Nhiều điểm "nghẽn" phát triển ngành dệt may

ĐẶNG HÙNG 19/08/2019 13:46

Thiếu sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, kinh doanh và sự khan hiếm nguồn nhân lực có tay nghề cao đang được xem là điểm “nghẽn” của các DN dệt may Quảng Nam trong việc nâng cao giá trị sản xuất, năng suất lao động để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thiếu liên kết, thiếu nhân lực chất lượng cao đang cản trở sự phát triển ngành dệt may của Quảng Nam. Ảnh: Đ.H
Thiếu liên kết, thiếu nhân lực chất lượng cao đang cản trở sự phát triển ngành dệt may của Quảng Nam. Ảnh: Đ.H

Thiếu liên kết

Những năm qua, ngành công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng khá nhanh. Sự ra đời của các DN dệt may không chỉ góp phần làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp mà còn tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 100 DN may công nghiệp, thu hút hơn 30 nghìn lao động, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng hơn 30% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, ngành dệt may trên địa bàn tỉnh cũng đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh. Đa số DN dệt may trong tỉnh có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, chỉ tập trung vào việc cắt may đơn hàng có sẵn, may gia công cho các thương hiệu nước ngoài… Trong khi đó, khả năng huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển của DN dệt may dường như rất yếu, việc vay vốn của các tổ chức tín dụng, tín dụng thương mại… đều gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi tín chấp tài sản.

Quan trọng hơn, sự kết nối, liên kết giữa các DN dệt may trong tỉnh còn rất yếu, vẫn tồn tại thực trạng “mạnh ai nấy làm”. Nhược điểm lớn nhất của các DN dệt may chính là không thích chia sẻ, hợp tác để cùng nhau hình thành chuỗi liên kết nhằm mở rộng sản xuất. Chuyện phá giá để kéo khách hàng, cạnh tranh thu hút lao động có tay nghề cao… trong DN dệt may đang diễn ra khá phổ biến, dẫn đến sản xuất kinh doanh không lành mạnh, khó phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ có sự kết nối, liên kết hoàn thiện theo chuỗi giá trị mới nâng tầm ngành dệt may. Thay vì chỉ tập trung gia công như hiện nay, DN trên địa bàn tỉnh cần đầu tư phát triển đồng bộ chuỗi sản xuất dệt may từ xơ, sợi, dệt, nhuộm cho tới thiết kế sản phẩm, bán hàng. DN dệt may cần tính đến việc tăng cường liên doanh, liên kết, trong đó chú trọng đến liên kết theo chiều dọc, chiều ngang để khắc phục thực trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Đối với liên kết dọc, yêu cầu liên kết theo từng giai đoạn cung ứng về nguyên liệu, thiết kế, may, bán sản phẩm... hình thành chuỗi  giá trị sản xuất mới để nâng tầm ngành dệt may. Về liên kết ngang sẽ tập trung liên kết những nguồn lực giống nhau để nhận đơn hàng lớn, cùng nhau thương thảo giảm bớt chi phí vận chuyển, nhập nguyên liệu. Vấn đề cốt lõi là chỉ có liên kết theo chuỗi giá trị mới tạo bứt phá cho ngành dệt may của tỉnh để chủ động sản xuất các mặt hàng sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng) để xuất khẩu và cung cấp cho thị trường nội địa.

“Khát” nhân lực  tay nghề cao

Dệt may đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều chính sách ưu tiên từ Chính phủ và có cơ hội tăng trưởng nhanh, sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước nhờ tham gia các FTA và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành dệt may ở Quảng Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các DN dệt may trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ khoảng 25%, còn 75% mới chỉ tốt nghiệp THCS, THPT hoặc được đào tạo dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý nhân sự trong các DN dệt may cũng chủ yếu từ các ngành nghề khác chuyển sang, tuy có kinh nghiệm trong quản lý nhưng lại thiếu kiến thức chuyên ngành, từ đó làm giảm hiệu quả của quản trị nguồn nhân lực trong DN.

Quảng Nam hiện có 16 trường đào tạo, dạy nghề nhiều cấp được đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô lớn, hiện đại và đào tạo đa ngành. Tuy nhiên, trong các số trường trên chưa có cơ sở nào mở các lớp đào tạo chuyên ngành công nghệ dệt may. Trong khi đó, nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh thiếu trầm trọng  lao động đã qua các lớp đào tạo công nghệ may thời trang, lao động có nghề may chuyên môn sâu.

Theo ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng - Phú Ninh, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 máy móc sẽ dần thay thế con người, nhưng ngành dệt may có áp dụng khoa học kỹ thuật, nhập dây chuyền tự động vào sản xuất thì các công đoạn từ lập trình cắt, may… đều cần có những người thợ đã qua các lớp đào tạo chuyên môn cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số DN đã chuyển dần từ phương thức gia công cắt may đơn giản (CMT) sang phương thức gia công hiện đại (ODM) và chú trọng hơn vào khâu thiết kế sản phẩm, tạo đà theo xu hướng chung của thị trường thế giới. “Để có nguồn nhân lực này, tỉnh cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể trong việc xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may. Đồng thời tạo liên kết giữa các cơ sở đào tạo và DN để hình thành các ngành đào tạo chuyên môn cao, thiết kế thời trang, tạo điều kiện cho ngành dệt may từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ” - ông Tú nói.

ĐẶNG HÙNG