Đất lành Tam Thăng

DIỄM LỆ 31/01/2022 07:05

(Xuân Nhâm Dần) - Trong vệt phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) được xem là dấu ấn của sự đột phá, sáng tạo về đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp. 

Diện mạo Khu công nghiệp Tam Thăng hôm nay. Ảnh: D.L
Diện mạo Khu công nghiệp Tam Thăng hôm nay. Ảnh: D.L

Bắt đầu từ “3 không”

Ngày 23.3.2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai. Phạm vi quy hoạch bao gồm cả huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ lúc bấy giờ.

Mười năm sau, Khu KTM Chu Lai phát triển mạnh mẽ, nhưng nhìn lại chỉ có các dự án, khu công nghiệp (KCN) phát triển ở huyện Núi Thành. Tam Kỳ vẫn chưa có một KCN trọng điểm như kỳ vọng.

Đến nay, KCN Tam Thăng đã thu hút được 24 dự án với tổng vốn đăng ký gần 530 triệu USD và 385 tỷ đồng, đã thực hiện hơn 430 triệu USD và 270 tỷ đồng; trong đó có 19 dự án vốn FDI. Ngoài ra, có 20 dự án đã đi vào hoạt động và lắp đặt thiết bị, vận hành thử nghiệm, 3 dự án đang lắp đặt, vận hành thử nghiệm, 1 dự án đang lập thủ tục môi trường, đất đai, xây dựng. Và điều quan trọng, KCN Tam Thăng đã tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động.

Lúc này, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Chu Lai (CIZIDCO) đã đầu tư hạ tầng và thu hút nhiều dự án vào KCN Bắc Chu Lai. Sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh lúc này đặt lên vai CIZIDCO, mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.

Để tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ, giải quyết toàn bộ thủ tục chỉ tại một địa điểm là ban quản lý..., đã tạo động lực để Tam Thăng hình thành.

Nhớ lại thời điểm được giao nhiệm vụ đầu tư hạ tầng, thu hút, kêu gọi dự án vào KCN Tam Thăng, ông Nguyễn Văn Chúng tâm sự: “Lúc đó, KCN Tam Thăng được bắt đầu với xuất phát điểm “3 không”, gồm không điện, không đường, không nước sạch. Đây là 3 yếu tố quan trọng đầu tiên, lại chưa có gì cả.

Nhưng tỉnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất để hình thành KCN Tam Thăng, là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Cơ chế đầu tư của tỉnh lúc này là một cửa tại chỗ, rất thiết thực.

CIZIDCO xác định xây dựng KCN Tam Thăng bằng tâm huyết, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm, sáng tạo để thực hiện nhanh dự án. Và điều quan trọng hơn hết là chúng tôi đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong khu vực. Phải nói rằng, cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều tụ hội để KCN Tam Thăng có được thành quả như hôm nay”.

Cách làm sáng tạo

CIZIDCO dốc toàn lực cùng TP.Tam Kỳ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi TP.Tam Kỳ vẫn đang còn lập phương án bồi thường, chờ phê duyệt và ra quyết định thu hồi đất, thì CIZIDCO đã đến với người dân để thỏa thuận.

Đơn vị trực tiếp thỏa thuận với người dân khu vực dự án, lập biên bản thỏa thuận đôi bên, người dân đồng ý thì ngay lập tức chuyển 80% kinh phí bồi thường, kèm theo lời hứa rằng nếu phương án bồi thường cao hơn thỏa thuận, đơn vị sẽ trả như phương án, nếu phương án thấp hơn thỏa thuận, người dân vẫn nhận đủ tiền bồi thường theo thỏa thuận. Cứ như vậy, khu vực nào người dân đồng thuận thì CIZIDCO lập tức tiến hành đầu tư hạ tầng.

Ông Chúng cho biết: “Quan trọng nhất trong việc thu hồi đất là phải đảm bảo tái định cư cho người dân. Theo nguyên tắc là Nhà nước lo tái định cư, nhưng CIZIDCO đã làm luôn việc này. Tam Kỳ hỗ trợ đất nơi ở mới đảm bảo mỗi hộ dân có đủ 300m2 đất ở để thực hiện phương châm “đất đổi đất” đúng như lời hứa ban đầu.

Nơi ở mới cho nhân dân phải hơn nơi ở cũ khi CIZIDCO đầu tư hạ tầng đường, điện, nước sạch đồng bộ. Nhờ vậy mà người dân đã đồng thuận, hỗ trợ tích cực cho CIZIDCO thực hiện nhanh KCN Tam Thăng”.

Ngày 24.3.2015, CIZIDCO khởi công xây dựng hạ tầng KCN với tiến độ thuận lợi. Đến 30.7.2015, đã bàn giao đất để Tập đoàn Panko Hàn Quốc triển khai xây dựng dự án đầu tiên tại KCN là nhà máy Panko Tam Thăng.

“So sánh 2 mốc thời gian như vậy để thấy rằng CIZIDCO vừa đầu tư hạ tầng, vừa tiến hành kêu gọi, xúc tiến đầu tư một cách nhanh nhất có thể. Khi có Panko là “cánh chim đầu đàn” tại KCN Tam Thăng, lập tức nhiều dự án liên quan đến công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cũng bắt đầu đến với Tam Thăng, tạo hiệu quả tích cực” - ông Chúng nói.

DIỄM LỆ