Nguồn năng lượng của nông thôn mới

TRUNG LỘ 20/12/2016 10:06

Những năm qua, Quảng Nam đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống điện ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao dân trí, để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Điện lực Quảng Nam luôn chú trọng đến đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: TRUNG LỘ
Điện lực Quảng Nam luôn chú trọng đến đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: TRUNG LỘ

Nâng cấp lưới điện

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) cho rằng, điện, đường, trường, trạm là những tiêu chí quan trọng, thể hiện sự tiến bộ của một vùng nông thôn. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, điện là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân ở nông thôn. Chính vì vậy, ngay từ năm 2011, kể từ khi Chính phủ phát động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngành điện sớm bắt nhịp và định hướng việc nâng cấp lưới điện nông thôn phải theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Những năm qua, PC Quảng Nam đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống điện ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao dân trí, để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam phấn đấu có thêm 59 xã đạt chuẩn NTM. PC Quảng Nam đang tranh thủ nhiều nguồn vốn để tiếp tục đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn. Cụ thể, dự án vay vốn ADB mở rộng; dự án cải tạo lưới điện trung áp (DEP) và dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện... với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 508 tỷ đồng. Đây được xem là cơ hội lớn cho PC Quảng Nam tập trung đầu tư, nâng cấp cải tạo lưới điện nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất ở các vùng nông thôn và sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở Quảng Nam theo kế hoạch đã đề ra.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì tiêu chí về điện phải bảo đảm đồng thời 2 chỉ tiêu: số hộ sử dụng điện phải đạt hơn 98% trở lên; nguồn và lưới điện phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn theo quy định. Trong tổng số 50 xã được chọn triển khai xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015), hầu hết lưới điện hạ áp nông thôn đều trong tình trạng xuống cấp, không được duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên. Mặt khác, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn khá phổ biến tại các vùng nông thôn; hệ thống đường dây đi qua cây cối, các công trình vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện, dây sau công tơ vào nhà không đảm bảo yêu cầu dẫn đến sự cố mất điện… Để giải quyết những khó khăn đó, PC Quảng Nam đã sớm bắt nhịp và định hướng việc nâng cấp lưới điện nông thôn phải theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể tình trạng an toàn và chất lượng điện áp ở từng khu dân cư, PC Quảng Nam đã xây dựng các phương án tối ưu để tiến hành cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện, nâng cao chất lượng điện năng theo quy định tiêu chí về điện trong xây dựng NTM. Cùng với việc tiếp nhận quản lý lưới điện nông thôn, ngành điện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ vốn vay của các dự án điện như RE2, ADB, KFW, DEP và ADB mở rộng, đã đầu tư kéo mới và nâng cấp, cải tạo lại hệ thống lưới điện ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đầu tư tổng lực trong 5 năm gần đây, PC Quảng Nam đã kéo mới 400km đường dây trung áp, 742,5km đường dây hạ áp, 300 trạm biến áp. Nhờ đó, hệ thống lưới điện ở nông thôn được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cơ bản đã xóa được tình trạng công tơ cụm, sự cố giảm hẳn, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện.

Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Trong tổng số 18 tiêu chí về xây dựng NTM, việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện đã làm đổi thay diện mạo nhiều miền quê ở Quảng Nam. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, chất lượng cuộc sống của người dân càng được nâng lên. Đối với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và các mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng NTM, thời gian qua cũng được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai xây dựng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp, có điện, bà con nông dân có cơ hội phát triển công nghệ nuôi, chế biến hải sản...Từ xã điểm Tam Phước (một trong 11 xã của cả nước được chọn triển khai thí điểm xây dựng NTM theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ), đến đầu năm 2016, Quảng Nam đã có 54 xã và 2 huyện, thị xã gồm Phú Ninh và Điện Bàn được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành NTM.

Điện đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều miền quê xứ Quảng. Ảnh: T.L
Điện đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều miền quê xứ Quảng. Ảnh: T.L

Điện ở nông thôn không chỉ thúc đẩy an sinh xã hội mà còn là động lực chủ yếu phát triển kinh tế hộ. Từ một tỉnh nhiều nơi thiếu điện, điện yếu, đến nay điện ở Quảng Nam đã về đến vùng cao, biên giới, đem lại hiệu quả rất lớn trong cơ khí hóa ngành nghề thủ công; thay đổi tập quán canh tác, cải tạo vườn đồi, vườn tạp, cải thiện đời sống, sinh hoạt cộng đồng, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Theo ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tiêu chí số 4 về điện đạt chuẩn sẽ là đòn bẩy để các tiêu chí khác hoàn thành. Bởi, có điện và cung cấp điện chất lượng cao sẽ giúp chính quyền địa phương triển khai các dự án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… nhằm giúp cho người dân nâng cao đời sống kinh tế ở nông thôn”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ số hộ chưa được sử dụng điện và chất lượng, yêu cầu kỹ thuật về điện vẫn chưa đảm bảo an toàn chiếm khá cao. Theo số liệu khảo sát mới đây, toàn tỉnh có 208/213 xã nông thôn triển khai Chương trình xây dựng NTM có điện. Trong số này, có 90 xã chưa đạt được sự đồng bộ về 2 chỉ tiêu trong tiêu chí điện. Cụ thể, có 134 xã đạt hơn 98% số hộ sử dụng điện; 150 xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật ngành điện. Tính chung, khu vực nông thôn của tỉnh đã có 118 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn, chiếm 57,28% tổng số xã. Trong đó, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn có 100% số xã đạt yêu cầu về điện. Tuy nhiên, các huyện miền núi như Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Tây Giang có tiêu chí về điện đạt rất thấp.

TRUNG LỘ

TRUNG LỘ