và sẽ triển khai trong thời gian đến. Theo đó, quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam sẽ đảm bảo khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích đất và mặt nước; đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ theo chiều sâu, sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước và chế biến xuất khẩu. “Phát triển nuôi tôm nước lợ trong thời gian đến phải dựa trên các tiêu chí hiệu quả về mặt kinh tế, ổn định về mặt xã hội, không gây ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người dân. Để thực hiện được điều đó, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư lớn, phát triển theo hướng thâm canh, công nghiệp. Cùng với đó, phải chú trọng quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhất các tiêu chí, yêu cầu của thị trường” - ông Tấn nói thêm.
Bảo vệ môi trường
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa yêu cầu UBND các huyện, thành phố ven biển kiểm tra, thống kê các hộ dân, nhất là các hộ nuôi tôm trên cát để báo cáo UBND tỉnh. Ngoài ra, các huyện, thành phố ven biển cần tổ chức họp các cơ sở, hộ dân để hướng dẫn, thực hiện ký cam kết bảo vệ môi trường. Việc thống nhất phương án xử lý nước thải, xây dựng ao chứa thải cho từng cụm vùng nuôi cũng phải được tiến hành. Các chủ hộ nuôi cần tập trung chất thải vào ao chứa bằng hệ thống ống kín để xử lý trước khi thải ra môi trường. Sau khi có hướng dẫn, các cơ sở, chủ hộ nuôi tôm không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt theo quy định. |
Theo Sở NN&PTNT, việc quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, hàng loạt các giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật sản xuất, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, giải pháp về giống… sẽ được áp dụng đồng bộ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo môi trường bởi lâu nay khâu này vẫn chưa được ngành chức năng, các địa phương và người nuôi chú trọng. Đơn cử, từ cuối tháng 11.2012, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên-môi trường phối hợp với Sở NN&PTNT căn cứ các quy định hiện hành để khẩn trương xây dựng và ban hành Quy trình hướng dẫn quản lý và xử lý môi trường áp dụng cho các vùng nuôi tôm. UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên - môi trường phối hợp với các ngành, địa phương thiết kế mẫu ao xử lý nước thải trong vùng và hướng dẫn xử lý để tránh gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hơn nửa năm qua, trong khi người dân ồ ạt sản xuất và xả trực tiếp nước thải ra bên ngoài thì các quy trình vẫn chưa có. Hiện tại, chỉ có hướng dẫn quản lý môi trường các vùng nuôi tôm nước lợ được Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam tham mưu Sở NN&PTNT gửi về các địa phương nhưng vẫn chưa đến được với người nuôi.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, chưa hề có chủ hộ nuôi tôm nước lợ nào trên địa bàn tỉnh đầu tư hệ thống ao xử lý nước thải là điều rất đáng báo động hiện nay. Khi quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ, các địa phương ven biển cần nâng cao trách nhiệm, phối hợp với ngành nông nghiệp để thông báo các hướng dẫn đến người nuôi. Bà Tâm nói: “Từng cụm ao nuôi của các nông hộ phải xây dựng ao chứa, xử lý nước thải (chiếm 10 - 20% diện tích ao nuôi). Nước thải trong quá trình nuôi của các hộ dân phải được thu gom triệt để vào ao chứa để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra bên ngoài. Nước thải khi đưa vào các ao chứa phải được dẫn theo hệ thống ống kín. Đó là các quy định tối thiểu để đảm bảo môi trường khi nuôi tôm nước lợ trong thời gian đến”.
NGUYỄN QUANG VIỆT