Nguy cơ thiếu điện mùa khô
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc cung cấp điện từ tháng 3 đến hết mùa khô 2020 dự báo nhiều khó khăn, khó lường khi các hồ thủy điện đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Thủy điện thiếu nước
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống trong 2 tháng đầu năm 2020 là 36,2 tỷ kWh. Công suất phụ tải đỉnh trong 2 tháng đầu năm đã lên tới 35.000MW. Sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày trong 2 tháng đầu năm là 615 triệu kWh, tăng 7,5% so với năm 2019.
Trong tháng 2, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vẫn tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ. Trong 2 tháng đầu năm 2020 (dù chưa bước vào mùa khô), EVN đã phải huy động 230 triệu kWh từ nguồn điện chạy dầu có giá thành cao để giữ nước các hồ thủy điện phục vụ yêu cầu vận hành trong cả mùa khô.
Ngay từ hai năm trước, tình trạng nhiều dự án điện bị chậm tiến độ hoặc không triển khai được đã cảnh báo về nguy cơ thiếu điện có thể sẽ diễn ra vào năm 2020. Giờ đây, nguy cơ này càng rõ rệt hơn khi các hồ thủy điện đối diện với tình trạng thiếu hụt nước. 2 tháng đầu năm nay, sản lượng huy động từ thủy điện chỉ đạt 3,37 tỷ kWh (thấp 2,19 tỷ kWh so với kế hoạch). Lượng nước thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường là 17,42 tỷ mét khối (tương ứng 7,12 tỷ kWh điện).
Với các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam, tình trạng thiếu hụt nước còn nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ có nước về thấp, chỉ đạt từ 40 – 75% so với mực nước dâng bình thường. Trong đó, các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 mực nước các hồ chứa đều xuống thấp bởi nắng hạn kéo dài, lượng mưa trên địa bàn không lớn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương - ông Ngô Xuân Thế cho biết, hiện nay lượng nước ở hồ thủy điện A Vương chỉ đạt 30% dung tích, thiếu gần 170 triệu mét khối nước, lượng nước về hồ chỉ đạt khoảng 40% so với các năm trước. Mới đây, nhà máy phải dừng phát điện theo đề nghị của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng để tích nước, bảo đảm việc điều tiết nước cho hạ du trong mùa khô năm nay.
Cần tiết kiệm điện
Theo ông Ngô Tấn Cư - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), mùa khô năm nay việc cung ứng điện sẽ hết sức khó khăn do nguồn điện đang thiếu hụt. Dự kiến tổng sản lượng phụ tải mùa khô trong cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 2,5 tỷ kWh. Trước vấn đề cấp bách trên, Đảng ủy EVN vừa ban hành Chỉ thị số 04-CT/ĐU về việc đảm bảo cấp điện mùa khô và cả năm 2020. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, chuyên môn, đoàn thể trong tập đoàn phải tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện trong 6 tháng mùa khô năm 2020, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Theo đó, các đơn vị trực thuộc của EVN bằng mọi giá phải bảo đảm điện phục vụ cho nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đó là đại hội Đảng các cấp và đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Ngay từ đầu năm, EVNCPC đã giao chỉ tiêu tiết kiệm điện và yêu cầu các công ty điện lực 13 tỉnh, thành trực thuộc phải bố trí lịch công tác phù hợp, điều chỉnh phụ tải hợp lý để bảo đảm yêu cầu cung cấp điện và sự phát triển của doanh nghiệp, người dân.
Theo dự báo, năm 2020 tình hình tiêu thụ điện trên địa bàn Quảng Nam tiếp tục gia tăng với sản lượng điện thương phẩm ước đạt hơn 2,2 tỷ kWh (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Công suất cực đại trên toàn hệ thống 350MW, tăng gần 5% so với năm trước. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong mùa khô năm nay, PC Quảng Nam đã xây dựng phương thức vận hành lưới điện hợp lý, không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải kéo dài trên lưới điện cao, trung, hạ thế.
PC Quảng Nam sẽ đẩy mạnh áp dụng các giải pháp thi công sửa chữa điện nóng, đóng kết mạch vòng trung thế, sử dụng máy phát điện, máy biến áp lưu động, rửa sứ cách điện bằng nước áp lực cao để không gây gián đoạn cung cấp điện trong mùa nắng nóng.
Bên cạnh đó, PC Quảng Nam sẽ triển khai các kịch bản vận hành lưới điện tối ưu đảm bảo có dự phòng đầy đủ cho từng khu vực trọng điểm; chuẩn bị kế hoạch cung cấp điện chi tiết và tổ chức trực vận hành với nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị dự phòng đầy đủ để bảo đảm xử lý các sự cố lưới điện trên địa bàn tỉnh.
Đối với khách hàng sử dụng điện, PC Quảng Nam sẽ tiếp tục kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, doanh nghiệp cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm và tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và có hiệu suất cao; phối hợp với ngành điện theo dõi và kiểm soát chất lượng điện năng, tổ chức theo dõi mức tiêu thụ điện năng qua suất tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm để đánh giá chính xác sản lượng tiết kiệm.
“Với tinh thần chủ động, tích cực của ngành điện trong việc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, PC Quảng Nam mong nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân và toàn xã hội, cùng chung tay với ngành điện giảm bớt khó khăn trong việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh” - ông Tuấn nói.