Chuyển động ở các khu công nghiệp
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp ở Quảng Nam đã chứng minh những đóng góp tích cực của mô hình này đối với nền kinh tế. Tiến trình phát triển đã được kết nối hệ thống khu công nghiệp chính là tiền đề tạo thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ ở các ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng. Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư cho các khu công nghiệp để thu hút doanh nghiệp, tạo ưu thế cạnh tranh để thu hút đầu tư. Vì vậy cần đặt ra yêu cầu hình thành hệ thống khu công nghiệp có khả năng hỗ trợ, liên kết, phát triển mang tính bổ trợ giữa các địa phương và toàn vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh, tạo ra bước đột phá, lan tỏa…
CHỌN CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Chính phủ đã “chuẩn y” nâng cấp nhiều cụm công nghiệp lên khu công nghiệp (KCN) tại Quảng Nam. Nhưng xung quanh chuyện thừa - thiếu, hiệu quả đến đâu, chọn hướng phát triển nào cho các KCN vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Khu công nghiệp Bắc Chu Lai lấp đầy 96% diện tích ở giai đoạn 1. Ảnh: T.DŨNG |
Thiếu hay thừa KCN?
Không thể phủ nhận “khả năng” của KCN khi đóng góp đến 36,55% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm tỷ trọng 39,7% kim ngạch xuất khẩu Quảng Nam và giải quyết một lượng lao động đáng kể. Nhưng, nhìn vào diện tích đất sử dụng chỉ gần 1.000/4.734,3ha quy hoạch của 9 KCN với 170 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.035 tỷ đồng và 1,784 tỷ USD… thì khó có thể nói đã đạt hiệu quả cao. Giá trị vật chất 1ha đất mới chỉ mang lại bình quân 4 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với dự kiến. Khó có thể xác định rằng thiếu hay thừa các KCN lúc này, trong khi chính quyền lẫn cơ quan quản lý đều cho rằng tiến trình của các KCN phù hợp với quy hoạch tới năm 2020 của Quảng Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng đầu tư, phân kỳ cụ thể cho 9 KCN và theo cuốn chiếu, không lãng phí đầu tư cũng không phá vỡ quy hoạch. Diện tích đất hiện có của các KCN chưa đủ và chưa thể tạo ra động lực phát triển công nghiệp như vốn có. Nếu nền kinh tế sôi động thì 9 KCN này sẽ được lấp đầy từ nay đến năm 2020. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh giảm diện tích KCN Điện Nam - Điện Ngọc xuống từ 418ha xuống còn 390ha, tăng diện tích KCN Đông Quế Sơn từ 200ha lên 211ha, bổ sung KCN Phú Xuân với quy mô diện tích 108ha vào quy hoạch phát triển cả nước đến năm 2020 và đồng ý chuyển đổi các Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Tây An, Đại Tân, Tiên Thọ thành các KCN. Chính phủ cũng đã đồng ý chọn Chu Lai là một trong 8 khu kinh tế được tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Quảng Nam sẽ phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp, xây dựng chi tiết, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các KCN.
Nhìn lại sự phát triển của các KCN Quảng Nam sẽ thấy hầu hết việc giải ngân của các dự án công nghiệp đều chậm hay nhiều dự án bị hụt hơi vì không thể đánh giá được năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Lấp đầy KCN vẫn là ưu tiên số 1, nên cơ cấu ngành nghề, yếu tố công nghệ, môi trường của dự án chưa được chú trọng. Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu quy mô nhỏ, phần lớn trong lĩnh vực dệt may, da giày, cơ khí, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, hải sản... Với cơ cấu đầu tư như thế nên hiệu quả đóng góp của các KCN đối với nền kinh tế không cao. Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN một cách rời rạc, đơn lẻ mà chưa có sự liên kết chặt chẽ nên càng hạn chế việc chuyển giao công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến. Các KCN ở Chu Lai có điều kiện thuận lợi hơn nhưng Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai - ông Đỗ Xuân Diện cũng phải thừa nhận ngoài các dự án của Trường Hải, soda hay kính nổi thì đa số dự án đầu tư vào khu vực này chỉ là các dự án có quy mô vừa, vốn đầu tư không cao, thiếu dự án động lực, dự án chế biến sâu, công nghệ hiện đại để tạo giá trị sản phẩm cao.
Chọn mô hình động lực
Đến thời điểm này, chưa có một đánh giá toàn diện, khách quan nào về tính hiệu quả, phù hợp, khả thi của các KCN Quảng Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới, quốc gia đã và đang biến động. Có thể khẳng định, KCN chính là điểm nhấn mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế Quảng Nam. Nếu không có các KCN sẽ rất khó tạo sự đột phá kinh tế địa phương, không thể hình thành nên các khu đô thị mới và cuộc sống của người dân Quảng Nam khó thay đổi. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực tế để đạt được mục tiêu phát triển KCN đầy tham vọng khi nguồn lực hữu hạn, Nhà nước cũng sẽ hụt hơi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa ra những ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt bằng nhiều hình thức cho các nhà đầu tư vào KCN. Một khi mong muốn luôn vượt trên nguồn lực vốn hạn chế, chắc chắn sẽ làm cho nhiều KCN không thể có khả năng phát triển. Đó là chưa kể đến việc nếu KCN nào cũng gom vào đủ loại ngành nghề, lĩnh vực, không hề có sự phân công, phân bổ nguồn lực như hiện tại thì khó mang lại hiệu quả kinh tế lại kèm theo những nguy cơ bất ổn về mặt xã hội. TS. Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng việc lựa chọn thí điểm hình thành KCN hỗ trợ cơ khí theo chuỗi cung ứng không bị cắt đoạn tại Chu Lai hay các KCN chuyên đề về công nghiệp hỗ trợ dệt may… có lẽ là một chọn lựa đúng đắn để tạo ra sự khác biệt của tiến trình phát triển KCN tại Quảng Nam.
Vấn đề quan trọng hiện tại là tiến hành đánh giá cụ thể mô hình KCN. Lựa chọn vài KCN có điều kiện thuận lợi nhất để “thí điểm” những chính sách đột phá. Số còn lại thu hẹp diện tích hay mở rộng cần được tính toán phù hợp với nguồn lực khan hiếm của địa phương và nhu cầu thị trường. Khi số lượng và quỹ đất của các KCN hiện hữu còn nhiều, chưa khai thác hết thì nên tập trung vào khai thác chiều sâu để nâng cao chất lượng, tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí tiền của và đất đai. Quy hoạch KCN phải tính trên cơ sở khai thác sao cho tốt nhất, không để đất bỏ không quá lâu, trên cơ sở dự báo dài hạn và dựa vào nhu cầu. Yếu tố hiệu quả mới là điều quan trọng lâu dài, hơn là lợi ích cục bộ ngắn hạn. Suy cho cùng, không phải có KCN là có nhà đầu tư như ý muốn. Nếu không hoàn thiện, 9 KCN hiện hữu và nhiều KCN khác được nâng cấp hay bổ sung có nguy cơ sẽ trở thành những “quy hoạch treo vĩ đại” nhất trong nền kinh tế Quảng Nam. (NAM KHA)
SỨC ÉP ĐẦU TƯ HẠ TẦNG
Tình trạng thiếu vốn, thiếu linh hoạt của địa phương và cơ chế “nửa vời”… đã trở thành lực cản cho phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp (KCN).
Hạ tầng ở nhiều khu công nghiệp đang dần được đầu tư đồng bộ. TRONG ẢNH: Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. |
Động lực tăng trưởng
Xe tải, máy xúc cuốn bụi đỏ mịt mù phả lên các công trình hối hả dựng xây ở KCN Tam Thăng (Tam Kỳ). Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Thăng) cho biết việc san nền, xây dựng hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng… đang được tiến hành khẩn trương để kịp bàn giao cho dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may của Tập đoàn Panko (Hàn Quốc). “Ông chủ” của dự án KCN Bắc Chu Lai này cho biết thêm, kết quả lấp đầy 96% của giai đoạn 1 đã mở đường cho công ty đầu tư giai đoạn 2, tiếp tục tạo ra 140ha đất công nghiệp cho thuê tại KCN Bắc Chu Lai được triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Giải tỏa đền bù đến đâu, triển khai dự án, đầu tư hạ tầng, xúc tiến kêu gọi đầu tư đến đó. Chỉ sợ thiếu doanh nghiệp, còn hạ tầng đủ sức đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Ông Chúng nói sẽ tìm mọi cách tạo nguồn đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 2, xúc tiến đầu tư, chọn lựa các dự án có quy mô lớn, thân thiện môi trường để đến năm 2020 sẽ lấp đầy KCN này.
Khu kinh tế mở Chu Lai được xem là một “biệt lệ” khi 12 năm qua, ngân sách đầu tư lên đến 2.757 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn này đã dành cho giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, các tuyến đường trục giao thông kết nối, nạo vét luồng cảng Kỳ Hà, đầu tư hệ thống cấp điện, nước và các công trình hạ tầng khác, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Ở phía Bắc, KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã trở thành một mô hình mẫu khi đã đầu tư hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng. KCN Đông Quế Sơn cũng đã nhận hỗ trợ của trung ương (khoảng 100 tỷ đồng) và đầu tư xấp xỉ 100 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, khu tái định cư… Kết quả giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh mới đây cho thấy, hiện Quảng Nam có 6/9 KCN được được đầu tư đang hoạt động với diện tích phát triển 2.321,56ha. Tổng vốn đầu tư đổ vào các KCN này hơn 3.302 tỷ đồng để thu hút 170 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.035,54 tỷ đồng và 1,784 tỷ USD. Một số KCN có tỷ lệ lấp đầy cao như Điện Nam - Điện Ngọc (80%), Bắc Chu Lai giai đoạn 1 (90%), Tam Hiệp (khoảng 60%), Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải (khoảng 70%).
Thiếu vốn, khó thu hút đầu tư
Nỗ lực đầu tư hạ tầng thu hút đầu tư của các KCN hiện tại không có điều gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, sẽ thấy những khoảng trống khó có thể san lấp. Không phải KCN nào cũng đủ khả năng để đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết cơ chế hỗ trợ vốn bồi thường giải phóng từ ngân sách trung ương chỉ áp dụng cho dự án có vốn 20.000 tỷ đồng trở lên, trong khi đó cơ chế vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh hiện chưa có hạng mức cụ thể nên các chủ đầu tư KCN, nhất là các doanh nghiệp nhà nước được UBND tỉnh giao chủ đầu tư hiện rất lúng túng trong việc giải phóng mặt bằng và xây dựng phương án kinh doanh.
Các KCN được cho là có lợi thế nhưng sao vẫn không thể lấp đầy diện tích? Câu trả lời chính là việc thiếu vốn triền miên, sự thiếu linh hoạt của địa phương và cơ chế “nửa vời” đã khiến việc đầu tư, phát triển hạ tầng chưa thể đạt yêu cầu. Các KCN Đông Quế Sơn, Thuận Yên hay Phú Xuân đã qua tay nhiều chủ đầu tư nhưng vẫn dang dở vì thiếu vốn, thiếu cả hạ tầng và sự ưu đãi nên rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến, rồi lắc đầu bỏ đi. Còn Chu Lai, chưa bao giờ thực sự được trao quyền để thử nghiệm chính sách, trái lại bị ràng buộc bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế hiện hành cũng như sự can thiệp quá sâu của các bộ, ngành trung ương, kết quả thua kém nhiều KCN khác, dù quy mô lớn hơn khá nhiều.
