Bức tranh phát triển doanh nghiệp

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG 19/08/2018 00:53

Doanh nghiệp gia nhập thị trường và doanh nghiệp rời bỏ thị trường đều gia tăng về số lượng. Liệu có thể giữ được tăng trưởng số lượng, vừa nuôi dưỡng chất lượng phát triển bền vững hay không là vấn đề cần được luận bàn trong bức tranh phát triển doanh nghiệp Quảng Nam.

Nuôi dưỡng sự phát triển của doanh nghiệp mới là điều quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế và thu ngân sách.Ảnh: T.D
Nuôi dưỡng sự phát triển của doanh nghiệp mới là điều quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế và thu ngân sách. Ảnh: T.D

THIẾU BỀN VỮNG

Có một thực trạng trong phát triển doanh nghiệp Quảng Nam là số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều, nhưng yếu, thiếu bền vững.

Không khó đạt chỉ tiêu số lượng

Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp thành lập mới khá cao kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời (năm 2014). Giai đoạn 2014 – 2016, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp bình quân 25,2%/năm thì mức đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng có tốc độ tăng cao tương ứng, đạt bình quân 55,8%. Mỗi năm có đến 872 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đưa vào thị trường hơn 3.985 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước từ khối doanh nghiệp giai đoạn này hơn 23.937 tỷ đồng, chiếm 80,8% số thu nội địa toàn tỉnh, bình quân mỗi năm đóng góp hơn 7.980 tỷ đồng. Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kiêm Giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nói doanh nghiệp khởi nghiệp duy trì tốc độ phát triển khá, xu hướng tăng nhanh những năm gần đây. Sản xuất, kinh doanh ổn định, duy trì được mức đóng góp ngày càng tăng cho ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp phát triển nhiều, nhưng thiếu doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh (trừ những tập đoàn lớn như Thaco, Vingroup...).
Doanh nghiệp phát triển nhiều, nhưng thiếu doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh (trừ những tập đoàn lớn như Thaco, Vingroup...).

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 2017 mới nhìn thấy được sự “bùng nổ” khi có đến 1.260 doanh nghiệp ra đời, vượt kế hoạch 260 doanh nghiệp. “Kỷ lục” này tiếp tục gia tăng. Trong vòng 6 tháng đầu năm đã có đến 721 doanh nghiệp mới thành lập, với số thuế đóng góp vào ngân sách trên 54,5% dự toán (8.498 tỷ đồng). Ông Võ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay, hầu hết dự án hay doanh nghiệp thành lập mới đều nhanh chóng triển khai dự án đầu tư, kinh doanh. “Thông qua những chỉ số ấn tượng này, không chỉ thương giới kỳ vọng vào cơ hội kinh doanh của thị trường. Nếu không có niềm tin vào môi trường kinh doanh, sẽ không thể có những kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới các dự án đầu tư gia tăng với số vốn cam kết lớn” - ông Hùng nói.

Quảng Nam “ấn định” đến năm 2020 sẽ có khoảng 7.500 doanh nghiệp. Ông Trần Văn Ẩn nói, theo tiến trình này, phải bảo đảm số doanh nghiệp khởi nghiệp bình quân 1.135 doanh nghiệp/năm, đồng thời giảm thiểu số doanh nghiệp rời khỏi thị trường để đạt tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp đang hoạt động bình quân ít nhất 10%/năm. Theo công bố chính thức của Cục Thuế Quảng Nam, hiện có 6.993 doanh nghiệp hoạt động và mỗi năm sẽ tăng hơn 1.000 doanh nghiệp thì việc thu hút số doanh nghiệp còn lại theo đúng chỉ tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn khi còn đến 2,5 năm nữa.

Chất lượng... còn xa

Số lượng doanh nghiệp gia tăng nhanh như hiện tại được hiểu là tín hiệu khá tốt trong đời sống kinh doanh. Song điều đó chưa đủ. Chưa thể san lấp lỗ hổng, chông chênh khi có đến 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực yếu, thiếu khả năng thích ứng thay đổi của thị trường, quá ít doanh nghiệp đủ mạnh, cạnh tranh ngang ngửa trên thương trường. Khảo sát của Sở KH&ĐT, (trừ Thaco và một vài doanh nghiệp lớn có thương hiệu mới đầu tư) cho thấy bình quân số vốn đăng ký đưa vào thị trường của doanh nghiệp chỉ khoảng 5,2 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ khoảng 0,46 tỷ đồng/năm. Sau khởi nghiệp, không mấy doanh nghiệp đủ khả năng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và nộp thuế  không nhiều. Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế nói khởi sự doanh nghiệp phát triển, đầu tư kinh doanh có chuyển biến nhưng không thể hài lòng vì thu thuế chưa tương xứng. Quá nhiều doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, nộp thuế tại nơi khác, còn Quảng Nam nhận chỉ “vài đồng” thuế giá trị gia tăng, là con số rất nhỏ, không thể thu được thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu không thu được thuế thì cũng không cần phải phát triển doanh nghiệp chạy theo số lượng làm gì.

Thực tế, doanh nghiệp thành lập chỉ đơn thuần là một pháp nhân để sản xuất, kinh doanh. Một số ít doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp hay một vài doanh nghiệp thành lập thêm doanh nghiệp mới, cũng chỉ ở dạng phục vụ cho việc quản lý hay mở rộng địa bàn kinh doanh mà thiếu gắn kết đổi mới, sáng tạo để tạo ra động lực phát triển hoặc sản phẩm mới. Chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - startup - khởi nghiệp trên cơ sở kỳ vọng vào sự tăng trưởng nhanh nhờ vào công nghệ hoặc các sáng tạo mang tính đột phá. Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê nói không dễ tính toán được dòng vốn từ khu vực tư nhân đổ vào xã hội sẽ bao nhiêu. Con số doanh nghiệp mới thành lập chỉ là thống kê, tính toán “cho vui” vì vốn đăng ký quá nhỏ. Nếu không có thêm những doanh nghiệp mạnh, năng lực tài chính lớn, khả năng quản trị tốt gia nhập thị trường thì khó có thêm động lực tăng trưởng.

Quảng Nam đã lên kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nâng tỷ lệ doanh nghiệp có lãi, duy trì tốc độ đóng góp ngân sách của khối doanh nghiệp bình quân bằng giai đoạn 2012 – 2016 là 40% (không kể xuất khẩu). Nếu không tính  Trường Hải, tốc độ tăng trưởng đóng góp cho ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp phấn đấu ít nhất đạt 20%/năm (giai đoạn 2012 – 2016 là 16,9%). Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 – 2020 thì vốn đầu tư huy động từ doanh nghiệp tư nhân ít nhất đạt từ 12.000 tỷ đồng – 14.000 tỷ đồng mỗi năm. “Con số ấy không dễ khi doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh, nhưng nhỏ, yếu. Khó có thể trụ nổi trước làn sóng doanh nghiệp ngoại quốc, lớn, sẵn sàng “đổ bộ” vào Quảng Nam” - ông Ẩn nói.

NGẠI CHUYỂN ĐỔI

Phương án hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp đã được xây dựng, nhưng hiện vẫn không bao nhiêu hộ muốn “lên đời doanh nghiệp”.

Ký kết chương trình tặng phần mềm kế toán miễn phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Nam.
Ký kết chương trình tặng phần mềm kế toán miễn phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Nam.

Hành động vì doanh nghiệp

Sở KH&ĐT và Công ty CP Misa vừa ký kết chương trình tặng miễn phí phần mềm kế toán MISA SME.NET 2017 cho các doanh nghiệp mới thành lập năm 2018. Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc MISA văn phòng Đà Nẵng cho hay đây là phần mềm kế toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng đủ nghiệp vụ kế toán đặc thù cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực. Tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập năm 2018 ở Quảng Nam nếu có nhu cầu sử dụng phần mềm này đều được MISA tặng miễn phí. Tính đến tháng 7.2018, MISA đã tài trợ phần mềm kế toán cho hơn 58.328 doanh nghiệp mới thành lập trên cả nước. Ông Phan Văn Thọ - Giám đốc Công ty CP Chu Lai (mới thành lập vài tháng nay - một trong những doanh nghiệp đầu tiên nhận phần mềm kế toán của MISA) nói phần mềm tích hợp đầy đủ nghiệp vụ kế toán, từ quản trị doanh nghiệp đến thuế, hóa đơn, quản lý quỹ… sẽ mang lại khá nhiều tiện ích cho doanh nghiệp, khỏi phải lúng túng, rắc rối trong những ngày chân ướt, chân ráo khởi sự doanh nghiệp.

Việc trên chỉ là một trong những chương trình hành động vì doanh nghiệp của các cơ quan quản lý địa phương. Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Sở KH&ĐT, Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn, giới thiệu các chính sách thuế và cấp miễn phí cẩm nang “Những điều doanh nghiệp cần biết và thực hiện sau khi thành lập”, “Những lợi ích cần biết khi chuyển đổi loại hình hoạt động từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp” cho những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kiêm Giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay đã mở nhiều cuộc tập huấn chính sách kế toán, thuế, những thông tin, kỹ năng quản lý, phân tích dự án, thị trường, thương thuyết, ký hợp đồng… - những điều mà một nhà quản trị cần biết. “Doanh nghiệp mới khởi sự thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất trắc của thị trường. Trung tâm sẵn sàng giúp doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro về pháp lý, duy trì hoạt động tốt sau khởi nghiệp, với các chính sách hỗ trợ kịp thời cho công tác chẩn đoán, tư vấn giải pháp để cải thiện hiệu quả kinh doanh khi gặp khó khăn” - ông Ẩn nói

Liệu có thể vận động “lên đời” doanh nghiệp?

Chính quyền, cơ quan quản lý Quảng Nam đã “trình bày” một kế hoạch hỗ trợ, tiếp sức để phát triển doanh nghiệp theo chỉ tiêu đặt ra. Mỗi năm sẽ tăng thêm 1.000 doanh nghiệp dựa vào việc khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp. Nhưng điều này không dễ.

Chuyện một chủ cửa hàng nho nhỏ bỗng chốc trở thành doanh nghiệp, được gọi là doanh nhân có lẽ là điều không dễ dàng gì với người kinh doanh cá thể. Sự thật, tâm lý e ngại rắc rối, phiền hà và sợ chi phí phát sinh… đã khiến nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn “lên đời” doanh nghiệp. Theo mô hình cũ, họ không cần phải lập sổ sách kế toán phức tạp như một doanh nghiệp. Họ chỉ có cuốn sổ thu/chi duy nhất, thậm chí, một số tiệm tạp hóa quy mô nhỏ, không thuê lao động thì không có cả sổ thu chi. Khái niệm kế toán, hệ thống tài khoản quả là một thứ xa lạ và rắc rối… Đó chính là lý do chính quyền, cơ quan quản lý đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ, khuyến khích, vận động… vẫn phải buộc lòng thừa nhận kết quả “cho đến nay vẫn chưa thể vận động được”. “Tại sao cứ phải lên doanh nghiệp, có được lợi ích gì, trong khi đang khoán thuế, không phải lo gì giấy tờ phức tạp, chưa kể lên doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối đủ mọi thứ mà mình không đủ trình độ để quản lý” - chị Tâm - một chủ hiệu tạp hóa lớn ở khối phố Bình An, thị trấn Nam Phước nói.

Ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, lý do quan trọng khiến hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp vì đang thực hiện cơ chế khoán thuế đơn giản, dễ dàng hơn so với thủ tục đóng thuế khi trở thành doanh nghiệp. Không phải đóng bảo hiểm, không phải thực hiện các quy định như có kế toán, thực hiện nhiều biểu mẫu kế toán, kê khai thuế, mất nhiều thời gian kê khai… Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nói hiện số lượng hộ kinh doanh cá thể Quảng Nam quá nhỏ bé. Song phát triển doanh nghiệp sẽ phải được tiến hành thường xuyên vì đó là tương lai của nền kinh tế, của ngân sách, rất cần những cơ chế, hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp. Phải có cơ chế, chính sách (kể cả chế độ kế toán), hình thành dịch vụ hỗ trợ, làm thế nào cho họ thấy lên doanh nghiệp có lợi thì họ sẽ tự động lên thôi. Còn thuế khoán, không được khấu trừ thuế đầu vào, nên ít nhiều có thuế chồng thuế, không hợp lý.

Quan điểm của nhiều người là một khi tạo được môi trường kinh doanh tốt cho hộ kinh doanh phát triển thì họ sẽ tự chuyển đổi lên doanh nghiệp khi thấy lợi ích. “Phải giúp họ hiểu lên doanh nghiệp được lợi gì cho xã hội, cho hộ kinh doanh cá thể. Không phải có bao nhiêu doanh nghiệp mà điều thực sự quan trọng là có bao nhiêu đội ngũ những người kinh doanh chuyên nghiệp, đủ khả năng cạnh tranh. Không nhất thiết phải đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp, có thể không tăng về số lượng nhưng chất lượng và sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp, ít doanh nghiệp rời bỏ thị trường mới là điều cần thiết” - ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói.

HƯỚNG VỀ CHẤT LƯỢNG

Doanh nghiệp thành lập mới “bùng nổ” nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng gia tăng. Đây có phải là sự bất an của nền kinh tế?

Vốn là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Vốn là một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Sàng lọc tự nhiên

Làn sóng doanh nghiệp gia nhập thị trường được đánh giá sẽ tạo ra sức kiến tạo, bổ sung nhân tố mới, góp thêm sinh khí cho thương trường. Nhưng thành lập quả dễ hơn vạn lần so với công sức và chi phí để vận hành hoạt động của doanh nghiệp thực sự ổn định, hiệu quả. Điều này đã được chứng minh. Thống kê của Sở KH&ĐT, từ 2014 – 2016, bình quân mỗi năm khoảng hơn 460 doanh nghiệp rời khỏi thị trường (giải thể, thu hồi giấy phép, bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động…), chiếm 10,7% số doanh nghiệp đang hoạt động của năm trước. Con số doanh nghiệp suy giảm kiểu này không ngừng gia tăng. Năm 2017, có thêm 1.260 doanh nghiệp thành lập mới thì đã có gần 500 doanh nghiệp rời bỏ thị trường và 6 tháng đầu năm 2018 lại chứng kiến một sự ra đi còn khốc liệt hơn khi tốc độ lên đời doanh nghiệp chỉ 29% (721 doanh nghiệp), nhưng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng đến 35% (500).

Chính quyền đã khá thành công kích thích phong trào khởi nghiệp, song vẫn chưa thể thành công trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng “sống sót”. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và rời bỏ thị trường gần tương đương nhau là dấu hiệu không bình thường. Nó là chỉ dấu cảnh báo về sự “bất an” của nền kinh tế. Tuy nhiên, không như những lo ngại, cả ba cơ quan chuyên môn (Sở KH&ĐT, Cục Thống kê và Cục Thuế) đều không thấy bất ngờ về chuyện này. Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, thành lập doanh nghiệp rất dễ. Không cần trình độ. Nếu tính toán tốt, kinh doanh thuận lợi thì tồn tại. Không ít ngành nghề, loại hình kinh doanh không còn phù hợp, hết cơ hội phát triển khi thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, kể cả không đủ tinh thần, bản lĩnh chịu đựng sự khắc nghiệt của thị trường, thiếu nghiên cứu sâu thị trường thì rời bỏ là chuyện đương nhiên. Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế thì cho rằng số doanh nghiệp “chết” nhiều là doanh nghiệp quy mô nhỏ, thành lập gắn liền với các dự án đầu tư. Khi dự án đầu tư chấm dứt, doanh nghiệp cũng kết thúc. Cũng không loại trừ cả doanh nghiệp nợ thuế bỏ, chuyển sang thành lập doanh nghiệp khác, nhưng không thể kiểm tra… Ông Nguyễn Quang Việt – Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Nam – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam có cái nhìn khác hơn.  Hiện không ít doanh nghiệp mở ra mang tính cơ hội. Sống dựa ngân hàng để thực hiện những thương vụ ngắn hạn. Một doanh nghiệp khỏe mạnh không thể đi bằng đôi chân yếu ớt chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng, công nghệ lạc hậu, quản trị theo kiểu gia đình, sản phẩm không phù hợp với thị trường. Sự đào thải của thị trường sẽ khiến không ít doanh nghiệp phá sản, gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhưng cũng là một sự sàng lọc chất lượng doanh nghiệp!

Dưỡng nghiệp: quan trọng bậc nhất!

“Có sinh tất có tử”. Đó là quy luật của thị trường. Nhưng những “cái chết” của doanh nghiệp bị tác động từ môi trường kinh doanh thiếu minh bạch hay vì năng lực tài chính kinh doanh quá yếu khi ngân sách “mắc nợ” chưa trả được… thì sự ra đi ấy không còn tự nhiên nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có một tính toán đầy đủ quy mô nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp hoặc không biết bao nhiêu doanh nghiệp không thể thu hồi được công nợ Nhà nước phải lâm cảnh khó khăn, nợ  xấu ngân hàng và nợ cả thuế… để cứu những doanh nghiệp không đáng “chết” vì kiểu nợ này. Đã có 81 doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ được thanh toán từ vốn ngân sách nhưng chưa được thanh toán đã dẫn đến nợ thuế 57,252 tỷ đồng.

“Lịch sử” doanh nghiệp Quảng Nam đã có không ít “nạn nhân” của thủ tục hành chính rườm rà, khó tiếp cận vốn đầu tư… dẫn đến bờ vực phá sản đã được cứu khi chính quyền và cơ quan quản lý ra tay trợ lực. Đó là Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc (Đại Lộc) được gỡ bỏ lệnh phong tỏa hóa đơn; TNHH Kính Phước Toàn (Chu Lai) được bảo lãnh tới ngân hàng vay tiền xây nhà xưởng, mở L/C; Công ty CP  Đầu tư Toàn Pháp (Đại Lộc) không còn ý định bỏ cuộc đầu tư vì không có mặt bằng… Hay Công ty CP Giao thương Quảng Xưa (Hiệp Đức), Công ty TNHH Bao bì Tấn Đạt (KCN Điện Nam – Điện Ngọc), Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Nam (Quế Sơn)... và nhiều doanh nghiệp khác đã vượt thoát khó khăn, trở thành những doanh nghiệp mạnh từ sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của chính quyền, ngân hàng...

Trong những cuộc đối thoại với chính quyền, thương giới nói điều họ cần nhất chính là sự tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, ít gặp rủi ro về pháp lý. Ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, số lượng doanh nghiệp gia tăng cũng cần thiết nhưng nuôi dưỡng doanh nghiệp, duy trì hay mở rộng sản xuất, kinh doanh vẫn là chuyện quan trọng, có tính quyết định hơn. Chưa có điều kiện khảo sát, thu thập đủ thông tin để phân tích, xác định cụ thể, nhưng sẽ có một cuộc khảo sát, nghiên cứu tại chính các doanh nghiệp rời bỏ thị trường, phân tích ngọn nguồn nguyên nhân, định danh những yếu tố bất lợi và tìm cách giải quyết, giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ “tử vong” cao nhất gia tăng cơ hội sống sót thì đó mới là giải pháp hữu hiệu nhất. “Cần đánh giá cụ thể về số lượng, chất lượng doanh nghiệp, bao nhiêu doanh nghiệp phát sinh thuế, có lãi, lợi nhuận hàng năm, tiền lương, thu nhập người lao động để nhận diện sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu không thì doanh nghiệp ra đời cũng khó phát triển” - ông Ẩn nói.

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG

Thực hiện chuyên đề: TRỊNH DŨNG