Tổ chức lại nghề khai thác hải sản - Bài 1: Nâng cao năng lực

NGUYỄN QUANG VIỆT 01/07/2013 09:23

Bài 1: Nâng cao năng lực

Do khả năng huy động vốn còn thấp, đội tàu có công suất lớn chưa nhiều nên năng lực khai thác của tàu cá trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tạo cơ chế thuận lợi, giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phương tiện vươn khơi được xem là lối mở…
Thiếu bền vững

Cập cảng Cửa Đại (Hội An) khi mặt trời vừa ló dạng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tỵ (khối Phước Tân, phường Cửa Đại) tất tả thu dọn ngư lưới cụ rồi bán sản phẩm sau một đêm khai thác. “Thời điểm này một ký cá trích giá 7 nghìn đồng, cá nục được 8 nghìn đồng. Với 20kg tất cả, sau một đêm sản xuất, gia đình tôi thu được hơn 1 triệu đồng, trừ phí tổn thu được 300 - 400 nghìn đồng” - chị Thúy (vợ anh Tỵ) nói. Thu nhập vài trăm nghìn đồng sau một đêm khai thác gần bờ đối với 2 lao động là kết quả đáng kể, tuy nhiên, anh Tỵ cho biết không phải ngày nào cũng như vậy. Nghề khai thác gần bờ những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh do nguồn lợi hải sản ven bờ cạn kiệt, giá nhiên liệu lại tăng cao...

Nghề khai thác gần bờ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.                                         Ảnh: QUANG VIỆT
Nghề khai thác gần bờ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: QUANG VIỆT

Phương tiện khai thác gần bờ có công suất nhỏ nhưng vì sinh kế nên nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh ra khơi ngay cả trong những điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Tai nạn trong quá trình sản xuất trên biển trong thời gian qua tại Quảng Nam thường tập trung chủ yếu vào các đối tượng khai thác hải sản ven bờ. Ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, công tác đăng kiểm tàu cá trên địa bàn tỉnh thời gian qua thu được nhiều kết quả khả quan nhưng chỉ tập trung các tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại và khai thác xa bờ. Trong khi đó, do sản xuất tự phát, các tàu thuyền khai thác ven bờ lại rất ít khi tham gia công tác này. Cùng với đó, việc tham gia tập huấn đảm bảo an toàn trên biển, thực hiện cứu hộ, cứu nạn của các tàu cá này thường xuyên gặp ách tắc bởi ai cũng viện cớ… ít có thời gian sản xuất trên biển.

Giá mực xà phụ thuộc vào thị trường ngoài nước
Theo nhiều ngư dân làm nghề câu mực khơi, do nhu cầu sản xuất cộng với sức hấp dẫn của thị trường mực xà nên hiện tại, một bộ phận không nhỏ ngư dân Trung Quốc đã chuyển sang làm nghề câu mực với cách thức na ná như kiểu câu rường của ngư dân Quảng Nam. Có sản phẩm trong nước trong khi nguồn cung tại Việt Nam quá dồi dào nên thương lái Trung Quốc được dịp ép giá ngư dân. Trước sức ép quá lớn của nghề câu mực khơi, nhiều ngư dân Quảng Nam đã chuyển đổi nghề. Ví dụ như ông Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành), người theo nghề câu mực khơi gần 10 năm nay đã chuyển sang nghề chụp mực (sản phẩm này được bán tươi dùng làm nguyên liệu chế biến chứ không phải phơi khô như mực xà). Tuy nhiên, theo tính toán của Sở NN&PTNT, hình thức chuyển đổi nghề này rất khó phù hợp với điều kiện sản xuất chung tại Quảng Nam nên hiệu quả không cao. Nhiều ý kiến cho rằng, điều cấp thiết hiện tại là phải có cách nào đó để sản phẩm mực xà không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, tránh tình trạng giảm giá, ép giá.

Trong khi khai thác hải gần bờ tại Quảng Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thì ngành sản xuất xa bờ chủ lực là câu mực khơi cũng đang gặp khó bởi giá mực khô giảm, nhưng chi phí mỗi chuyến biển lại tăng vọt. Ông Võ Văn Việt (thôn Đông Xuân, Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu câu mực khơi QNa 91496 cho biết: “Vì chi phí sản xuất ngày một tăng cao, giá sản phẩm lại thấp nên chúng tôi phải tận dụng thời gian để sản xuất, bù chi phí. Lao động quần quật đến mức không có thời gian để ngủ vậy mà thu nhập vẫn không tăng lên đáng kể”.

