Nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thí điểm nuôi cá diêu hồng lồng bè trên sông Tam Kỳ. Với kết quả khả quan ban đầu, mô hình này mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều người dân.
Lồng cá trên sông Tam Kỳ. Ảnh: P.Hoàng |
Sông Tam Kỳ với đặc điểm ưu việt là nước sông sạch, chưa bị ô nhiễm từ chất thải các khu công nghiệp, nằm bên cạnh thành phố nên rất thuận lợi cho người dân trong việc đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là nuôi cá lồng bè trên sông. Hai hộ dân được chọn nuôi cá lồng thí điểm là hộ ông Nguyễn Minh Hùng và ông Trần Minh Pho, đều ở phường An Sơn - TP.Tam Kỳ. Tổng diện tích thí điểm là 1.000m2 bao gồm 18 lồng (trong đó hộ ông Hùng nuôi 12 lồng, hộ ông Pho nuôi 6 lồng). Qua 2 tháng thả nuôi trung bình 6.000 con giống/lồng (trọng lượng 30g/con, mật độ thả 100 con/m3, mỗi lồng có thể tích 60m3, dạng khối hình lập phương), hiện trọng lượng cá đã hơn 300g/con. Dự báo, sau 2 tháng nữa thì trọng lượng cá sẽ từ 600g/con trở lên. Nếu chăm sóc tốt, mỗi vụ cá sẽ cho năng suất mỗi lồng từ 3 - 3,5 tấn, lãi ròng 30 - 35 triệu đồng/vụ.
Theo ông Trần Văn Tương – Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh, sông Tam Kỳ có dòng chảy, con nước phụ thuộc vào sự lên xuống của thủy triều nên tạo được độ thông thoáng, cung cấp nhiều oxy cho cá, các chất cặn bã, dơ bẩn cá thải ra đều bị cuốn đi. Ngoài ra, nước sông có độ mặn bình thường, địa hình khuất gió là điều kiện tuyệt vời để cá sinh trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, cũng nên khuyến cáo người dân nuôi ở mức độ cho phép vì nuôi nhiều quá sẽ dẫn đến hậu quả về môi trường. “Thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với thành phố quy hoạch khoanh vùng nuôi một mặt nước nhất định và sẽ bố trí mô hình sao cho đáp ứng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vấn đề môi trường” - ông Tương nói. Ông Nguyễn Minh Hùng, người dân tham gia mô hình cho biết: “Chúng tôi nuôi chủ yếu là cá diêu hồng; ngoài ra còn nuôi thêm cá trắm, cá tra để chúng ăn những chất cặn bã rong rêu dưới sông và xác cá diêu hồng chết. Hiện cá nuôi phát triển mạnh và lớn rất nhanh”.
Theo Bà Nguyễn Thị Đồng – Phó phòng Kỹ thuật thông tin (Trung tâm KN-KN), để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần làm tốt việc chuẩn bị lồng bè, chọn giống, chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật cho cá ăn và quản lý thức ăn dư thừa ở các giai đoạn cá phát triển. Bên cạnh đó, cần chọn mua giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, cá khỏe mạnh, cỡ cá đồng đều, sử dụng thức ăn của những doanh nghiệp có uy tín, có đầy đủ các thành phần cơ bản, bao gồm các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, vitamin, lipid... “Nếu tính luôn 2 mô hình thí điểm hiện tại, hiện trên sông Tam Kỳ đã có 10 hộ dân tham gia với 4 cụm lồng. Có thể thấy đây là một trong những mô hình thuận lợi về mọi mặt bởi có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp” - bà Đồng cho biết thêm.
PHÚC HOÀNG