Điểm nghẽn phát triển cụm công nghiệp - Bài 1: Vướng mặt bằng

VIỆT NGUYỄN 05/04/2021 07:56

Sản xuất ở các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh giúp người dân ly nông nhưng không ly hương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả là đáng ghi nhận, tuy vậy nhiều điểm nghẽn cũng xuất hiện, ngành chức năng và các địa phương đang tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo cú hích để phát triển CCN theo chủ trương, định hướng của tỉnh.

Cụm công nghiệp Bình An chỉ mới thu hút được 1 doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cụm công nghiệp Bình An chỉ mới thu hút được 1 doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

BÀI 1 : VƯỚNG MẶT BẰNG

Đã có nhiều điểm nhấn về thu hút đầu tư ở các CCN trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng mặt bằng. 

Những thành quả

Theo Quyết định số 3924 ngày 18.12.2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2025, có xét đến năm 2035, huyện Thăng Bình có 9 CCN. Đến nay, 4/9 CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, gồm CCN Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục), CCN Kế Xuyên - Quán Gò (xã Bình Trung), CCN Bình An (xã Bình Định Bắc), CCN Bình Hòa (xã Bình Giang, đang thỏa thuận cho nhà đầu tư nghiên cứu).

Tại CCN Kế Xuyên - Quán Gò, Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng có 500 lao động, xuất khẩu 1 triệu sản phẩm áo, quần sang thị trường Mỹ. Ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng cho biết, doanh nghiệp (DN) đầu tư ở CCN này từ năm 2011, doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng mỗi năm.

“Nhờ tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh tốt nên chúng tôi nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Tôi đề xuất với huyện cho phép mở rộng thêm phạm vi diện tích sản xuất trong CCN Kế Xuyên - Quán Gò” - ông Tú nói.

Còn ở CCN Hà Lam - Chợ Được, tỷ lệ lấp đầy hiện nay là 75% với đa dạng ngành nghề như may mặc, giày da, thủy tinh, sành sứ, chế biến nông - lâm - thủy sản. Tại đây, Công ty TNHH Domex Quảng Nam đã giải quyết việc làm cho gần 2 nghìn lao động địa phương, sản xuất các mặt hàng quần áo thời trang xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Âu.

Tại CCN Hà Lam - Chợ Được, ngành may mặc hoạt động hiệu quả.
Tại CCN Hà Lam - Chợ Được, ngành may mặc hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trong năm 2020 có thêm 3 dự án công nghiệp đầu tư trên địa bàn. Đó là các dự án sản xuất bánh nướng nhân thủy  sản và sản phẩm rau củ chế biến đông lạnh xuất khẩu của Công ty TNHH Đông Phương; dự án sản xuất thực phẩm sạch của Công ty TNHH Thực phẩm Sáng Ngọc; dự án sản xuất trang thiết bị y tế của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Phú Toàn Quảng Nam.

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.440 tỷ đồng. Huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phối hợp với ban ngành của tỉnh để tổ chức các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc, thiết bị, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Ở huyện Phú Ninh hiện có 3 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy ở giai đoạn 1 là 90%, gồm CCN Phú Mỹ (xã Tam Phước), CCN Chợ Lò (xã Tam Thái) và CCN Đồi 30 (thị trấn Phú Thịnh và xã Tam Dân).

Ông Huỳnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển công nghiệp - thương mại & dịch vụ huyện Phú Ninh cho biết, sản xuất ở các CCN đã giải quyết việc làm cho gần 5 nghìn lao động địa phương với giá trị sản xuất đạt 895 tỷ đồng trong năm 2020. Huyện Phú Ninh đang đề xuất với tỉnh thành lập thêm các CCN. Huyện chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường, tạo mọi điều kiện, giúp DN hoàn thiện nhanh các thủ tục, hồ sơ và miễn tiền thuê đất trong 7 năm đầu hoạt động.

Khó giải phóng mặt bằng

Toàn tỉnh có 50/92 CCN đang hoạt động

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Quảng Nam hiện có 92 CCN, trong đó có 50 CCN đang hoạt động. Hiện nay, ở các CCN, đã có 280 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê hơn 710,2ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là 14.895,6 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án là 64.067 người. Trong đó, 175 dự án đã thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất với tổng diện tích đất thuê hơn 424,4ha, tổng vốn đầu tư thực hiện 6.382,2 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các CCN là 29.718 người. Đến nay, ở các CCN đã có 13 dự án ngưng hoạt động với tổng diện tích 26,2ha.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, trên địa bàn có 9 CCN, trong đó CCN An Lưu (phường Điện Nam Đông) có tỷ lệ lấp đầy là 90%, 8 CCN còn lại có tỷ lệ lấp đầy gần 50%. Hoạt động của 43 DN ở các CCN đã giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động địa phương với giá trị sản xuất đạt 2.300 tỷ đồng trong năm 2020.

“Thúc đẩy phát triển ở các CCN còn chưa đáp ứng kỳ vọng vì vướng mặt bằng. Nhiều nhà đầu tư đã liên hệ xúc tiến đầu tư và yêu cầu nhận mặt bằng sạch sớm nhưng không được đáp ứng nên đã rút lui. Trong 2 năm (2019 - 2020), chúng tôi có ngân sách giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các CCN là 20 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 4 tỷ đồng. Đây là điểm nghẽn lớn” - ông Úc nói.

Ở huyện Thăng Bình, CCN Bình An (xã Bình Định Bắc) mới chỉ thu hút được 1 DN hoạt động, huyện đang nỗ lực GPMB 7,7ha ở CCN này nhưng vướng vì giá đất quá thấp.

Ông Lê Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất - công nghiệp & dịch vụ huyện Thăng Bình cho biết, trung tâm đã gửi mức giá đất đai công khai, mức bồi thường cây cối, mồ mả để lấy ý kiến của các hộ dân. Tuy nhiên, nhiều hộ không đồng ý với mức giá 12 nghìn đồng/m2 vì cho rằng quá thấp, không đủ chi phí để di dời mồ mả. Vì thế, sẽ phối hợp với UBND xã Bình Định Bắc tiếp tục mời các hộ không đồng ý đến vận động giải thích, mong muốn đồng thuận để GPMB, thu hút đầu tư trong thời gian đến.

Ông Nguyễn Văn Húy cho biết, dù gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư do vướng mặt bằng nhưng địa phương vẫn nỗ lực thu hút đầu tư ở các CCN. Theo đó, địa phương thông báo thỏa thuận địa điểm sớm để nhà đầu tư nhanh chóng lập dự án và các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. Huyện mở đường nội bộ từ trục chính đến cổng nhà máy của DN. Thăng Bình sẽ cùng với nhà đầu tư làm việc với ngành điện để đưa điện đến chân tường rào của nhà sản xuất. Đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về mặt hàng, ưu đãi về thuế, được hỗ trợ về lao động, tín dụng, ưu đãi về nguyên liệu và được hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa...

Bài 2: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

VIỆT NGUYỄN