Cần cơ chế thoáng về vốn

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng, điều cấp thiết nhất hiện nay là phải tổ chức lại khai thác hải sản một cách khoa học, bền vững. Theo đó, năng lực khai thác hải sản của địa phương phải được sắp xếp lại phù hợp với từng nghề, từng ngư trường. Muốn vậy, phải sắp xếp lại tàu thuyền khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch. Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển mô hình tổ chức đồng quản lý nghề cá vùng biển ven bờ. “Điều cấp thiết là Quảng Nam cần tăng sự hỗ trợ tín dụng để ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, tăng mức hoạt động trên các vùng biển xa. Việc bổ sung trang thiết bị thông tin liên lạc, máy dò cá, xây dựng mô hình đội tàu đánh bắt công suất lớn là rất cần thiết” - ông Tấn nói.

Hoạt động của các tổ/đội sản xuất trên biển còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Việt Nam hiện có gần 3.500 tổ/đội sản xuất trên biển với khoảng 21.400 tàu (bình quân 6 -7 tàu/tổ). Riêng Quảng Nam có 104 tổ/đội với 844 phương tiện tham gia. Các mô hình tổ/đội sản xuất trên biển được hình thành đã giúp ngư dân chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển, tổ chức dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, tương trợ, giúp đỡ gia đình các tổ viên, phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển… Bên cạnh những mặt đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến các tổ/đội sản xuất trên biển cần được khắc phục kịp thời.
Cụ thể, thông tin liên lạc hai chiều giữa tổ trưởng của các tổ/đội với các cơ quan quản lý chưa tốt, gây khó khăn trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và an toàn của các tổ/đội trên biển. Chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản, liên kết với nhau để ký kết các hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh bị chủ nậu, vựa ép giá. Một số tổ/đội được thành lập nhưng hoạt động không đúng theo quy ước, cam kết chung. Ngư dân luôn có tư tưởng giấu ngư trường khai thác, không khai báo tọa độ với cơ quan chức năng… làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển. Để việc phát triển các mô hình tổ/đội hợp tác sản xuất trên biển một cách hiệu quả, trong thời gian tới Nhà nước cần sớm xem xét ban hành chính sách khuyến khích phát triển tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển…(M.Đ)

Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất khai thác hải sản, Quảng Nam đã thực hiện chủ trương khuyến khích vươn khơi khai thác hải sản xa bờ bằng nhiều cơ chế hỗ trợ. Từ tháng 3.2013, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam (Quỹ HTND) đã tiếp sức, giúp nhiều hộ và nhóm hộ vay vốn không lãi suất để đóng tàu từ 600CV trở lên vươn khơi sản xuất tại các vùng biển xa. Trước đó, Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND (QĐ 13) của UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay giúp ngư dân đóng mới, cải hoán tàu có công suất từ 90CV trở lên hoạt động trên vùng biển xa. Có thể khẳng định tính hiệu quả của các cơ chế này qua việc tiếp sức giúp ngư dân tăng thời gian bám biển xa, gia tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, điều đáng nói là các cơ chế này không được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Quỹ HTND chỉ có nguồn vốn đối ứng là 20 tỷ đồng, trong khi đó, mỗi đối tượng được hỗ trợ vốn vay là 1,5 tỷ đồng thì số đối tượng được nhận hỗ trợ sẽ không nhiều. Nhiều đánh giá cũng cho rằng, việc tăng thêm nguồn vốn của quỹ bằng cách vận động, tiếp nhận sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước sẽ rất khó có triển vọng khi sự lan tỏa về hoạt động của quỹ là không cao. Theo ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nhu cầu được đóng mới và cải hoán tàu cá có công suất lớn để bám biển vươn khơi của ngư dân trên địa bàn huyện là rất lớn. Tuy nhiên, do không vay được nguồn vốn có lãi suất thấp cũng như không nhận được sự hỗ trợ của Quỹ HTND nên ngư dân phải tìm mua tàu cũ, rất khó khăn trong việc vươn khơi bám biển.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT