Khai thác rong mơ: Mất mùa, mất giá
Nghề khai thác rong mơ biển hình thành vài năm trở lại đây tại các vùng biển ở Núi Thành. Năm nay ngư dân mất mùa, mất giá rong mơ do thời tiết bất lợi và “lịch” khai thác rong mơ chưa hợp lý.
Mất mùa, mất giá
Những ngày này người dân xã Tam Hải (Núi Thành) cùng rủ nhau khai thác rong mơ. Từ sáng sớm, từng đoàn người đổ xô ra biển lặn cắt rong mơ, trung bình mỗi ngày một người khai thác được khoảng 40kg. “Vào thời điểm này các năm trước, mỗi ngày chúng tôi thu được hơn 100kg rong mơ. Không biết có phải do thời tiết biến động hay không mà rong mơ ngày một giảm sút, lặn cắt cả buổi mà chỉ thu được hơn 50kg” - anh Huỳnh Văn Lân ở thôn Thuận An (xã Tam Hải) nói. Chị Huỳnh Thị Thu Viễn (thôn Thuận An) thì cho biết: “Số lượng rong mơ ven biển Bàn Than ngày một ít đi. Cán bộ xã nói rằng do khai thác “tận diệt” nhưng thực tế chúng tôi đã khai thác đúng phương pháp, đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, thời điểm này rong mơ đã già đi và đen sạm chứ không tươi mởn như mọi khi. Đã bán được vài đợt; những người thu mua tại địa phương đều bảo rằng chất lượng kém nên chỉ mua với giá thấp. Mọi năm rong mơ có giá 8 - 9 nghìn đồng/kg thì thời điểm này chỉ bán được 3 nghìn đồng/kg”.
Nhiều hộ dân đổ xô khai thác rong mơ. Ảnh: N.Q.V |
Tại thôn 2 (xã Tam Hải) người dân cũng tập trung khai thác rong mơ. Thế nhưng hình ảnh rong mơ được phơi khô tràn trên bãi biển đã không còn thấy như mọi năm. Đang vội vã phơi rong, chị Nguyễn Thị Hoa nói: “Mọi năm, vào thời điểm này, sau khi rong mơ đã phát triển mạnh, ai cũng thu được sản lượng cao. Bây giờ trong khi tại nhiều nơi rong mơ đã bị sóng đánh bật vào bờ thì nhiều nơi khác rong đã bị già, thân đã gầy hẳn đi. Năm nay ai cũng thất thu rong mơ”. Còn chị Lê Thị Thúy, người thu mua rong mơ tại xã Tam Hải từ nhiều năm nay cho biết: “Từ cuối tháng 5 đến chừ gia đình tôi chỉ thu mua được gần 100 tấn, rất ít so với mọi năm. Năm nay sản lượng và chất lượng rong mơ đều giảm sút”. Rong mơ khai thác ven biển trên địa bàn xã Tam Hải được thương lái thu mua và bán qua Trung Quốc. Từ năm 2012 đến nay phía Trung Quốc đã đặt thêm các quy định về chất lượng rong mơ và luôn hạ giá mua.
Cần khai thác hợp lý
Với nhiều công dụng như có thể sản xuất thực phẩm, thức uống, làm nhiên liệu công nghiệp, nhiên liệu sinh học…, rong mơ là nguồn nguyên liệu quan trọng của một số ngành công nghiệp nghề chế biến. Nhiều phân tích đã cho thấy việc thiếu định hướng, quy hoạch khai thác, chế biến rong mơ tại một số tỉnh miền Trung đã làm cho rong mơ bị suy giảm về sinh khối và diện tích phân bố. Đây là sự lãng phí lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, khi hết vòng sinh trưởng, rong mơ bị phân hủy và trôi dạt sẽ khiến cho vùng biển bị ô nhiễm. Điều này còn gây nên các tác động xấu đến các hệ sinh thái và nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ. Bởi vậy, quy định thời điểm khai thác rong mơ hợp lý là điều tối cần trong quản lý khai thác hải sản bền vững. |
Để đảm bảo việc khai thác đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản, thời gian qua Sở NN&PTNT đã có quy định về thời gian khai thác rong mơ. Theo đó, mỗi năm người dân chỉ được hái rong mơ kể từ ngày 15.5 trở đi. Đây cũng là thời điểm được cho là khai thác hợp lý ở nhiều địa phương khác như Quảng Ngãi, Bình Định. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương và người dân xã Tam Hải đều cho rằng đây là thời điểm khai thác quá muộn. Ông Phan Như Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói: “Theo quy định của tỉnh, chúng tôi hướng dẫn người dân không được khai thác rong mơ trước ngày 15.5. Trước đây, không biết Sở NN&PTNT có khảo sát, tổng kết thực tiễn hoạt động của nghề khai thác rong mơ tại các vùng biển Quảng Nam hay không. Thực tế là do nước biển dâng, nhiệt độ và độ mặn nước biển thay đổi trong những năm gần đây đã khiến cho rong mơ sinh trưởng sớm hơn dự kiến, bởi vậy đến ngày 15.5 mới khai thác thì quá muộn. Không khai thác, để rong mơ tự tàn lụi là sự lãng phí lớn”.
Theo ông Phan Như Tường, từ sự phản ánh của người dân, UBND xã Tam Hải đã tiến hành khảo sát và nhận biết rằng, đến giữa tháng 5, nhiều rong mơ đã quá già, một số lượng lớn rong mơ bị cuốn trôi theo nước biển. “Vào đầu tháng 5, nhiều người dân phát hiện một lượng lớn rong mơ trôi trên biển. Thấy uổng phí, một số hộ dân đã tổ chức khai thác trước thời hạn. Các đội tuần tra bảo vệ nguồn lợi hải sản đã ngăn cản việc này. Tuy nhiên, không ai chắc chắn được sự việc này có tái diễn hay không bởi khi khai thác trước thời hạn, người dân cũng có... cái lý của họ. Để đảm bảo rong mơ phát triển tốt tương ứng với việc cải thiện sinh kế của người dân, chúng tôi kiến nghị cấp trên khảo sát, đánh giá lại “quy trình” phát triển, sinh trưởng của rong mơ, qua đó nên chăng sửa lại quy định về thời gian khai thác” - ông Tường nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT