Điểm nghẽn phát triển cụm công nghiệp - Bài 3: Thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng
Trong khi hạ tầng ở các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh sơ sài, thiếu đồng bộ thì việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng CCN còn gặp nhiều vướng mắc.
Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng
Khi các CCN trên địa bàn tỉnh được hình thành vào năm 2003, quản lý hoạt động ở các CCN được thực hiện theo Quyết định 105 ngày 19.8.2009 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 105). Theo đó chủ đầu tư hạ tầng ở các CCN là UBND huyện, thị xã, thành phố, đại diện là trung tâm phát triển CCN cấp huyện hay ban quản lý dự án cấp huyện. Khi cơ quan cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhu cầu rất lớn nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp nên đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả thu hút đầu tư, sản xuất chưa cao. Ngày 25.5.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 68 về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) thay thế cho quyết định trước đó, ưu tiên là thu hút DN làm chủ đầu tư hạ tầng.
Tại Quyết định số 3286 ngày 8.9.2017, UBND tỉnh chấp thuận Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN Đồi 30 (diện tích 70ha, thị trấn Phú Thịnh và xã Tam Dân, Phú Ninh) với diện tích giai đoạn 1 hơn 30,4ha, vốn đầu tư 109 tỷ đồng.
Thời điểm đó, tại CCN Đồi 30 có 2 DN đang hoạt động là Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng và Công ty TNHH MTV U Word Sports Việt Nam nhưng hạ tầng sơ sài, nên UBND tỉnh rất kỳ vọng sau khi đầu tư hoàn thiện về hạ tầng, địa phương sẽ tiếp tục thu hút nhiều DN đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, giai đoạn 1 dự án đầu tư hạ tầng ở CCN Đồi 30 vẫn đang tiếp diễn.
Ông Mai Thành Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh cho biết, do Nghị định 68 mới ra đời trong năm 2017, thực hiện cơ chế, chính sách của các cơ quan nhà nước còn lúng túng nên từ năm 2017 đến nay, công ty phải làm việc với rất nhiều sở, ngành của tỉnh, các cơ quan của Trung ương. Do đó, chưa thể sử dụng hết nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng CCN Đồi 30.
“Đến nay, cơ chế, chính sách đã dần suôn sẻ nên chúng tôi có điều kiện để bắt tay đầu tư mạnh các hạng mục giao thông, điện, nước, cảnh quan, cây xanh... cho CCN Đồi 30, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 8 năm nay” - ông Vinh cho biết.
CCN Đồi 30 có ưu thế là cách trung tâm hành chính huyện Phú Ninh chỉ 0,5km, cách sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà 30km về phía bắc, giáp quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam đi qua, giáp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên khá thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Đến nay, Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh đang làm thủ tục để 2 DN mới triển khai đầu tư sản xuất là nhà máy gạch không nung của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Đại Nam Chu Lai và nhà máy sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ xuất khẩu của Công ty CP Eco Timberty.
Ông Vinh cho biết thêm: “Chúng tôi đã xúc tiến kêu gọi DN nước ngoài vào đầu tư quy mô lớn ở CCN Đồi 30, làm cú hích phát triển công nghiệp ở địa phương. Ngoài CCN Đồi 30, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư hạ tầng ở các CCN khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên, Đại Lộc”.
Còn vướng mắc
Đề xuất hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
Bộ Công Thương đang tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách Trung ương nhằm hỗ trợ các địa phương hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN theo định hướng quy hoạch tỉnh, qua đó thu hút mạnh mẽ DN đầu tư vào khu vực nông thôn, phát huy hiệu quả các CCN, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN. Theo đó, bổ sung CCN vào danh mục ưu đãi đầu tư; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN vào danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Cùng với đó, giao các sở công thương chủ trì, làm đầu mối trong công tác thẩm định tiếp nhận các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và các dự án thứ cấp vào CCN để trình cấp có thẩm quyền quyết định; hướng dẫn chuyển giao chủ đầu tư hạ tầng CCN có vốn đầu tư từ ngân sách sang DN quản lý để các địa phương triển khai thuận lợi.
Tại thị xã Điện Bàn, chính quyền địa phương đang kêu gọi DN đầu tư hạ tầng ở CCN Thái Sơn (40ha, xã Điện Tiến) nhưng chưa có DN nào đăng ký. Tương tự, ở huyện Thăng Bình và các địa phương khác cũng đang kêu gọi đầu tư hạ tầng từ DN nhưng chưa có kết quả. Tại sao DN thiếu mặn mà đầu tư hạ tầng ở CCN? Đây thực chất là mô hình DN thuê đất ở CCN của Nhà nước với một số chính sách, cơ chế ưu đãi rồi tự xúc tiến đầu tư, kêu gọi DN thuê lại đất đã có điện, đường... vào hoạt động sản xuất để thu lợi. Cái khó là vốn đầu tư hạ tầng CCN quá lớn, thời gian hoàn vốn chậm, quyền của nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN sau khi thu hút dự án đầu tư thứ cấp còn hạn chế.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, nhiều CCN được hình thành trước khi Quyết định 105 có hiệu lực, tại các CCN này đã có DN thuê đất của Nhà nước để đầu tư sản xuất, kinh doanh với phương thức cho thuê cấp rời từng dự án nên DN ngại vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Ông Mai Thành Vinh cho biết, đối với 2 DN đã hoạt động trước khi DN đầu tư hạ tầng là Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng và Công ty TNHH MTV U Word Sports Việt Nam thì phải trao đổi, làm việc nhiều lần và chấp nhận cho thuê đất với mức bằng 50% so với các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh mới sau khi Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh hoàn thiện hạ tầng.
Một khó khăn khác trong thu hút đầu tư hạ tầng ở các CCN là vướng mắc về mặt bằng. Hiện nay, UBND huyện Phú Ninh vẫn còn 20ha đất chưa bàn giao cho Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Phú Ninh đầu tư hạ tầng. Như đã nói, DN thuê đất của Nhà nước rồi đầu tư hạ tầng CCN, sau đó cho các DN khác thuê lại một phần để đầu tư sản xuất, kinh doanh, thực chất là thực hiện xúc tiến đầu tư, bởi sau khi đầu tư hạ tầng, phải liên hệ, kết nối với DN sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, rất nhiều ý kiến lại cho rằng, DN đầu tư hạ tầng là thực hiện kinh doanh bất động sản. Cả 2 vấn đề trên cần được giải quyết rốt ráo để DN yên tâm đầu tư hạ tầng CCN.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trước thực trạng hạ tầng ở các CCN còn manh mún, nhỏ lẻ, Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển CCN theo Nghị định 68.
“Thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng ở các CCN còn yếu, thiếu, chưa tạo cú hích. Hỗ trợ thiết thực, tạo động lực giúp DN đầu tư hạ tầng ở các CCN đồng bộ, bài bản là rất quan trọng” - ông Dự nói.
...............................
Bài cuối: Tạo động lực thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng