"Khát" vốn khuyến công
(QNO) - Số lượng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển nhanh và nhiều, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế đã khiến hoạt động khuyến công ở các địa phương gặp khó.
Động lực cho đầu tư máy móc hiện đại
Ông Hồ Văn Xuân (thôn Đại Đồng, Tam Lộc, Phú Ninh) cho biết, để hình thành nên được cơ sở đồ gỗ gia dụng là hành trình nhiều năm ông cùng vợ tích cóp gầy dựng. Song chuyện không đủ vốn để đầu tư máy móc là trở ngại lớn nhất đối với các hộ sản xuất ở vùng nông thôn.
“Tuyển 5 thợ làm công nhưng thiếu máy móc nên năng suất cũng không cao lắm, nhất là khi có đơn hàng nhiều. Vì vậy, khi UBND huyện đồng ý hỗ trợ từ nguồn khuyến công với số tiền hơn 108 triệu đồng để tôi phát triển cơ sở thì thật sự là cơ hồi để thời gian đến mình sản xuất quy mô hơn” – ông Xuân chia sẻ.
Từ nguồn hỗ trợ khuyến công này, ông Xuân đã nhanh mua sắm các loại máy móc như máy lọng, cưa vòng, máy đục lỗ…, để các công đoạn làm đồ gỗ gia dụng được rút ngắn, giảm chi phí công sản xuất. Theo ông, với các đơn hàng bình quân lâu nay thì mỗi lao động ở xưởng có thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Nhưng nay có máy móc thì sản lượng sẽ cao hơn nên chắc chắn cơ sở sẽ sản xuất năng suất cao hơn và thu nhập người lao động sẽ tăng lên.
Sáu tháng đầu năm 2022, UBND huyện Phú Ninh hỗ trợ cho Công ty TNHH Triết Minh (xã Tam Đàn) hơn 236 triệu đồng để mua máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm kẹo sâm Ngọc Linh. Và tính từ 2014 đến nay, địa phương đã hỗ trợ 30 đề án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT).
Theo đánh giá, các dự án sau đầu tư đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải ra môi trường.
Theo ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến đầu tư tỉnh, mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn nhưng đã giúp cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ mới vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển.
“Giai đoạn 2020 - 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn kinh phí hỗ trợ có giảm sút nhưng trung tâm đã hoàn thành 100% các đề án cần hỗ trợ. Đầu năm 2022, Bộ Công Thương giao kế hoạch kinh phí là 1,75 tỷ đồng và đã hỗ trợ 2 đề án cho 6 cơ sở, doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi trình bổ sung 1 đề án hỗ trợ cho 4 cơ sở với nguồn vốn hơn 1,3 tỷ đồng. Và riêng nguồn khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ 776 triệu đồng thực hiện 6 đề án” – ông Phúc thông tin.
Hai năm 2020 – 2021, nguồn khuyến công quốc gia và địa phương đã đầu tư hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến hơn 3,4 tỷ đồng cho 13 đề án như “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” tại huyện Núi Thành cho Công ty TNHH Thành Xuân Phú và Công ty TNHH Sáng tạo công nghệ TKT Việt Nam), “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ gỗ” cho Hợp tác xã Thuận Yên và Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Lee Houses, hỗ trợ máy móc cho Cơ sở sản xuất bánh chưng Bà Ba Hội…
Còn nhiều khó khăn
Theo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh và các địa phương, hoạt động khuyến công gặp nhiều hạn chế, nhất là tình hình số lượng các cơ sở CNNT của tỉnh tăng nhanh hàng năm nhưng đa phần có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu nên năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh còn hạn chế. Do vậy, việc triển khai xây dựng đề án để hỗ trợ cho các cơ sở này gặp nhiều khó khăn.
Tại Phú Ninh, công tác khuyến công chỉ mới hỗ trợ 2 nội dung chính là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất. Ông Trần Quốc Doanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nhìn nhận: “Một thực tế là các cơ sở CNNT trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn chế không đối ứng vốn được nên chưa thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này. Ngoài ra, công tác lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT để hỗ trợ còn bất cập nên một số đề án phải dừng thực hiện và chuyển đổi sang cơ sở khác”.
Bà Phan Thị Cẩm Bình – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, năm 2021, Tam Kỳ đã hỗ trợ 650 triệu đồng cho 5 cơ sở để thay đổi máy móc, công nghệ, bảo vệ môi trường, còn năm 2020 chỉ gần 500 triệu đồng. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất CNNT của địa phương này rất "khát" nguồn vốn hỗ trợ khuyến công.
“Điều nan giải nhất chính là nguồn kinh phí thực hiện. Hàng năm chỉ có khoảng 1 – 2 cơ sở được hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia. Còn lại từ nguồn khuyến công địa phương thì chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở trên toàn thành phố” – bà Bình cho biết.
Cũng theo ông Đinh Văn Phúc, ngoài tiếp tục tuyên truyền, trung tâm sẽ lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia đạt các giải thưởng sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống...
“Chính sách khuyến khích phát triển sẽ theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng, thân thiện với môi trường, nâng tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Từ đó tạo động lực cho các cơ sở CNNT của tỉnh phát triển” – ông Phúc nói.