Đông Giang khó thu hút đầu tư công nghiệp
Huyện Đông Giang đang chú trọng thu hút đầu tư công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên bước khởi đầu không mấy thuận lợi.
Khởi đầu nan
Bước vào Cụm công nghiệp (CN) thôn Bốn (xã Ba), hình ảnh hiện ra trước mắt là một nhà máy đóng kín cổng, không gian im lìm giữa khu đồi mênh mông. Một chuyên viên Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đông Giang chia sẻ, đó là nhà máy chế biến gỗ keo của Công ty TNHH Nga Doanh miền Trung, hình thành sau khi địa phương mời gọi và UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô sử dụng 1,41ha đất.
Gặp khó khăn do Covid-19 kéo dài, người lao động trong thời gian nghỉ ở nhà đã chuyển sang công việc khác, doanh nghiệp đang nỗ lực kiện toàn lại nguồn nhân lực và các điều kiện thiết yếu để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ngoài nhà máy của Công ty TNHH Nga Doanh miền Trung, Cụm CN thôn Bốn lẽ ra sẽ có thêm một nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng ALV trên diện tích hơn 3ha.
Tuy nhiên, mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4.2018 và gia hạn nhiều lần nhưng doanh nghiệp vẫn không triển khai. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi dự án. Như vậy, Cụm CN thôn Bốn trên thực tế hiện chưa có một nhà máy nào hoạt động.
Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, theo quy hoạch mạng lưới phát triển cụm CN của tỉnh, địa bàn Đông Giang có Cụm CN thôn Bốn và Cụm CN A Xờ (xã Mà Cooih).
Trong đó, quy hoạch Cụm CN thôn Bốn giai đoạn 2020 - 2025 có diện tích 7,2ha; Cụm CN A Sờ đến năm 2025 là 7ha. Hiện tại, Cụm CN A Sờ chưa tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng do chưa có nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
Đối với Cụm CN thôn Bốn, huyện đang xây dựng giai đoạn 1 gồm các hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, san nền, cấp nước có tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc
Theo ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, quy hoạch và phát triển CN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương với kỳ vọng khi doanh nghiệp vào đầu tư sẽ giải quyết lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân và kích thích thương mại - dịch vụ phát triển.
“Đông Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển CN. Đó là địa giới hành chính giáp ranh với TP.Đà Nẵng, khoảng cách từ Cụm CN thôn Bốn đến cảng Tiên Sa chỉ khoảng 40km. Đất đai quy hoạch để xây dựng cụm CN rộng, địa thế cao ráo. Nguồn nhân lực tại chỗ dồi dào” - ông A Vô Tô Phương nói.
Tuy nhiên, vấn đề thu hút, mời gọi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước đây khi nhà đầu tư vào tìm hiểu thì huyện chưa xây dựng xong cụm CN. Cùng với đó, mặt đường quốc lộ 14G, đoạn giáp ranh với Đà Nẵng lên xã Ba chỉ rộng hơn 5m, quanh co, đèo dốc nên doanh nghiệp lo ngại khi triển khai dự án.
Đầu năm 2022 có một doanh nghiệp xin chủ trương thỏa thuận địa điểm nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và cơ khí phụ trợ công - nông nghiệp trên diện tích 6ha tại Cụm CN thôn Bốn, một số doanh nghiệp khác cũng quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư, vậy nhưng quy mô diện tích quy hoạch Cụm CN thôn Bốn hạn chế nên doanh nghiệp không muốn đầu tư dự án.
Trước thực trạng nêu trên, Đông Giang đã kiến nghị tỉnh cho điều chỉnh mở rộng quy hoạch Cụm CN thôn Bốn lên 40ha, Cụm CN A Sờ lên 15ha. Bổ sung vào quy hoạch phát triển thêm cụm CN xã Jơ Ngây có quy mô 15ha, bởi đây là khu vực trung tâm vùng II theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đông Giang.
Theo ông A Vô Tô Phương, huyện đang nghiên cứu, xem xét mời gọi doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư quản lý cụm CN. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bỏ vốn ra xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm CN, thu hút nhà đầu tư vào sản xuất, thực hiện luôn nhiệm vụ quản lý.
Địa phương cũng kiến nghị tỉnh có ý kiến với Bộ GTVT sớm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G để khơi thông huyết mạch phía tây bắc Quảng Nam, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, giải quyết dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông.