Vươn khơi bám biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/06/2013 10:24

Bất chấp lệnh “cấm biển” ngang ngược của Trung Quốc, ngư dân Quảng Nam vẫn can trường vươn khơi bám biển và các ngành chức năng cũng đã đồng hành với họ.

  • Cùng ngư dân bám biển
  • Vươn khơi với sức mạnh cộng đồng
  • Tìm hướng vươn khơi...
  • Giúp ngư dân vươn khơi
  • Kiên tâm bám biển
  • Kết nối vươn khơi
  • Hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn kiên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: N.Q.V
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn kiên tâm vươn khơi, bám biển. Ảnh: N.Q.V

Kiên tâm bám biển

Cập cảng Kỳ Hà (Núi Thành) sớm hơn dự kiến bởi sự ngang ngược truy đuổi gắt gao của tàu Trung Quốc, ngư dân Đỗ Văn Tuấn (Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 90857 có công suất 250CV hành nghề lưới vây ánh sáng tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chia sẻ: “Tất thảy 3 đội tàu Trung Quốc đuổi bắt chúng tôi. Tàu của họ được trang bị hiện đại, tân tiến hơn hẳn tàu của ngư dân mình mà lại có hải giám, kiểm ngư đi cùng. Khi thấy chúng tôi chuẩn bị thả lưới ở vị trí có tọa độ 16,50 độ vĩ bắc, 109,30 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng chưa đầy 100 hải lý thì một đội tàu khoảng 7 - 10 chiếc bật đèn pha chói lóa vào chúng tôi rồi ép tàu uy hiếp. Lúc đó, không thể làm gì hơn, chúng tôi đã tăng tốc bỏ chạy. Thấy vậy, tàu của họ không buông mà rầm rộ đuổi theo. Phải vượt qua 3 vòng kiềm tỏa, chúng tôi mới cập cảng Lý Sơn an toàn để về lại cảng Kỳ Hà, kiểm tra lại tàu cá và chuẩn bị chuyến biển tiếp theo”. Cũng theo ngư dân Đỗ Văn Tuấn, từ đầu năm tới nay, các tàu cá của ngư dân Quảng Nam luôn bị tàu của Trung Quốc ngang ngược đuổi bắt. Nhiều lúc đang sản xuất trên biển, bị tàu lạ hầm hố, ngư dân đã phải bỏ lưới để kịp thời tránh sự đuổi bắt của họ, bảo toàn người và phương tiện.

Nhiều ngư dân khai thác xa bờ của huyện Núi Thành chia sẻ, tại các ngư trường có nhiều hải sản thuộc 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tàu cá của Trung Quốc luôn ngăn cản không cho tàu cá của ngư dân khai thác. Không chỉ vậy, tàu họ còn tìm cách làm hao hụt nhiên liệu của ngư dân bằng cách đuổi bắt tàu cá, cướp ngư cụ. “Không chỉ thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc ngang ngược đuổi bắt khi khai thác trên biển thuộc chủ quyền quốc gia, chúng tôi còn bị tư thương Trung Quốc ép giá khi bán sản phẩm. Mặc dù gặp khó như vậy nhưng ngư dân chúng tôi bao giờ cũng một dạ, một lòng kiên tâm bám biển”, ông Huỳnh Ngọc Huệ (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ phương tiện QNa 91405 có công suất 900CV làm nghề câu mực khơi ở các đảo Đá Tây và Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa cho biết.

Thành lập 104 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển

Ông Nguyễn Văn Giỏi cho biết, mặc dù chi phí mỗi chuyến biển tăng lên, hiệu quả khai thác không cao so với mọi năm nhưng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tỉnh, ngư dân Quảng Nam vẫn tiếp tục đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu có công suất lớn để khai thác hải sản trên các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Tổng sản lượng khai thác hải sản 5 tháng đầu năm của Quảng Nam đạt khoảng 25 nghìn tấn, ước tính 6 tháng đầu năm đạt 30 nghìn tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Trong 5 tháng qua, Quảng Nam đã thành lập thêm 4 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với sự tham gia của 14 tàu cá trên 90CV. Như vậy, đến thời điểm này, Quảng Nam đã thành lập được 104 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với sự tham gia của 844 phương tiện.

Còn theo ông Lê Văn Thúy (thôn Thuận An, Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 91379 TS có công suất 600CV làm nghề câu mực khơi ở khu vực đảo Tốc Tan (quần đảo Trường Sa): “Từ năm 2012 đến nay, cả 4 chuyến câu mực khơi ở Trường Sa của gia đình tôi đều bị các tàu Trung Quốc phối hợp cản trở và đuổi bắt. Những lúc như vậy, anh em ai cũng cố gắng bình tĩnh và tự trấn an để vượt qua gian khó. Mặc dù có khi bị mất thúng câu, có khi bị mất rường câu nhưng đến thời điểm này chúng tôi đều vượt qua được nỗi ám ảnh bị tàu Trung Quốc phá hoại”.

Đồng hành với ngư dân

Mới đây, Trung Quốc triển khai đội tàu đánh bắt cá khai thác trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng đã đơn phương thi hành lệnh cấm đánh cá ở biển Đông, bao gồm một số vùng biển của Việt Nam. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, Hội Nghề cá Việt Nam nói chung, Hội Nghề cá Quảng Nam nói riêng đều kịch liệt phản đối các hành động sai trái, ngang ngược xâm phạm quyền, chủ quyền và quyền tài phán biển, đảo của Việt Nam. “Hội Nghề cá Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hội Nghề cá cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng lên tiếng mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành động vi phạm của Trung Quốc nhằm bảo vệ sản xuất và tài nguyên biển, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Sở NN&PTNT cùng Hội Nghề cá Quảng Nam đã, đang và sẽ luôn động viên bà con ngư dân bình tĩnh, đoàn kết, tiếp tục làm ăn trên vùng biển của mình và yên tâm rằng bà con ngư dân luôn được sát cánh, đồng hành khi lao động trên biển”, ông Ngô Tấn nói.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành ven biển về vấn đề Trung Quốc cấm đánh cá có thời hạn ở biển Đông. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần cảnh báo ngư dân thận trọng theo dõi ở vùng biển nhạy cảm, phát hiện và cung cấp thông tin về việc tàu của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam cho cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết. Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, trước các hành động sai trái của Trung Quốc, đơn vị luôn chủ động cung cấp các thông tin cần thiết để ngư dân biết về chủ quyền của vùng biển Việt Nam, qua đó giúp ngư dân yên tâm sản xuất, khai thác hải sản.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT