Di dời cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp Thanh Hà: Không chờ hoàn thiện hạ tầng

ĐỖ HUẤN 22/09/2017 09:45

TP.Hội An đang triển khai phương án di dời những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường về Cụm công nghiệp Thanh Hà và tiếp tục xúc tiến nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp này.

Cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Đ.H
Cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Đ.H

Phương án di dời sản xuất công nghiệp tập trung tại Cụm công nghiệp Thanh Hà được thiết lập từ năm 2014 và bắt đầu triển khai từ năm 2016. Đây là công trình đầu tư trung hạn thuộc nhóm B, được bố trí vốn theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016 - 2017, giai đoạn 2 từ 2018 - 2020. Giai đoạn 1 đã hoàn thành về hạ tầng cơ bản (san nền, giao thông, cấp nước, điện) và đang tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2. Hiện đã có 12 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 7 cơ sở nằm trong khu dân cư di dời vào, tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Tổng diện tích đất sản xuất đã bố trí thuộc giai đoạn 1 là 57.603m2, diện tích chưa bố trí của 2 giai đoạn là 147.353m2. Ông Trần Trung Xê - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phong cho biết: “Từ khi vào cụm công nghiệp hồi đầu năm 2014 đến nay, công ty hoạt động rất tốt. Về vấn đề an toàn, vệ sinh môi trường cũng như những khó khăn trước đây mà công ty đã gặp ở bên Cẩm Nam đã được khắc phục”.

Căn cứ kết quả khảo sát, từ năm 2017 đến 2020 thành phố sẽ tập trung giải quyết khoảng 50 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (là những cơ sở có phạm vi gây ô nhiễm rộng về bụi, tiếng ồn, mùi độc hại…), chủ yếu là cơ sở chế biến gỗ, sản xuất giường, bàn ghế, tủ; cắt đá granit, sản xuất cơ khí… Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có nhiều nỗ lực, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Đến nay, công trình điện chiếu sáng đường dẫn vào cụm công nghiệp đã thi công hoàn thành, các hạng mục san nền và tường chắn đất đang được triển khai thi công nhằm tạo mặt bằng bố trí cho các doanh nghiệp và phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. “Để bố trí đất cho các cơ sở sản xuất, những điều kiện hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là đường giao thông, thoát nước và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cây xanh rất cần đầu tư một cách cơ bản. Thành phố đang cố gắng tranh thủ từ cấp trên, từ chương trình đầu tư các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Trung ương để đầu tư” - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng nói.
Trong giai đoạn 2, việc đầu tư tại Cụm công nghiệp Thanh Hà được tách thành 2 dự án. Dự án san nền, tường chắn đất có tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng, đã được tỉnh bố trí 12,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố (chiếm tỷ lệ 30%). Dự án tiếp theo là làm đường giao thông và hệ thống xử lý nước thải cho cụm công nghiệp và cả khu đô thị dịch vụ Thanh Hà có tổng vốn đầu tư khoảng 81 tỷ đồng (trong đó riêng hệ thống giao thông là 20 tỷ đồng). Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thu ngân sách và nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cho các công trình trọng điểm, UBND thành phố cũng đã bố trí hơn 3 tỷ đồng cùng với tỉnh đầu tư khởi động giai đoạn 2 của dự án nhằm khẩn trương triển khai kế hoạch di dời. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết: “Quan điểm là không chờ đến khi hoàn thiện hạ tầng, do đó chúng ta làm 3 việc cùng một lúc. Thứ nhất là lập phương án và phê duyệt, thứ hai, sau khi được phê duyệt thì vận động tuyên truyền, triển khai và tập huấn. Thứ ba là thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng”.

UBND thành phố sẽ thành lập hội đồng xét duyệt đối với từng cơ sở để đảm bảo tính chính xác và công bằng trong quá trình triển khai thực hiện phương án di dời. Chi phí hỗ trợ (vận chuyển, di dời máy móc - thiết bị, nguyên vật liệu, lệ phí hỗ trợ xây dựng nhà xưởng…) cũng sẽ được thanh toán theo thực tế của từng cơ sở. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện chính sách hỗ trợ cho thuê đất không quá 20 năm, miễn tiền thuê đất 3 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư trong 2 năm đầu sau di dời… Trên cơ sở rà soát về nhu cầu, quy mô, nhóm ngành sản xuất của từng cơ sở, thành phố sẽ bố trí địa điểm hợp lý, diện tích từ 800m2 đến 2.000m2 cho mỗi cơ sở sản xuất.

Trong giai đoạn đầu, hệ thống xử lý nước thải chung cho cụm công nghiệp chưa được đầu tư, Phòng Kinh tế thành phố có trách nhiệm phối hợp với các xã phường rà soát di dời các cơ sở ít gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp trước. Các cơ sở di dời phải có đầy đủ phương án xử lý nước thải và đảm bảo môi trường trước khi đầu tư xây dựng nhà xưởng. Tất cả các cơ sở di dời (kể cả các cơ sở đã bố trí đất trong giai đoạn 1 trước đây) phải cam kết dừng sản xuất trong khu dân cư sau khi đầu tư xây dựng nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Thanh Hà.

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN