Thương hiệu Việt rộng cửa thị trường
Xuất sơ mi rơ moóc sang Mỹ được nhìn nhận “thêm một tấm vé thông hành” cho Thaco rộng cửa vào thị trường thế giới. Cảng Chu Lai sẽ mở rộng để đón tàu chuyên dụng.
Thâm nhập thị trường thế giới
Ngày 15.2.2016, nhà máy sản xuất xe chuyên dụng hạng nặng và sơ mi rơ moóc (SMRM) đầu tiên tại Việt Nam, rộng 24.000m2 (nhà xưởng chiếm 13.800m2), công suất thiết kế 5.000 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng đã được Thaco đưa vào vận hành sau 3 tháng thi công. Những lô hàng SMRM đã bắt đầu vượt đại dương, cập cảng thị trường Columbia, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản...
Mất gần 2 năm nghiên cứu, phát triển và giới thiệu sản phẩm, hai lô hàng 69 SMRM đã được xuất sang Mỹ thông qua PITTS Enterprises - một trong 15 nhà sản xuất SMRM lớn nhất tại Bắc Mỹ có lịch sử hơn 100 năm vào năm 2020.
Và rồi lô hàng 870 SMRM đầu tiên, theo một thỏa thuận phân phối độc quyền ký kết giữa Tổng Công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Thaco (Thaco Industries) và PITTS Enterprises, được bốc dỡ lên tàu chuyên dụng RORO của hãng tàu quốc tế Liberty Global Logistics (Mỹ) trên cảng PTSC Dung Quất sáng 15.12.2021, sẽ cập cảng Charleston, SC (Mỹ) ngay trong tháng 1.2022, đã trở thành sự kiện ý nghĩa.
Tiếp theo trong hai năm 2022 - 2023, khoảng 40.500 SMRM thương hiệu Việt (kể cả 870 SMRM đã xuất), trị giá 565 triệu USD, khởi phát từ Chu Lai sẽ rộng đường thâm nhập thị trường Mỹ.
Ông Edgar Coulter Gill - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn PITTS Enterprises (Mỹ) cho biết, thỏa thuận thương mại trên, giống như những hành trình chinh phục đỉnh cao khác, không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Áp lực giá vật liệu, linh kiện, vận chuyển, thời gian cung cấp sản phẩm vẫn tồn tại. Nhưng, cả hai sẽ tìm ra chiến lược, quy trình mới, không ngừng phát triển mối quan hệ, cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ những thiết bị SMRM vận chuyển xuất sắc. Thaco và PITTS sẽ trở thành nhà cung cấp SMRM đa phương thức hàng đầu thế giới.
“Năng lực, nguồn lực từ Thaco, cộng thêm sự hỗ trợ của Dorsey Intermodal (công ty con của PIITS) thì mọi điều đều có thể. Tất cả mới là sự khởi đầu. Dự kiến sau 2 năm, Thaco Industries và PITTS Enterprises sẽ tiếp tục ký kết gia hạn hợp đồng với sản lượng xuất khẩu tăng 10% mỗi năm” - Edgar nói.
Xuất SMRM sang Mỹ (một thị trường nổi tiếng về độ khắt khe, yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa) khẳng định năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của Thaco đủ khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể đây là một trong những tấm vé thông hành hoàn hảo để tập đoàn này khẳng định được vị thế, mở rộng cửa thị trường trên bản đồ xuất khẩu khu vực và thế giới.
Chiến lược xuất khẩu
Thaco nhận định quy mô thị trường SMRM toàn cầu khoảng 19,73 tỷ USD năm 2020 sẽ được mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 5,8% đến năm 2028. Thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng, từ chủng loại, khối lượng, kích cỡ...
Xu hướng sử dụng container thay thế các phương tiện vận tải tải trọng thấp, dung tích chứa hàng hóa nhỏ dần phổ biến, sẽ là cơ hội cho SMRM của Thaco Industries chiếm lĩnh thị trường nội địa (cấu hình đáp ứng các yêu cầu khách hàng, chất lượng tốt, giá phù hợp, hệ thống showroom/đại lý khắp Việt Nam với các chính sách bảo hành tốt).
Theo khảo sát, phân tích của Thaco, dung lượng thị trường SMRM tại Mỹ rất lớn khi nền kinh tế phục hồi. Đối tác PITTS có hệ thống kinh doanh rộng khắp Bắc Mỹ. Sản phẩm SMRM của Thaco Industries được đánh giá phù hợp với nhu cầu sử dụng, đủ năng lực cạnh tranh cao tại thị trường này.
Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Thaco Industries nói SMRM được xác định là sản phẩm chiến lược trong xuất khẩu, có nhiều lợi thế tại các thị trường chủ lực là Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Thaco Industries lên kế hoạch đầu tư xây dựng mới nhà máy SMRM và cấu kiện nặng, công suất 25.000 sản phẩm/năm, sẽ đưa vào vận hành từ tháng 6.2022.
Xuất SMRM sang Mỹ là một sự kiện “truyền thông quốc tế”. Lẽ ra, hàng đã được xuất tại Chu Lai lại “buộc” phải xuất từ Dung Quất, vì luồng lạch và độ sâu cảng biển không đủ tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Đây là “nỗi tiếc nuối” của cảng biển Chu Lai và cả Quảng Nam khi đã “mất đi” cơ hội quảng bá.
Để khắc phục, chính quyền Quảng Nam vừa quyết định gia hạn thi công nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2) đến ngày 30.6.2022, yêu cầu các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, địa phương hoàn tất giải phóng mặt bằng (bao gồm triển khai phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng tại thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải, Núi Thành), đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng cảng Kỳ Hà.
Ông Bùi Minh Trực - Giám đốc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải - Thilogi cho hay, dự kiến sẽ hoàn thành nạo vét luồng cảng Kỳ Hà đạt độ sâu tối thiểu - 8,5m, mở rộng đường kính vũng quay tàu trước bến cảng Chu Lai từ 220m lên 260m vào tháng 1.2022, phục vụ việc tiếp nhận tàu chuyên dụng cập cảng. Dự kiến, tháng 2.2022, cảng Chu Lai có thể đón được tàu chuyên dụng RORO có tải trọng hơn 21.000 tấn, chiều dài 200m cập cảng để phục vụ xuất khẩu.
Thaco cũng đầu tư xây dựng bến cảng số 2 - cảng biển Chu Lai dài 365m; phối hợp Quảng Nam thực hiện dự án đầu tư luồng tuyến mới ở khu vực Cửa Lở để đón tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, kết nối Tây Nguyên, Lào, Campuchia, hai miền Nam, Bắc..., mở cửa ngõ ra Biển Đông của vùng Đông Bắc Á; từng bước đưa cảng Chu Lai trở thành một trung tâm giao nhận vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu quốc tế với sản lượng lớn.