Kiên tâm bám biển

Nguyễn Quang Việt 10/05/2013 10:33

Hơn 30 năm vươn khơi, khai thác hải sản xa bờ, biển đối với ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) là quê hương.

  • Nhiều ngư dân được vay vốn hỗ trợ
  • Giúp ngư dân vươn khơi
  • Hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển
  • Thanh niên bám biển
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo bên những chiếc tàu của mình.  Ảnh: Q.VIỆT
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo bên những chiếc tàu của mình. Ảnh: Q.VIỆT

Biển là quê hương

“Làng tôi là làng biển. Buổi sáng thức dậy, những thanh âm đầu tiên va đập vào chúng tôi là tiếng sóng, tiếng máy tàu cá, tiếng rộn ràng mua bán, vận chuyển hải sản. Cái vị mặn nồng của biển luôn phảng phất trong mọi giao tiếp của chúng tôi” - ông Huỳnh Văn Tạo bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy, nhẹ nhàng, sâu lắng và chất chứa như biển. Bằng cái giọng ồ ồ mà chân chất, ông Tạo kể: “Tôi sinh năm 1964. Học hết cấp 2, mười lăm hay mười sáu tuổi chi đó, tôi nghỉ học, theo cha đi biển. Tôi theo nghề khai thác hải sản từ đó. Ngoại trừ những ngày bão nổi, khi tàu cập cảng, tôi về nhà nghỉ ngơi 1 ngày rồi lại lênh đênh ra khơi. Hơn 30 năm gắn bó với biển, tôi chưa hề áy náy vì quyết định bám biển của mình”.

Biển đã trở thành duyên nghiệp của cuộc đời ông Tạo. Mỗi năm, ông Tạo có 12 chuyến bám biển dài ngày. Hiện tại, với mỗi chuyến biển của 1 tàu khai thác hải sản trong khoảng thời gian chừng 20 ngày, ông Tạo thu được không dưới 150 triệu đồng, mỗi người đi “bạn” được chia hơn 10 triệu đồng. “Theo cha đi biển 15 năm, vào năm 1985, 1986 chi đó, tôi tự đóng cho mình chiếc tàu 90CV làm nghề lưới vây. Nói vui, hồi đó, một chiếc tàu như vậy đã là một gia sản… khổng lồ. Đi biển thêm 15 năm nữa, chắt chiu, tôi đóng mới chiếc tàu QNa-91144 có công suất 550CV. Năm năm sau đó, tôi đóng thêm chiếc tàu QNa-90244. Mới năm vừa rồi, thế chấp, vay mượn, tôi đóng mới chiếc tàu QNa-90398. Cả 2 chiếc sau cũng có công suất 550CV” - ông Tạo cho biết. Sở hữu đội tàu 3 chiếc với tổng công suất lên đến 1.650CV, ông Tạo là tấm gương điển hình về vượt khó, năng động, bền bỉ, quyết đoán và kiên định bám biển vươn khơi.

Mỗi chiếc tàu công suất lớn của nghề lưới vây thường cần đến 20 lao động. Với 3 chiếc tàu của mình, ông Tạo đã giải quyết việc làm cho 60 ngư dân xã Tam Quang. Với những người đi “bạn”, ông Tạo là một tấm gương về tinh thần can trường và nhân hậu trên biển. Có khi sản xuất trên biển không may gặp phải lúc thời tiết thất thường, gió bão, ông Tạo vẫn bình tĩnh “chỉ đạo” thuyền viên ứng phó. Những lúc như vậy, bao giờ ông Tạo cũng biết cách lách gió, đưa tàu đến nơi an toàn. Không chỉ vậy, trong những hoàn cảnh nguy nan đó, ông Tạo không bao giờ quên những tàu khác mà luôn sát cánh cùng họ. “Chúng tôi đã nhiều lần cùng thuyền trưởng của mình ứng cứu, lai dắt nhiều tàu gặp rủi ro trên biển” - ngư dân Nguyễn Tấn Nhị, một người đi “bạn” lâu năm với ông Tạo, cho biết.

Giữ vững ngư trường

Đối mặt với những diễn biến thất thường của thời tiết khi sản xuất trên biển xa, ngoài máy I-com, ông Tạo đã đầu tư thêm cho 3 chiếc tàu của mình thiết bị liên lạc có tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tầm xa để dễ dàng liên lạc, hỗ trợ các tàu cá khác. Hơn 30 năm bám biển, điều khiến ông Tạo lo nghĩ nhất không phải là thời tiết mà chính là sự quấy nhiễu của tàu cá nước ngoài. “Thường xuyên bám biển ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng tôi luôn đối diện với tàu cá Trung Quốc. Không chỉ xâm phạm vùng biển của Tổ quốc, chúng còn ngang nhiên xua đuổi tàu của ngư dân mình để giành giật ngư trường. Những lúc như vậy, chúng tôi không nao núng tinh thần mà kiên gan, bình tĩnh liên kết với các tàu cá khác đối phó, bảo vệ ngư trường truyền thống” - ông Tạo nói.

Theo ông Tạo, thời gian gần đây, ngoài việc thành lập được các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, mô hình nghiệp đoàn nghề cá cũng đã giúp ngư dân liên kết bám biển, đối phó với tàu cá nước ngoài xâm lấn ngư trường. Trước đây, khi sản xuất riêng lẻ, các chuyến biển của ngư dân luôn gặp nhiều khó khăn khi cần bán nhanh sản phẩm và tiếp tế nhiên liệu. Từ khi tham gia vào tổ, đội đoàn kết và mới đây nhất là nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, nhờ khắc phục được các điểm yếu trên, các chuyến biển đã kéo dài hơn, từ 10 đến 15 ngày. “Các hoạt động trong tổ đoàn kết và nghiệp đoàn không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí cho chuyến biển mà còn kịp thời hỗ trợ, bảo vệ nhau khi bị tàu nước ngoài tấn công giữa biển khơi. Qua việc sinh hoạt và thảo luận về các quy chế, quy ước, chúng tôi càng thêm yêu biển đảo quê hương, càng tin tưởng vào sự sát cánh, giúp đỡ của các lực lượng bảo vệ ngư dân trên biển” - ông Tạo cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Tạo, sự tương tác, hỗ trợ sản xuất qua các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nhiều khi vẫn còn manh mún, thiếu tự giác. Nghiệp đoàn nghề cá xã cũng chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần để phục vụ cho hoạt động khai thác trên biển của ngư dân. “Ngư dân chúng tôi gắn bó với biển từ bao đời nay, ai cũng thiết tha với biển. Liên kết bám biển giúp ngư dân bảo vệ tốt hơn ngư trường truyền thống. Việc này sẽ phát huy tác dụng hơn nữa khi mô hình ngày một kiện toàn và chuyên nghiệp hơn” - ông Tạo chia sẻ.

Nguyễn Quang Việt

Nguyễn Quang Việt