Doanh nghiệp “đau đầu” với chi phí vận chuyển
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) phải tốn thêm nhiều chi phí cho khâu vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, gây khó khăn trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.
Gồng mình vượt khó
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi tháng Công ty TNHH Rieker Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) mất thêm hàng chục tỷ đồng do chi phí phát sinh.
Công ty TNHH Rieker Việt Nam có hơn 12 nghìn lao động, riêng tại Quảng Nam có khoảng 10 nghìn công nhân làm việc, sản phẩm chủ yếu là giày, dép xuất khẩu.
Tháng 9 vừa qua, Rieker là một trong 7 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 khiến gần 7.000 công nhân công ty phải nghỉ việc cách ly 2 tuần.
Ông Nguyễn Hoài An – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rieker Việt Nam cho biết, bên cạnh những khó khăn về đơn hàng, giá nguyên vật liệu tăng cao thì vấn đề “đau đầu” của doanh nghiệp hiện nay là hàng hóa xuất đi nước ngoài, ước tính giá vận chuyển container đã tăng từ 8 - 12 lần so với trước, tương đương chi phí phát sinh của công ty mỗi tháng thêm 2 triệu đô la Mỹ, trong khi giá đơn hàng gần như giữ nguyên, tăng không đáng kể.
“Công ty hầu như không có giải pháp gì vì đây là vấn đề quốc tế, nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp. Bây giờ chỉ còn biết cố gắng gồng mình chịu đựng, mong nền kinh tế phục hồi để doanh nghiệp vượt qua khó khăn” - ông An chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc xác nhận cước vận chuyển cao khiến chi phí phát sinh tăng thêm từ 10 - 30%. Riêng với các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, mức chi phí tăng càng cao hơn.
Theo ông Nguyễn Tiến Lãng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung (PMG), hiện chi phí tăng thêm từ khâu vận chuyển của công ty mỗi tháng khoảng 5 tỷ đồng. Ngoài phát sinh do khâu vận chuyển nguyên liệu nước ngoài về thì chi phí tăng thêm cũng rơi vào khâu vận chuyển nội địa do thị trường tiêu thụ giảm.
“Xe chở khí ga là xe bồn đặc thù nên chi phí vận chuyển thường tính theo chuyến, nhưng bây giờ dịch giã nên sức mua thấp, dẫn đến khối lượng cung ứng cũng thấp hơn, nhưng ngược lại số tiền vận chuyển không giảm. Chưa kể, thời gian qua giá xăng dầu tăng dẫn đến giá vận chuyển đội lên nhiều” - ông Lãng nói.
Cần nhiều biện pháp hỗ trợ
Sau gần 2 năm xuất hiện dịch Covid-19, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp giảm sút. Bên cạnh những doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không ít doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm rời thị trường.
Tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, trong tổng số 67 dự án đang hoạt động đến thời điểm hiện tại, đã có 12 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, tạm dừng và ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Tiến Lãng cho rằng, ngoài chi phí tăng thêm từ khâu vận chuyển, doanh nghiệp còn chịu rất nhiều chi phí phát sinh trong công tác phòng chống dịch… dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp và người tiêu dùng do giá thành sản phẩm tăng cao, lợi nhuận doanh nghiệp thấp.
Theo ông Nguyễn Đức Lành – Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam – Đà Nẵng (chủ đầu tư KCN Điện Nam – Điện Ngọc), để giúp doanh nghiệp vượt khó khăn, an tâm sản xuất, tỉnh và các cấp, ngành liên quan cần có nhiều giải pháp linh hoạt như hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiền thuê đất, ưu tiên đẩy mạnh tiêm vắc xin đủ liều cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tham gia lưu thông làm việc, vận chuyển hàng hóa…
Thực tế, thời gian qua doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nhận được rất ít hỗ trợ, nhất là liên quan đến tài chính, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài An – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Rieker Việt Nam chia sẻ, với các khoản vay thương mại rất khó giảm, giãn lãi suất, chưa kể điều kiện hỗ trợ không hề đơn giản. Với Công ty Rieker, hầu như không hưởng lợi nhiều từ các hỗ trợ này.
Theo ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam chi nhánh Quảng Nam, khâu vận chuyển rất quan trọng, bởi thị trường có được cung ứng đủ hàng hóa hay không phụ thuộc vào hoạt động lưu thông, vì vậy việc thực hiện các chỉ thị phòng, chống dịch phải nhất quán, xuyên suốt từ Chính phủ đến địa phương. Đặc biệt, vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng, nhất là trong việc đóng mở, chốt chặn khi xuất hiện dịch bệnh, qua đó góp phần hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần sự vào cuộc của nhiều cấp ngành liên quan, dù vậy mấu chốt chính vẫn là sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Để tồn tại, doanh nghiệp phải chủ động xoay xở tùy vào điều kiện đơn vị, Nhà nước chỉ hỗ trợ về thủ tục, y tế, xét nghiệm, cung ứng lao động hoặc tháo gỡ những rào cản về lưu thông…
“Doanh nghiệp phải năng động trong khâu vận chuyển, nhất là khâu xuất hàng đi nước ngoài. Đặc biệt, muốn giảm giá thành vận chuyển ngoài việc phải có logistic mạnh thì phải tìm được nguồn hàng hai chiều đi về, khi đó sẽ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển cho đơn vị” - ông Đặng Bá Dự gợi ý.