Xuất khẩu thủy sản năm 2012: Vẫn gặp khó

Nguyễn Quang Việt 27/12/2012 09:03

Xuất khẩu thủy sản Quảng Nam năm 2012 chỉ đạt 67,8% kế hoạch năm với các nguyên nhân cũ như thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh…

Thiếu sức cạnh tranh

Năm 2010 - năm “bản lề” của hoạt động xuất khẩu Quảng Nam nhưng ngành chủ lực là xuất khẩu thủy sản chỉ tăng 4% (đạt hơn 27,7 triệu USD) so với năm 2009, sau đó liên tiếp sụt giảm (năm 2011 chỉ đạt hơn 22,116 triệu USD và năm 2012 gần 22,37 triệu USD). Câu chuyện cũ: thiếu nguyên liệu, thiếu vốn đối ứng, khó khăn về thuế quan, dư lượng kháng sinh… vẫn tái diễn đúng “nguyên bản” so với vài năm trước đây. Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc) chia sẻ: “Chi phí sản xuất tăng vọt khiến giá thành sản phẩm ngày một leo thang. Giá thành tăng cao nhưng giá bán sản phẩm (vốn đã được ký kết theo các hợp đồng từ trước) vẫn duy trì nên ở nhiều thời điểm trong năm, chúng tôi đã thua lỗ nặng”.

Hàng đông lạnh xuất khẩu giảm đến 19% so với năm 2011.                                                                                                                             Ảnh: Q.VIỆT
Hàng đông lạnh xuất khẩu giảm đến 19% so với năm 2011. Ảnh: Q.VIỆT

Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2012 mặt hàng thủy sản đông lạnh đã suy giảm đến 19% so với năm 2011. Nguyên nhân là phần lớn các doanh nghiệp (DN)chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh là các DN nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn vay khi ngân hàng thắt chặt tín dụng. Vì vậy, dù rất muốn mở rộng sản xuất nhưng vì không đủ vốn nên các DN thiếu sức cạnh tranh, đặc biệt là việc thu mua các mặt hàng tôm, mực, cá hố, cá thu… vốn là thế mạnh của Quảng Nam nhưng được thương lái nước ngoài tiêu thụ với giá cao.

Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Nam tồn tại một nghịch lý là sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản tại chỗ ngày càng gia tăng nhưng nguồn nguyên liệu lại không đáp ứng đủ cho các nhà máy, xí nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Quang cho biết thêm: “Hiện tại, công ty chúng tôi phải nhập khẩu 50% nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài, vì nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng công suất chế biến. Có nhiều mặt hàng, công ty phải nhập khẩu 100%. Đối với mặt hàng mực, bạch tuộc, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu mặc dù hiện nay công ty đang có tới hơn 10 đại lý thu mua nguyên liệu trên toàn quốc”.

Vượt khó

Theo Sở Công Thương, năm 2012 trên địa bàn tỉnh có 65 DN xuất khẩu (33 DN ngoài nhà nước, 23 DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI, 9 DN nhà nước). Trong cơ cấu các ngành hàng, hàng gia công vẫn giữ vai trò chủ yếu trong xuất khẩu. Dệt may và giày da là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất (lần lượt là 19,6% và 30,4%). Tháng 12, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 41,5 triệu USD (tăng 1,49% so với tháng 11 và tăng 7,79% cùng kỳ). Dự tính kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 495,93 triệu USD (tăng 17,69% năm 2011). Những mặt hàng có tốc độ tăng cao là giày da, hải sản khô, dệt may, hàng điện tử… Các mặt hàng giảm sút là thủy sản đông lạnh, các sản phẩm từ gỗ, nguyên liệu giấy, cồn ethanol… Xuất khẩu của các DN thuộc Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc trong năm 2012 ước đạt 207,7 triệu USD (tăng 25,2% so với năm 2011); Khu Kinh tế mở Chu Lai ước đạt 76,76 triệu USD (giảm 6,8% so với 2011); Khu công nghiệp Thuận Yên và Trường Xuân ước đạt 42,59 triệu USD…

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Đông Phương khẳng định thương hiệu tại thị trường Nhật Bản với các mặt hàng thủy sản chế biến là bạch tuộc và nhiều loại cá. Hiện tại, mặc dù chịu nhiều tác động xấu của sự suy giảm kinh tế trong nước cũng như thế giới nhưng DN này duy trì quy mô sản xuất tương đối lớn. Đó là các xưởng chế biến bánh nhân thủy sản, chế biến cá hồi, cá tuyết, cá basa, chế biến bạch tuộc sashimi. Ông Phạm Văn Quang cho biết, thị trường Nhật Bản rất thuận lợi và phù hợp với cách sản xuất và kinh doanh của DN. Đó là tính ổn định, bền vững của thị trường này. “Sự thất thường của thị trường trong nước ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kinh doanh của DN với các đối tác ngoài nước. Các DN Nhật Bản đánh giá rất cao tính an toàn, ổn định về giá cả cũng như các cam kết về an toàn thực phẩm và tiêu chí chất lượng sản phẩm. Trước tình hình giá cả đột ngột tăng lên kéo theo sự tăng lên của giá thành sản phẩm, chúng tôi phải tìm cách chủ động hơn về nguyên liệu chế biến. Chúng tôi đang tìm cách liên kết với các chủ hộ, chủ DN nuôi thủy sản, các chủ phương tiện khai thác hải sản trong và ngoài tỉnh để xây dựng các “vệ tinh” cung cấp nguyên liệu hợp lý. Việc các chủ hộ, các DN nuôi thủy sản theo các tiêu chí VietGAP ngày càng quy củ sẽ giúp chúng tôi đảm bảo được các tiêu chí khắt khe về dư lượng kháng sinh, về an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Quang nói.   

 Theo Sở Công Thương, thời gian qua, hiện tượng thương lái nước ngoài mà nhiều nhất là thương lái Trung Quốc ồ ạt vào tranh mua nguyên liệu thủy sản của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng là rất phổ biến. Sản lượng khai thác trong nước không ổn định do tính chất mùa vụ khai thác hải sản, cụ thể là mùa biển động đã khiến cho nguồn nguyên liệu hải sản khan hiếm. Ngoài ra, chi phí đầu vào như giá điện, giá xăng dầu tăng cùng với chi phí tiêu dùng của nhiều mặt hàng tăng cao khiến đa số các DN chế biến thủy sản gặp khó khăn. “Để hỗ trợ DN chế biến thủy sản vượt khó, việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá thủy sản của Việt Nam nói chung, của Quảng Nam ra nước ngoài là điều rất cần thiết. Thông qua nhiều hình thức xúc tiến thương mại, giới thiệu đầy đủ thông tin về hệ thống khai thác, nuôi trồng, chế biến được kiểm soát của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ giúp các DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm” - ông Nguyễn Đức Cường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính & xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết.

Nguyễn Quang Việt

Nguyễn Quang Việt