Điểm nghẽn phát triển cụm công nghiệp - Bài cuối: Tạo động lực thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng
Giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng, vận hành thông suốt hệ thống xử lý nước thải... là những vấn đề đang quan tâm để tạo cú hích phát triển cho các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Chú trọng GPMB
Ngoài 3 CCN Chợ Lò (xã Tam Thái), Tam Đàn (xã Tam Đàn) và Phước Mỹ (xã Tam Phước), UBND huyện Phú Ninh đang triển khai, hoàn thành thủ tục, hồ sơ đề xuất UBND tỉnh xem xét phê duyệt thành lập thêm 3 CCN Tam Lộc (40ha), Tam Dân (44ha) và Tam Thái (50ha).
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển CCN - thương mại & dịch vụ huyện Phú Ninh cho biết, khi được tỉnh thông qua, vấn đề đặt ra là làm sao triển khai nhanh công tác GPMB để có quỹ đất sạch đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp (DN). Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều CCN được quy hoạch ở huyện Thăng Bình, thị xã Điện Bàn vẫn nguyên hiện trạng đất nông nghiệp, rất khó GPMB khi người dân chưa đồng thuận.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Công Thương đã và đang chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn bộ quá trình GPMB, đầu tư hạ tầng, phát triển các CCN để đề xuất UBND tỉnh có giải pháp giải quyết. Sở Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành tài nguyên - môi trường để tháo gỡ các thủ tục về đất đai, đẩy nhanh tiến độ GPMB. Bên cạnh đó, các địa phương nhanh chóng thu hồi đất sau khi đã có phương án bồi thường, hỗ trợ để đẩy nhanh xây dựng hạ tầng CCN.
Ông Lê Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất - công nghiệp & dịch vụ huyện Thăng Bình cho biết địa phương đang phối hợp với các sở, ngành để đẩy nhanh các công đoạn GPMB, đầu tư hạ tầng ở các CCN. Cùng với đó sẽ tăng cường đối thoại, trao đổi, vận động nhân dân bàn giao đất, tạo quỹ đất sạch ở các CCN.
Để đẩy nhanh tiến độ lấp đầy ở các CCN, cần nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan trực thuộc như trung tâm phát triển CCN, ban quản lý dự án cấp huyện.
Thực tế cho thấy, những dự án thực hiện hiệu quả đều có sự chủ động vào cuộc của chính quyền cấp huyện, từ việc phối hợp với ngành chức năng của tỉnh đến hướng dẫn chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc. Bởi vậy, các địa phương có CCN chậm GPMB, chậm đầu tư hạ tầng cần chú trọng hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến dự án, đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng.
Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tuyên truyền để người dân có đất thuộc diện thu hồi phát triển CCN nắm bắt các quy định của pháp luật, ủng hộ chủ trương phát triển công nghiệp trên địa bàn. DN chủ đầu tư hạ tầng CCN cần xác định rõ trách nhiệm, chuẩn bị mọi điều kiện để có thể tập trung triển khai thực hiện ngay dự án khi được bàn giao quỹ đất.
Xây dựng cơ chế hỗ trợ
Đầu tư 1.775 tỷ đồng xây dựng hạ tầng 92 CCN
Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã được phê duyệt, Quảng Nam sẽ có 92 CCN. Tỷ lệ lấp đầy tại các CCN trung bình đạt 75% vào năm 2025 và 90% vào năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp tại các CCN sẽ chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tương ứng với 30 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20% lao động của ngành công nghiệp, tương ứng 35 nghìn người. Đến năm 2035, giá trị sản xuất sẽ là 35 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40 nghìn lao động. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN theo dự án được phê duyệt 1.775 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương, quy hoạch CCN trên địa bàn được xây dựng dựa trên định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhằm sử dụng các nguồn lực để phát triển CCN hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Các CCN cũng được xây dựng để phát huy tiềm năng của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn.
Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, điểm trừ ở các CCN trên địa bàn tỉnh là bố trí DN không đồng bộ về ngành nghề nên khó xử lý nước thải, rác thải. Có DN đăng ký đầu tư sản xuất, kinh doanh ở CCN nhưng chậm đầu tư hoặc không có động thái đầu tư nên hệ số sử dụng đất ở các CCN chưa cao. Ông Đặng Bá Dự cho rằng, quản lý CCN trong thời gian đến cũng như quản lý chợ, nên giao cho DN quản lý sau đầu tư hạ tầng, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Ở mỗi CCN đều cần hệ thống xử lý nước thải, DN đầu tư hạ tầng CCN sẽ thực hiện việc đó, rồi quản lý, vận hành, bảo dưỡng và thu phí của DN đang sản xuất, kinh doanh ở CCN.
“Hạ tầng chưa đồng bộ là thực trạng ở các CCN trên địa bàn tỉnh. Để kiện toàn việc này, cần hỗ trợ của Nhà nước nhưng hỗ trợ cái gì, hỗ trợ như thế nào đang là vấn đề đặt ra. Khi hỗ trợ phải tính đến nhu cầu, tránh lợi dụng chính sách và khó kiểm soát kinh phí hỗ trợ” - ông Dự nói.
Theo Sở Công Thương, đối với các CCN trên địa bàn tỉnh cần phân loại, CCN nào thuận tiện về giao thông, thuận lợi về sản xuất, kinh doanh, dễ xúc tiến đầu tư thì mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải phải khác với các CCN đơn thuần chỉ là nơi tập kết các cơ sở sản xuất vốn đã gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cần tránh cào bằng và theo tỷ lệ diện tích. Sở Công Thương đang làm việc với các huyện, thị xã, thành phố về cơ chế hỗ trợ phát triển các CCN nhưng sẽ tuân thủ theo nguyên tắc đó khi tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh thông qua nghị quyết.
Quảng Nam đang có 2 mô hình đầu tư hạ tầng ở các CCN, một do UBND huyện làm chủ đầu tư, hai là do DN làm chủ đầu tư. Đối với mô hình do UBND cấp huyện đầu tư hạ tầng, theo Sở Công Thương, với riêng hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì chỉ hỗ trợ cho các CCN có tỷ lệ lấp đầy từ 50% trở lên và chỉ hỗ trợ cho các CCN có lượng nước thải lớn chứ không phải CCN nào có tỷ lệ lấp đầy 50% trở lên thì được hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tránh lãng phí đầu tư. Còn mô hình đầu tư hạ tầng do DN đầu tư thì sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng, trong đó có hỗ trợ hệ thống xử lý nước thải.