Logistics Chu Lai, trục xoay của phát triển
Từ mạng lưới hạ tầng giao thông trên bộ, trên không lẫn đường biển xuyên suốt và nâng cấp mở rộng năng lực vận tải của cảng sông, cảng Chu Lai đang phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực, thu hút nhà đầu tư vào vùng đất mở.
Lợi thế của cảng Chu Lai là tham gia trọn gói dịch vụ logistics. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
“Mắt xích” biển - bầu trời - đất liền
Chu Lai mở cửa bầu trời. Con đường bộ xuyên Việt, từ Chu Lai có thể qua Lào, Campuchia, Thái Lan. Và bây giờ qua cảng Chu Lai (tên gọi cũ cảng Tam Hiệp) bằng đường hàng hải có thể đi lại nhiều nước trên thế giới. Ít ai ngờ rằng, con sông Trường Giang vắng lặng ngày nào giờ lại tấp nập tàu thuyền vận tải. Ở cầu cảng, lớp lớp tàu hàng lớn nhỏ neo đậu, kín lịch bốc xếp. Từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Cảng Chu Lai - Trường Hải dành 120 tỷ đồng mở rộng cầu cảng về phía thượng lưu, nâng cấp hệ thống kho bãi, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng tổng mức đầu tư lên gần 800 tỷ đồng. Cầu cảng Chu Lai hiện cho phép tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có tải trọng 20.000 tấn.
Cảng xây dựng năm 2010, nhiều người đưa ra nghi ngờ, liệu có cạnh tranh nổi trên thị trường vận tải? Đặc biệt là khu vực lân cận có cảng nước sâu Dung Quất (Quảng Ngãi), cảng Quy Nhơn (Bình Định), cảng Đà Nẵng, hay cạnh tranh trên sân nhà có cảng Kỳ Hà, cảng của biên phòng. Không phải là cảng nước sâu tự nhiên, nhưng cảng Chu Lai đã biến bất lợi thành lợi thế cạnh tranh thông qua tích hợp thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói từ giao nhận, phân phối, vận chuyển đường biển kết hợp với đường bộ, thậm chí cả đường hàng không. Hàng hóa nhập khẩu qua cảng chủ yếu là linh kiện, phụ tùng và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc; còn hàng vận chuyển nội địa chủ yếu là than đá, xi măng, nhựa đường, khí ga, dăm gỗ, bột giấy, lương thực, hàng nông sản, hàng tiêu dùng… Trong tổng sản lượng hàng hóa qua cảng, có khoảng 15% là hàng của hơn 50 doanh nghiệp bên ngoài Thaco.
Cầu cảng Chu Lai dài 471m với độ sâu trước bến - 9m, tiếp nhận tàu 20 nghìn tấn. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 2 triệu tấn trong năm 2017, tăng 33% so với năm 2016 (1,5 triệu tấn), tăng 82% so với năm 2015 (1,1 triệu tấn). Dự kiến năm 2018 đạt 2,5 triệu tấn và 4 triệu tấn vào năm 2020. |
Đề cập lợi thế của cảng Chu Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cảng rất kín gió, lại có vị trí thuận lợi, là mắt xích quan trọng giữa biển với đất liền. Bởi cách TP.Đà Nẵng gần 80km; Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi gần 50km, kết nối với quốc lộ 1 và đường cao tốc Bắc - Nam. Lợi thế cạnh tranh còn nằm ở chỗ liên hoàn một mạch tuyến vận tải biển - đường bộ và hàng không.
Trung tâm logistics hiện đại
Từ phục vụ vận chuyển hàng hóa “trong nhà”, cảng Chu Lai đã chú ý đến đối tác quốc tế. Giữa năm 2016, nơi đây đã đón tàu quốc tế có trọng tải 20 nghìn tấn từ cảng Incheon (Hàn Quốc) mà không phải thông qua các cảng trung chuyển tại Đà Nẵng hay TP.Hồ Chí Minh. Tuyến hàng hải container từ Hàn Quốc về cảng với tần suất 2 chuyến/tuần. Tàu trọng tải lớn còn vận tải 2 chiều Chu Lai - Fangcheng (Trung Quốc). Để đa dạng hóa dịch vụ logistics, cảng Chu Lai còn có dịch vụ đóng gói, kiểm đếm, phân phối ủy quyền, chuyển phát nhanh, khai báo hải quan, bảo hiểm… Cảng Chu Lai còn là đối tác tin cậy của các tập đoàn ô tô lớn như Kia Motors, Hyundai Motor (Hàn Quốc), Mazda Motors (Nhật Bản), PSA Peugeot (Pháp). Ngày cuối năm, tấp nập tàu chở hàng nội địa và quốc tế neo đậu ở cầu cảng. Ông Lê Hùng Bá, công nhân làm công việc lai dắt tàu lớn vào cầu cảng thổ lộ: “Cuối năm tàu vận tải liên tục cập bến. Cầu cảng hầu như hết công suất hoạt động, buộc các phương tiện phải xếp lớp chờ đợi”.
“Cảng Chu Lai hình thành được mạng lưới dịch vụ trọn gói logistics, lợi thế cạnh tranh mà nhiều cảng khác chưa thực hiện được. Điểm thu hút của Chu Lai với các nhà đầu tư là có cảng biển, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sân bay...”. (Ông Trần Hữu Hoàng - Giám đốc Thaco Logistics kiêm Giám đốc cảng Chu Lai) |
Ông Trần Hữu Hoàng - Giám đốc Thaco Logistics kiêm Giám đốc Cảng Chu Lai cho biết, lợi thế cạnh tranh của đơn vị chính là tích hợp đồng bộ các dịch vụ vận tải đường bộ, đường biển, dịch vụ cảng, kho bãi tạo thành chuỗi logistics trọn gói, với chi phí vận tải thấp. Bất lợi của cảng là luồng lạch còn nông, chỉ lưu thông tàu tải trọng tối đa 20 nghìn tấn, khó cạnh tranh với các cảng nước sâu. “Chính quyền tỉnh có quyết định nạo vét tuyến luồng sông có độ sâu đến -10,5m. Nếu khả thi, năm 2018, đơn vị sẽ tiếp nhận tàu có tải trọng 30 - 40 nghìn tấn, khi đó chi phí vận tải vào cảng Chu Lai sẽ giảm. Sắp tới chúng tôi sẽ mở các tuyến vận tải container từ Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN về trực tiếp cảng Chu Lai” - ông Hoàng nói.
Công ty CP Kính nổi Chu Lai ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai là một trong những đối tác truyền thống của cảng Chu Lai. Doanh nghiệp này cho biết, nhiều năm nay rất hài lòng với dịch vụ ở cảng, các chính sách bảo hành, chi phí vận tải thấp và quan trọng cảng Chu Lai tham gia vận chuyển trọn gói. Còn lãnh đạo đơn vị sản xuất xi măng Chinh Phong có nhà máy ở Hải Phòng (liên doanh với nhà đầu tư Đài Loan) bảo, ưu thế của cảng Chu Lai là có dịch vụ logistics đa dạng hơn so với các cảng khác, không phải qua vận chuyển trung gian. Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải, cảng Chu Lai không phải riêng của Trường Hải mà tiếp tục đầu tư để là “thương hiệu” mang tầm quốc tế...
TRẦN HỮU