Xây dựng trạm biến áp không người trực

TRUNG LỘ 23/08/2019 13:53

Với phương châm từng bước hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã chuyển đổi 10/11 trạm biến áp (TBA) 110kV sang chế độ không người trực, đã góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và tăng năng suất lao động.

Trung tâm điều khiển xa đặt tại Phòng Điều độ - PC Quảng Nam. Ảnh: ĐẶNG HÙNG
Trung tâm điều khiển xa đặt tại Phòng Điều độ - PC Quảng Nam. Ảnh: ĐẶNG HÙNG

Điều khiển hệ thống điện từ xa

Để đáp ứng nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống lưới điện 110kV với số lượng TBA và đường dây ngày càng lớn, các TBA 110kV cần được tự động hóa nhằm dễ dàng theo dõi, điều độ công suất trong lưới truyền tải và giảm các lỗi thao tác do vận hành gây ra. Chính vì vậy, ngay từ năm 2016, PC Quảng Nam đã xúc tiến triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm Điều khiển xa và hệ thống SCADA/EMS/DMS đặt tại Tam Kỳ và chính thức nghiệm thu, đưa vào vận hành từ tháng 6.2018. Trung tâm điều khiển có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý vận hành lưới điện với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển toàn bộ lưới điện ở các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế. Trung tâm được xem là tiền đề để triển khai mô hình vận hành TBA không người trực trên địa bàn tỉnh về sau này.

Từ khi tiếp nhận lưới điện 110kV của Công ty Lưới điện cao thế miền Trung, PC Quảng Nam đã chủ động tiếp thu công nghệ, nghiên cứu và xây dựng TBA điều khiển tích hợp; tập trung đầu tư cải tạo và chuyển các TBA 110kV hiện có sang mô hình trạm không người trực. Theo đó, PC Quảng Nam đã tiến hành cải tạo, nâng cấp các thiết bị rơ le, đồng hồ đo lường đa chức năng, xây dựng hệ thống điều khiển máy tính tại các TBA và bổ sung các hệ thống phụ trợ: hệ thống camera giám sát, hệ thống báo cháy, hệ thống kiểm soát vào ra... và  thiết bị I/O để kết nối các tín hiệu truyền dữ liệu về Trung tâm điều khiển xa. Tính đến nay, PC Quảng Nam đã tiến hành 10/11 TBA 110kV (chỉ còn TBA Điện Nam – Điện Ngọc đang đầu tư cải tạo, nâng cấp các thiết bị, dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 10.2019) sang chế độ không người trực.

Ông Thái Văn Trương - Trưởng phòng Điều độ (PC Quảng Nam) cho biết: “TBA không người trực là giải pháp tối ưu cho điều khiển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh hiện nay. Các TBA 110kV không còn công nhân trực vận hành thì các thao tác đối với hệ thống thiết bị, việc thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển từ xa, giám sát qua hệ thống camera từ Trung tâm điều khiển xa của PC Quảng Nam”.

Giảm thời gian xử lý sự cố

Thông qua việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, Trung tâm điều khiển xa và các TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo. Nếu trước đây, khi lưới điện xảy ra sự cố, các nhân viên kỹ thuật phải thông qua khách hàng phản ánh hoặc dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố..., thì hiện nay, với hệ thống điều hành SCADA, điều độ viên trong ca trực sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố hoặc cảnh báo sự cố, thông qua còi báo động của phần mềm điều khiển, góp phần giảm thời gian xử lý sự cố, nhanh chóng cung cấp điện trở lại cho khách hàng, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy. Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống máy tính, các nhân viên trực biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý nhất. So với trước đây, tình trạng các thông số vượt ngưỡng không còn xảy ra, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng. Hơn nữa trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây hậu quả nghiêm trọng cho người và thiết bị. Ông Võ Anh Hùng - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết: “Sau khi đưa vào hoạt động, các TBA không người trực giúp giảm hơn 50% nhân lực vận hành, góp phần giảm chi phí, giảm thời gian và thao tác xử lý sự cố, nâng cao năng suất và độ tin cậy, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường điện”.

Trung tâm điều khiển xa và các TBA không người trực đi vào vận hành đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của PC Quảng Nam. Tuy nhiên, để đầu tư, xây dựng, chuyển đổi các TBA 110kV hiện có sang TBA không người trực cũng là thách thức không nhỏ đối với PC Quảng Nam. Một số TBA vẫn còn những thiết bị đời cũ, không hỗ trợ các giao thức phục vụ điều khiển xa, không tin cậy khi vận hành điều khiển xa, đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn... Nhiều TBA truyền tải, phân phối ở các huyện miền núi, đường sá giao thông cách trở, di chuyển, tổ chức ứng cứu, khắc phục sự cố  mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, việc bố trí các đội thao tác lưu động chung cho 1 nhóm TBA không người trực cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đảm bảo yêu cầu về thời gian tiếp cận các TBA bị sự cố. “Dù  vậy, thời gian qua, PC Quảng Nam đã nỗ lực từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, xây dựng Trung tâm điều khiển xa và đưa các TBA 110kV không người trực trên địa bàn tỉnh đi vào vận hành đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, đáp ứng lộ trình phát triển lưới điện thông minh theo định hướng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung đề ra” - ông Hùng nhấn mạnh.

TRUNG LỘ