Nỗ lực phục hồi san hô cứng
Nhận diện được các tác động xấu đến san hô, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện thành công chương trình phục hồi san hô cứng tại Cù Lao Chàm.
Nhận diện tác động
Theo PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, do nhiều tác động, san hô cứng có xu hướng giảm sút ở hầu hết KBTB tại Việt Nam. Tại KBTB Cù Lao Chàm, san hô cứng suy yếu do bị nhiễm ngọt từ đất liền và bị trầm tích lắng đọng. Riêng năm 2012, trong khi san hô mềm có xu hướng tăng nhẹ (3%) thì ngược lại san hô cứng lại giảm nhiều (7,5%) so với năm 2011. Mặc dù nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt và được quản lý tốt bởi lực lượng tuần tra và cộng đồng nhưng tại Hòn Tai, tỷ lệ san hô cứng giảm mạnh đến gần 20%. San hô bị giảm sút đã kéo theo sự suy giảm của nhiều loài thủy sinh và giáp xác đặc trưng trong rạn san hô bởi chúng không có nơi trú ngụ, sinh sản.
Cấy san hô ở Bãi Bắc (Cù Lao Chàm). Ảnh: N.Q.V |
Ông Huỳnh Ngọc Diên, cán bộ Ban Quản lý KBTB cho biết, tín hiệu vui là hải sâm - một trong những động vật da gai tiêu biểu nhất trong rạn san hô vẫn sinh trưởng với mật độ tương đối cao (năm 2012 trung bình 4 - 6 cá thể/100m2). Tuy nhiên, trong khi hải sâm vẫn phát triển tốt tại Hòn Khô, Hòn Lá (những nơi được bảo vệ tốt và sinh cảnh phù hợp với vòng đời sinh trưởng của hải sâm) thì địch hại của san hô là sao biển gai vẫn còn xuất hiện nhiều ở Bãi Bắc, Hòn Tai, Hòn Mồ, Hòn Dài. “Thời gian qua, ở nhiều vùng có rạn san hô, việc thu gom sao biển gai đã được thực hiện định kỳ. Đây là một động thái tích cực để bảo vệ san hô, tuy nhiên sao biển gai vẫn hoạt động ở nhiều khu vực thuộc vùng biển Cù Lao Chàm. Có thể giải thích điều này bằng một số nguyên nhân là nguồn thức ăn dồi dào, nguồn nước bị ô nhiễm tại một số vùng do hoạt động du lịch…” - ông Diên nói.
Chiến lược hành động
Trang bị kiến thức phục hồi san hô cứng Thông qua chương trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng tại một số KBTB trọng điểm” của Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành phục hồi và cấy san hô tại các khu vực trọng điểm. Trong năm 2012, các cán bộ của Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm và 2 ngư dân địa phương được các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang đào tạo, tập huấn toàn bộ các phương pháp phục hồi san hô cứng như khảo sát, nhận diện, lựa chọn vùng cho vùng nhận phục hồi; kỹ thuật tách tập đoàn “bố mẹ” tại vùng cho, nuôi cấy tập đoàn “con” tại vùng nhận; kỹ thuật bảo quản tập đoàn bố mẹ sau khi tách; kỹ thuật kiểm tra độ tăng trưởng san hô... Tất cả học viên đều nắm vững các kiến thức này và đã vượt qua đợt kiểm tra trước khi trực tiếp tiến hành phục hồi san hô cứng. |
Từ việc nhận diện các tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của san hô, Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành nuôi cấy, phục hồi san hô cứng. San hô cứng vùng cho được lựa chọn tại 2 điểm chính là Bao Gạo (Hòn Lá) và Vũng Nhàn (Hòn Lao). Lý do 2 địa điểm này được lựa chọn là nhờ mật độ san hô cứng ở nền đáy lớn, có khả năng phát triển, xa khu vực dân cư và đặc biệt phù hợp với đặc điểm của vùng nhận. Vùng nhận là khu vực Bãi Tra và Bãi Bắc. Có 3 giống san hô cứng được lựa chọn để phục hồi là acropora (san hô sừng hươu), montipora (san hô lá) và pachyseric (san hô dạng phiến). Theo ông Diên, một trong những nguyên tắc quan trọng để đảm bảo việc phục hồi san hô cứng là tách tập đoàn san hô “bố mẹ” tại vùng cho đảm bảo nguyên tắc 3 - 7 (chỉ tách 1 tập đoàn mới tương ứng 30% thể tích tập đoàn cũ, 70% còn lại tạo điều kiện cho san hô phát triển bình thường). Chương trình phục hồi san hô cứng tại KBTB Cù Lao Chàm đã cho kết quả khả quan khi tỷ lệ san hô sống tại vườn ươm đạt mức xấp xỉ 87%. Tỷ lệ san hô sống tại vùng phục hồi đạt 74%. Số tập đoàn tách từ vườn ươm sang phục hồi đạt hơn 400 tập đoàn.
Thành công của chương trình phục hồi san hô tại KBTB Cù Lao Chàm còn được biểu hiện ở sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân xã đảo Tân Hiệp (TP. Hội An). Nếu như trước đây người dân chỉ khai thác nguồn lợi có sẵn trong rạn san hô thì nay chính họ đã trực tiếp tham gia phục hồi rạn san hô và tuyên truyền các cách thức bảo vệ cho nhiều ngư dân khác. Ông Trần Láng, ngư dân trực tiếp tham gia việc nuôi cấy và phục hồi san hô (thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp) cho biết: “Vì sự giàu có của vùng biển quê hương, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào việc bảo vệ sự phát triển của san hô nói riêng, của đa dạng sinh vật nơi đây nói chung. Nhờ được các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang tập huấn, đào tạo bài bản các quy trình phục hồi san hô cứng, chúng tôi đã thành công khi bảo vệ loài sinh vật rất quý là san hô. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã trực tiếp tuyên truyền cách thức bảo vệ san hô trong cộng đồng”.
Nguyễn Quang Việt