Nỗ lực bảo vệ môi trường công nghiệp: Ít nhà máy xử lý nước thải
Theo quy định, các cụm công nghiệp (CCN) khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên hiện nay hầu hết CCN trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được yêu cầu này.
Ít ỏi nhà máy xử lý nước thải
Cuối năm 2020, nhà máy xử lý nước thải tại CCN An Lưu (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) đi vào hoạt động, công suất khoảng 700m3/ngày đêm, trở thành một trong số công trình xử lý nước thải công nghiệp quy mô tại các CCN trên địa bàn tỉnh.
Với 10 công ty đang sản xuất kinh doanh thuộc nhóm ngành nghề như chế biến bột cá, vật liệu xây dựng, giặt là công nghệ cao, bê tông tươi thương phẩm..., việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại CCN An Lưu được xem là bức thiết nhằm đáp ứng những vấn đề về môi trường, nhất là với các ngành nghề như giặt là công nghệ, chế biến bột cá…
500 doanh nghiệp được thu gom chất thải nguy hại
Ông Nguyễn Ngọ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Quảng Nam cho biết, đơn vị chủ yếu thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bao gồm chất thải y tế và chất thải công nghiệp nguy hại. Đến nay công ty đã thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp nguy hại đối với các chủ nguồn thải tại tất cả các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng số chủ nguồn thải đã ký hợp đồng với công ty để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp nguy hại là hơn 500 đơn vị. Tần suất thu gom chất thải công nghiệp nguy hại đối với các chủ nguồn thải tại các khu, cụm công nghiệp dao động từ 1 lần/năm đến 12 lần/năm tùy vào khối lượng chất thải nguy hại của từng chủ nguồn thải. Trong quá trình thực hiện, công ty luôn tuân thủ đầy đủ yêu cầu của pháp luật hiện hành về quản lý chất thải nguy hại.H.QUANG
Nhà máy xử lý nước thải đã “giúp” CCN An Lưu trở thành nơi đầu tiên và duy nhất trong số 9 CCN, cụm làng nghề trên địa bàn thị xã Điện Bàn có công trình xử lý nước thải, mặc dù theo quy định các CCN bắt buộc phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa (trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định).
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đề ra lộ trình đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại các CCN, tuy vậy việc này cũng chưa quá cấp thiết bởi hầu hết nước thải trong CCN là nước sinh hoạt của công nhân, không có nước thải công nghiệp.
“Khi thu hút doanh nghiệp vào CCN chúng tôi ưu tiên những ngành nghề hạn chế về tác động môi trường, nhất là nước thải công nghiệp nên hầu hết cơ sở sản xuất tại những CCN Điện Bàn chủ yếu thuộc các nhóm hàng không phát thải nước ô nhiễm như gỗ gia dụng, may mặc, cơ khí, vật tư y tế…” - ông Chơi khẳng định.
Tính đến năm 2023, mới chỉ có 4/51 CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh xây dựng được hệ thống xử lý nước thải gồm CCN An Lưu (Điện Bàn), CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình), CCN Trường Xuân 1 (TP.Tam Kỳ) và CCN – tiểu thủ công nghiệp (khối 7, thị trấn Núi Thành), hầu hết quy mô tương đối nhỏ.
Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và CCN huyện Đại Lộc thừa nhận, do những nguyên nhân khác nhau nên địa phương rất khó đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tại CCN.
Trong số 14 CCN trên địa bàn huyện Đại Lộc đến nay chưa cụm nào có công trình thu gom xử lý nước thải tập trung, chủ yếu doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng một số hạng mục xử lý khi vào CCN.
Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải tại CCN cũng như ủy thác cho doanh nghiệp tự xây dựng không chỉ hạn chế thu hút doanh nghiệp đầu tư mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường chung tại các CCN. Thậm chí, tại một số CCN không ít doanh nghiệp đã vi phạm về vấn đề môi trường.
Hướng đến cụm công nghiệp sinh thái
Nếu như tại các khu công nghiệp, việc xử lý các vấn đề môi trường như thu gom nước thải công nghiệp được quan tâm đầu tư bài bản thì tại các CCN trên địa bàn tỉnh, vấn đề này còn nhiều hạn chế.
Từng có những phản ánh về mùi hôi thối tại các nhà máy chế biến bột cá, thức ăn chăn nuôi tại một số CCN trên địa bàn tỉnh như An Lưu hay CCN Đại An (Đại Lộc), tuy nhiên việc xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm này hầu như khó khả thi.
Đại diện Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, hàng năm thành phố đều tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất trong CCN, bao gồm kiểm tra về việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường (có kế hoạch và đề án bảo vệ môi trường, thực hiện giám sát môi trường định kỳ, có hợp đồng thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại…) nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện tốt.
Tại CCN Trường Xuân 1, mặc dù đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải nội bộ độc lập với hệ thống thoát nước mưa (công suất 200m3/ngày đêm) nhằm thu gom nước thải từ các cơ sở sản xuất về trạm xử lý, nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối hệ thống nước thải vào hệ thống thu gom nước thải chung.
Theo báo cáo về quản lý công nghiệp của Sở Công Thương, một trong những hạn chế của hạ tầng kỹ thuật CCN chính là hệ thống xử lý nước thải vỉa hè, cây xanh… chưa được đầu tư đồng bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Lập – Phó phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) lý giải, nguyên nhân là hầu hết CCN của tỉnh có quy mô diện tích hạn chế (nhỏ nhất 3ha), doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, ngành nghề đăng ký ít ảnh hưởng đến nước thải hoặc ô nhiễm môi trường như cơ khí, dăm gỗ… trong khi để đầu tư vận hành một nhà máy thu gom, xử lý nước thải thì cần số tiền khá lớn.
“Tất nhiên, nếu CCN nào có các ngành nghề như chế biến cá, tôm hay nhuộm vải, thải nước ra môi trường thì bắt buộc phải có hệ thống xử lý còn lại các cụm nhỏ với các ngành nghề khô như cơ khí, dăm gỗ hay may mặc thì cũng không cần thiết. Thậm chí như tại CCN An Lưu hiện nhà máy xử lý nước thải hoạt động chưa được 50% công suất do nước thải các cơ sở sản xuất dồn về không nhiều” - ông Lập cho biết.
Quản lý nước thải tại khu công nghiệp gặp khó
Toàn tỉnh hiện có 14 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.676ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10/14 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%. Hầu hết KCN đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải (ngoại trừ KCN Thuận Yên), đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Tại một số KCN, nhà máy xử lý nước thải có quy mô công suất khá lớn, có thể kể đến nhà máy xử lý nước thải tại KCN Tam Thăng (Tam Kỳ), tổng công suất 28.000m3/ngày đêm; KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), tổng công suất xử lý nước thải đạt 5.000m3/ngày đêm hay nhà máy xử lý nước thải tại KCN Tam Hiệp (Núi Thành), công suất xử lý 4.800m3/ngày đêm…
Theo Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các KCN dù mang tính bắt buộc và đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, tuy nhiên quá trình hoạt động cũng bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt nguồn thu không đủ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống, nhất là với những KCN do nhà nước làm chủ đầu tư.
Đơn cử, tại KCN Tam Hiệp, mặc dù công suất xử lý theo thiết kế 4.800m3/ngày đêm nhưng lượng nước thải về chưa đến 1.000m3 do tỷ lệ doanh nghiệp lấp đầy trong KCN thấp, trong khi nguồn vốn đầu tư và chi phí vận hành lớn, đây cũng là tình trạng chung của nhiều nhà máy xử lý nước thải tại KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay.
GIA KHANG