Đại Lộc vượt khó ổn định sản xuất công nghiệp
Đối diện không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Đại Lộc nỗ lực vượt khó, duy trì ổn định sản xuất công nghiệp.
Giữ sự ổn định
Năm 2021 và đầu năm 2022, dù đối diện với không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc vẫn đạt được những kết nhất định. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đạt được những kết quả khả quan.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, đặc biệt là việc xúc tiến đầu tư hạ tầng vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện được thực hiện có hiệu quả. Dù ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, trong năm 2021 Đại Lộc đã thu hút được 3 dự án sản xuất đầu tư vào các CCN.
Cụ thể, dự án Nhà máy chế biến bột đá thạch anh và kho bãi lưu trữ hàng hóa của Công ty TNHH Ngân Khuê; Nhà máy da giày của Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ miền Trung tại CCN Đại An và Nhà máy may mặc của Công ty CP Phước Kỳ Nam tại CCN Đại Nghĩa.
Huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho 3 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng CCN gồm CCN Đông Phú, xã Đại Hiệp; CCN Mỹ An mở rộng, xã Đại Quang; CCN Đại Đồng 2, xã Đại Đồng.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu khởi sắc, song từ cuối 7.2021 đến nay, do tác động dịch Covid-19 nên bị ảnh hưởng rất lớn.
Hầu hết doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, khó khăn về thị trường tiêu thụ, doanh thu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên ngành CN-TTCN và xây dựng vẫn có sự tăng trưởng khá; giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt 7.787,4 tỷ đồng (tăng 10,3% so với năm 2020).
Trong đó, giá trị sản xuất CN-TTCN phần huyện quản lý ước đạt 5.485 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2020. Đại Lộc phấn đấu trong năm 2022 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 12%; giá trị sản xuất CN - TTCN và xây dựng tăng 12 - 13%, trong đó giá trị CN-TTCN phần huyện quản lý tăng 14%.
Quảng bá, thu hút đầu tư
Năm 2021, ngành CN-TTCN của xã Đại Quang cũng chịu ảnh hưởng đáng kể dưới tác động của dịch Covid-19. Song, so với nhiều địa phương, nền sản xuất CN-TTCN của xã Đại Quang vẫn duy trì tốc độ phát triển ổn định.
Theo ông Hồ Quách Triều Đổng - Chủ tịch UBND xã Đại Quang, dù tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong CCN Đại Quang và Mỹ An của xã vẫn duy trì sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Một số doanh nghiệp nỗ lực thu hút nhân công, mở rộng quy mô sản xuất như Công ty CP Prime Đại Lộc hay như Công ty Hoàng Huy Hùng (may mặc). Giai đoạn 2021 - 2022, xã Đại Quang thu hút được một dự án đầu tư vào CCN Mỹ An và xã đang nỗ lực phối hợp với huyện trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào địa phương.
Toàn xã Đại Quang có 2 CCN thu hút 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, gồm CCN Đại Quang tỷ lệ lấp đầy hơn 80%, CCN Mỹ An tỷ lệ lấp đầy trên 50%. Các doanh nghiệp tại Đại Quang mỗi năm giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1.200 - 1.500 lao động, riêng Công ty CP Prime giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động trên địa bàn.
Năm 2022, huyện Đại Lộc tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ cao, vốn thực hiện lớn, thân thiện với môi trường, giải quyết được nhiều lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của huyện hỗ trợ doanh nghiệp.
Tiếp tục tạo quỹ đất sạch tại các CCN; huy động các nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghiệp. “Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN của huyện đạt 80%.
Địa phương ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao... vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh” - ông Lê Văn Quang nói.