Doanh nghiệp tại Hiệp Đức điêu đứng vì dịch Covid-19

TẤN SỸ 13/03/2020 17:00

(QNO) - Dịch bệnh Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại huyện Hiệp Đức đình trệ hoạt động, đứng trước nguy cơ phá sản.

Công nhân công ty Cổ phần Gỗ Công nghiệp Quảng Nam hoạt động cầm chừng. Ảnh: XUÂN LAM
Công nhân Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) hoạt động cầm chừng. Ảnh: XUÂN LAM

Gần 1 tháng nay, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Phương Nga (gọi tắt là Công ty Phương Nga, thị trấn Tân Bình) đã cho toàn bộ công nhân nghỉ việc. Ngành nghề chính của công ty là thu mua, chế biến hàng nông sản của bà con dân tộc Bh’nong. Trong đó, sản phẩm tinh nghệ, nghệ viên được thị trường TP.Hồ Chí Minh và Trung Quốc ưa chuộng.

Sản phẩm tinh nghệ của công ty cũng vừa được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP năm 2019 của tỉnh. Trước đây, mỗi tháng công ty xuất xưởng hơn 2 tấn tinh nghệ, nghệ viên ra thị trường. Song 1 tháng nay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt đơn đặt hàng đã tạm ngừng giao dịch. Công ty buộc phải đóng cửa và cho hơn 30 lao động nghỉ việc. 

Chị Trần Thị Thu Ba (thôn An Tây, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) gắn bó với Công ty Phương Nga 4 năm nay, mức lương dao động 7 - 10 triệu đồng/tháng. Nay nghỉ việc, chị không có nghề nghiệp ổn định, phải đi mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày. “Cuộc sống vợ chồng tôi và 2 đứa con lâu nay trông chờ vào đồng lương này. Giờ nghỉ việc, cuộc sống quá khó khăn, chưa biết tính thế nào” - chị Ba nói. 

Bốn năm nay, Công ty Phương Nga luôn giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ. Bà Võ Thị Minh Nga - Giám đốc công ty cho biết: “Công nhân đã gắn bó với mình như thế, giờ không xuất hàng được thì buộc cho họ nghỉ việc. Bản thân mình thì còn xoay xở kiếm việc làm thêm, chứ công nhân thì họ gặp rất nhiều khó khăn. Đây là điều lo lắng nhất của công ty, nhưng cũng đành chấp nhận”.

Hàng ngàn tấm ván phủ phim của công ty Cổ phần Gỗ Công nghiệp Quảng Nam bị tồn kho. Ảnh: XUÂN LAM
Hàng nghìn tấm ván phủ phim của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam bị tồn kho. Ảnh: XUÂN LAM

Dịch bệnh Covid-19 khiến Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam (xã Quế Thọ) rơi vào cảnh bi đát hơn. Từ tháng 1.2020, đơn giá thu mua của gỗ dăm hạ xuống, người dân không khai thác, dẫn đến nguyên liệu đầu vào của công ty không ổn định. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc bị đình trệ do dịch Covid-19.

Tại kho chứa hàng của công ty, hàng nghìn tấm ván phủ phim (một loại ván cốp pha phục vụ công trình xây dựng) hiện tại dồn ứ, chất đống và không thể xuất xưởng. Mỗi tấm ván phủ phim này có giá 460 nghìn đồng và ước hàng tồn kho của công ty lên đến hơn 10 tỷ đồng.

“Công ty chúng tôi hoạt động tại đây được 3 năm, giải quyết 110 lao động thường xuyên cho 2 dây chuyền sản xuất ván dán và ván ghép. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc và Nhật Bản. Song, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng trăm đơn hàng bị hoãn vô thời hạn. Thực tế này buộc công ty phải dừng một chuyền sản xuất và cho 50% công nhân tạm thời nghỉ việc” - ông Phạm Hữu Ninh, phụ trách sản xuất Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam nói.

Khó khăn là vậy nhưng Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam buộc phải sản xuất cầm chừng, vì nếu dừng hoạt động, công nhân nghỉ việc hết thì sau này sẽ rất khó tuyển dụng lao động, cũng như tốn chi phí đào tạo lại. Và để cầm cự sản xuất, hàng ngày công ty phải chi phí lên đến 300 triệu đồng.

“Hiện tại công ty đã gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và huyện... xin chậm tiến độ đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 4.2020. Công ty cũng đề nghị các ngân hàng giãn nợ, hạ lãi suất và mở thêm hạn mức cho vay để cầm cự qua mùa dịch bệnh Covid-19 này” - ông Phạm Hữu Ninh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức thông tin, toàn huyện có hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp được huyện mời gọi đầu tư.

“Những doanh nghiệp này hằng năm đóng góp khá lớn vào ngân sách, nguồn thu thuế cũng như giải quyết hàng nghìn lao động tại chỗ cho địa phương. Giờ ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp phải dừng hoạt động và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của địa phương” - ông Công nói.

TẤN SỸ