Xây dựng thương hiệu bảo tồn biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 22/06/2013 12:13

Cù Lao Chàm được xem là khu bảo tồn biển (KBTB) mẫu của Việt Nam. Thời gian qua, những thành công trong bảo vệ đa dạng hệ sinh thái biển tại đây đã mở ra hướng hoạt động chung cho hệ thống bảo tồn biển Việt Nam.  
Khi ngư dân đồng lòng

Theo TS. Chu Mạnh Trinh - Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm, mấu chốt của việc bảo tồn biển tại đây là xác định vai trò trung tâm của người dân xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An). Trước hết phải có cách thức để thu hút sự đồng lòng phối hợp, hỗ trợ của người dân địa phương, sau đó là đa dạng hóa sinh kế thay thế cho họ, giảm khai thác nguồn lợi nhưng vẫn đảm bảo được thu nhập. Nếu như trước khi xây dựng KBTB, nhân dân địa phương sinh kế bằng nghề khai thác hải sản với sản lượng trung bình là 1.467 tấn/năm thì ngay sau khi xây dựng khu bảo tồn, sản lượng khai thác đã giảm đáng kể (865 tấn). Sinh kế thay thế là hoạt động du lịch - dịch vụ đã cải thiện đời sống của người dân khi nâng mức doanh thu là 21 tỷ đồng/năm trong những năm 2001-2004 lên 30 tỷ đồng vào năm 2010. Điều này có nghĩa là mô hình đã thành công bước đầu khi nguồn lợi hải sản được bảo vệ tốt hơn mà đời sống của người dân địa phương được cải thiện. Từ đây, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm đã giúp cộng đồng nhân dân xã đảo tiếp cận, chọn lọc sản phẩm du lịch với các mục tiêu cụ thể, đề cao tính liên kết giữa các sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch, tính toán ngưỡng hợp lý cho việc điều tiết lượng khách du lịch đến tham quan. Doanh thu từ các hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm ngày một gia tăng và chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng doanh thu của các hoạt động kinh tế tại Cù Lao Chàm vào thời điểm này.

Song hành việc đa dạng hóa sinh kế cho người dân xã đảo, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Hải sản Hải Phòng, Viện Hải dương học Nha Trang cùng các chuyên gia quốc tế thực hiện giám sát đa dạng sinh học, đặc biệt là rạn san hô tại đây. Việc người dân tham gia phục hồi được hơn 400 tập đoàn san hô tại Bãi Tra và Bãi Bắc là một thành công của chương trình. Một ghi nhận khác là nếu như trước đây người dân chỉ khai thác nguồn lợi sẵn có trong rạn san hô thì nay chính họ đã trực tiếp tham gia phục hồi rạn san hô và tuyên truyền ra cộng đồng về các cách thức bảo vệ san hô. Sự tương hỗ giữa Ban quản lý KBTB và người dân xã đảo trong bảo vệ môi trường biển còn được thể hiện qua nhiều hoạt động khác nhau. Tham gia quan trắc, giám sát môi trường chất lượng nước biển, bắt sao biển gai phá hoại san hô, ra quân tuần tra bảo vệ biển, không sử dụng túi ni lông... là những ví dụ sinh động.

Quản lý, bảo tồn biển

Theo Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm, trong tương lai Cù Lao Chàm cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, để tăng thu nhập cho cộng đồng. Điều đó được thực hiện không chỉ đảm bảo tính bền vững trong sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mà còn nâng cao công tác bảo tồn thành một thương hiệu biển. Hiện tại, phần lớn người dân xã đảo đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch. Họ chính là những người truyền tải thông điệp của hòn đảo xinh đẹp này với du khách. Tuy nhiên, mặc dù thấm nhuần văn hóa bản địa song lực lượng này còn thiếu kỹ năng hướng dẫn, trình độ giao tiếp bằng ngoại ngữ còn kém, khả năng biểu đạt tầm quan trọng của một khu dự trữ sinh quyển thế giới còn hạn chế. Bởi vậy để nâng cao hoạt động du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là quảng bá thương hiệu với du khách, KBTB Cù Lao Chàm và xã đảo Tân Hiệp cần phải hoàn thiện nhiều việc. Trước hết, cần kiện toàn cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là tuyến đường từ trung tâm xã đảo đến thôn Bãi Hương…

Những tai biến của thiên nhiên và hoạt động của con người đã và đang đe dọa đến sự ổn định của tài nguyên và đa dạng sinh học trong KBTB Cù Lao Chàm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả bảo tồn, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm cần phải tiếp cận theo quan điểm quản lý tổng hợp vùng bờ một cách tổng thể để hạn chế các tác động, đặc biệt là từ đất liền và các vùng lân cận. Theo PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm cần nâng cao hoạt động của các mô hình quản lý với sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp; duy trì hoạt động quan trắc giám sát nhằm phát hiện nhanh chóng các tác động và có giải pháp quản lý thích ứng; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch với việc bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái. Cùng với đó, quản lý tốt hơn việc phát triển hạ tầng trên đảo nhằm giảm thiểu tác động xấu đối với hệ sinh thái biển; huy động sự tham gia của các cơ quan khoa học để bảo đảm tính khoa học và hiệu quả của các hoạt động như phân vùng, bảo tồn, phục hồi san hô và các nguồn lợi sinh vật khác.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT