Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Tạo đà cho các ngành công nghiệp

TRUNG LỘ 04/06/2020 13:36

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cũng là tỉnh có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, những năm gần đây, Quảng Nam chú trọng triển khai chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tạo đà cho các ngành công nghiệp (CN).

Phần lớn DN dệt may nội địa chủ yếu sản xuất may gia công, giá trị gia tăng thấp, khó cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: T.L
Phần lớn DN dệt may nội địa chủ yếu sản xuất may gia công, giá trị gia tăng thấp, khó cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: T.L

Gam màu sáng - tối

Các lĩnh vực CNHT được tỉnh ưu tiên phát triển gồm các ngành CN cơ khí ô tô và dệt may. Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển các ngành CNHT trên các lĩnh vực này, nhờ đó đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng doanh nghiệp (DN) lẫn giá trị sản xuất, trình độ công nghệ, thị trường…

Riêng ngành CNHT dệt may, tính đến nay, Quảng Nam đã thu hút hàng chục dự án FDI chuyên sản xuất nguyên phụ liệu. Nhiều dự án có quy mô lớn như nhà máy Groz – Beckert Việt Nam (Cụm CN Đại An - Đại Lộc) chuyên sản xuất thiết bị và công cụ ngành dệt; nhà máy sản xuất chỉ may Amann Việt Nam (Khu CN Tam Thăng) chuyên sản xuất chỉ may thêu xuất khẩu; nhà máy dệt, phụ kiện Duck San Vina chuyên sản xuất sợi, vải, dệt, nhuộm... Đặc biệt, dự án tổ hợp dệt may Panko Tam Thăng (Khu CN Tam Thăng) có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD chuyên sản xuất sản phẩm dệt may, nhuộm và các phụ liệu dệt may; giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn lao động. Đây được xem là dự án hạt nhân, động lực phát triển nhóm CNHT dệt may - da giày vùng đông nam của tỉnh.

Về CN cơ khí chế tạo và sản xuất ô tô, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang là một trong những DN tiên phong đầu tư phát triển CNHT với quy mô lớn nhất Việt Nam. Từ 17 năm trước, khi mới đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco đã từng bước xây dựng chiến lược nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến nay, Thaco đã có 12 nhà máy sản xuất linh kiện - phụ tùng và tổ hợp cơ khí, không chỉ cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của Thaco và các DN trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Sản phẩm từ các nhà máy này bao gồm: linh kiện nội, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch; linh kiện composite; nhíp; kính và nhiều linh kiện phụ tùng khác. Thaco đang đạt tỷ lệ nội địa hóa với xe tải là 35 - 40%, xe khách 55 - 60% và xe con 25%. Từ thực tiễn DN sản xuất và chi đầu tư lớn để rút ngắn tỷ lệ nội địa hóa, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng “thực chất để phát triển CNHT chỉ là vấn đề về thị trường và DN dẫn dắt”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngoài thu hút các doanh nghiệp FDI, DN lớn như Thaco thì hầu hết DN nội địa trên địa bàn tỉnh trong ngành dệt may, cơ khí có giá trị sản xuất CN còn thấp, năng lực và công nghệ của các DN hạn chế. Phần lớn DN dệt may chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các DN nước ngoài nên bị lệ thuộc về thị trường và chịu nhiều thua thiệt so với DN sản xuất làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Với ngành CN cơ khí, chế tạo ở Quảng Nam đã một thời được xem là “máy cái” của sản xuất CN, là ngành CN mũi nhọn, giữ vai trò chủ đạo... nhưng ngành cơ khí đã qua “thời oanh liệt”, đang phải loay hoay bài toán tìm cách để tồn tại, phát triển.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.056 DN, cơ sở sản xuất ở lĩnh vực cơ khí, nhưng trong đó có đến 97% là DN, cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ. Những cơ sở sản xuất cơ khí này hầu hết hoạt động ở quy mô hộ gia đình, số lượng lao động ít, chủ yếu làm cơ khí gia công, gò hàn, làm cửa sắt, sản xuất đồ gia dụng đơn giản và đang nằm trong tình trạng chung là thiếu vốn, máy móc công nghệ lạc hậu nên khó làm ra sản phẩm có giá trị cao, không đủ sức và lực cạnh tranh trên thị trường. Một rào cản nữa là sự liên kết giữa DN với DN, DN nội với DN FDI trong ngành CNHT còn rời rạc, lỏng lẻo; yếu về năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn từ các DN lớn, các DN FDI.

Tìm hướng đi mới

Với mong muốn phát triển CNHT một cách trọng tâm, trọng điểm, vừa qua UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Phát triển sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo và dệt may tỉnh Quảng Nam”, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp CNHT hàng đầu trong và ngoài nước.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trước mắt, Quảng Nam cần sớm hình thành và phát triển trung tâm cơ khí quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai gắn với các khu CNHT chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các dự án CNHT ngành cơ khí chế tạo và dệt may. Cần đẩy mạnh hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, rút ngắn các thủ tục hành chính, quan trọng là thu hút đầu tư từ các tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước đến đầu tư tại địa phương.

Theo TS.Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), để đưa Quảng Nam từ tỉnh khá trở thành tỉnh phát triển toàn diện của khu vực và cả nước, Quảng Nam cần có tư duy quan điểm phát triển, liên kết vùng, liên kết chặt chẽ giữa DN với DN để tạo sự đột phá. Trong định hướng phát triển, Quảng Nam cần có định hướng quy hoạch hợp lý cho mô hình đô thị sân bay và mở rộng cảng hàng không Chu Lai, xây dựng các cứ điểm sản xuất công - nông, lấy CNHT, CN chế biến làm nền tảng để quy hoạch và phát triển kinh tế vùng...

Theo ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và các DN, Quảng Nam sẽ có những định hướng, tìm ra các giải pháp hữu hiệu có giá trị hiện thực cao để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển các ngành CNHT cơ khí chế tạo và dệt may nhằm tạo động lực cho nền kinh tế những năm đến.

TRUNG LỘ