Hiện có sự khác nhau về hệ số diện tích lấp đầy ở các KCN. Nếu KCN Điện Nam - Điện Ngọc lấp đầy 100% diện tích giai đoạn 1 và khoảng 60% giai đoạn 2 thì 5 KCN trong Khu kinh tế mở Chu Lai mới chỉ sử dụng gần 500/5.358,1ha đất quy hoạch. KCN Tam Thăng mới ở giai đoạn đầu tư ban đầu, KCN Tam Anh dường như chưa thể triển khai được. Đông Quế Sơn, Thuận Yên hay Phú Xuân cũng dang dở đầu tư. Hiện ở Quảng Nam, hạ tầng các KCN phần lớn đều đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng ngân sách hạn hẹp nên không nhiều vốn đổ vào. Chủ yếu chỉ trông chờ vào nguồn trung ương hỗ trợ nên tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng còn chậm. Các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, nguồn thu địa phương được giữ lại và ODA cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các KCN đã được thành lập. (NHẬT PHONG)
SỨC SỐNG DOANH NGHIỆP
Các khu công nghiệp (KCN) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng thu hút đầu tư, thực sự trở thành điểm dừng chân của nhiều nhà sản xuất.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động tại các khu công nghiệp. Ảnh: T.DŨNG |
Ô tô chở hàng hóa, nguyên phụ liệu tấp nập vào ra cảng Tam Hiệp (KCN Bắc Chu Lai). Hàng trăm container được bốc dỡ, chất lên bến cảng. Lượng hàng hóa qua các cảng biển tại khu vực này ngoài kính nổi, dăm gỗ, vật tư, thiết bị ô tô, linh kiện điện tử… đã có thêm nhiều mặt hàng mới. Ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc thường trực Thaco cho biết kế hoạch cả năm 2015 vận chuyển hơn 31.654 container với 109 chuyến và gần 36.000 tấn hàng rời qua cảng Tam Hiệp. Năm 2015, doanh số Thaco khoảng 78.377 xe. Doanh thu hợp nhất hơn 42.000 tỷ đồng, tiếp tục gia tăng thị phần, đứng đầu thị trường ô tô Việt Nam. Sự kiện Thaco xuất xưởng mẫu xe Kia Sedona (CKD) và Mazda 2 (CKD) tại Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải hồi cuối tháng 10.2015 đã chứng minh Việt Nam có thể sản xuất, lắp ráp ô tô theo hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến thị trường AFTA và khu vực ASEAN. Chín nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô theo quy trình khép kín, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm ở từng bộ phận, nâng tỷ lệ nội địa hóa 40% cho các sản phẩm ô tô tải, 50% xe bus và 15 - 20% cho xe du lịch, Thaco đã tạo ra các sản phẩm khác biệt có lợi thế cạnh tranh, chủ động nguồn cung ứng, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất…
Không khí sôi động của cảng Tam Hiệp, KCN Bắc Chu Lai hay Khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải… cho thấy diện mạo ngày càng sinh động của doanh nghiệp tại các KCN Quảng Nam. Nếu các KCN phía nam có mặt của Trường Hải, kính nổi, soda, CCI, Dacotex Hải Âu xanh… đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì KCN Điện Nam - Điện Ngọc phía bắc cũng không kém với các nhà đầu tư lớn, thương hiệu mạnh như Bia VBL, Giày Rieker, Inax, Uni - President, Midori Anzen… Mô hình các KCN như những “thỏi nam châm”, được xem là “ưu việt” để thu hút đầu tư. Hạ tầng đồng bộ, có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu, khai báo thuế… nên các KCN đã tạo khá nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư.
Theo Sở Công Thương, hiện có 9 KCN với tổng diện tích quy hoạch 4.734,3ha. Tại Khu kinh tế mở Chu Lai có 5 KCN với 66/109 dự án còn hiệu lực, đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư 837,1 triệu USD. Các doanh nghiệp này đã tạo ra hơn 12.000 việc làm mới, đóng góp bình quân mỗi năm hơn 60% tổng thu ngân sách Quảng Nam. Bốn KCN khác trải dọc Quảng Nam cũng đã thu hút 78 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 11.160 tỷ đồng. Số doanh nghiệp này đã chiếm hơn 43% giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 296 triệu USD/năm, chiếm tỷ trọng 39,7% kim ngạch xuất khẩu Quảng Nam và giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động (hơn 80% lao động địa phương).
Vietcombank đã cam kết cho vay gói tín dụng trị giá 4.500 tỷ đồng cho Thaco. Tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp hỗ trợ, mời gọi liên doanh, liên kết với các nhà sản xuất linh kiện, phụ kiện nước ngoài vào Chu Lai. Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết tập đoàn đã chuẩn bị cho một chu kỳ đầu tư mới về tài chính và nhân lực, quyết tâm sẽ trở thành nhà sản xuất, lắp ráp ô tô không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực. Thaco đặt mục tiêu Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp ô tô có tầm vóc trong khu vực ASEAN. Không chỉ Thaco, bà Cecile Le Pham - Tổng Giám đốc Dacotex Group ở KCN Bắc Chu Lai nói công ty đang có ý định mở thêm nhà máy để phát triển ngành may khi gặp môi trường đầu tư tốt. KCN Tam Thăng đang xây dựng nhưng Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) đã lên thông báo tuyển dụng nhân viên lao động. Một số doanh nghiệp khác tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc cũng lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy… (TRỊNH DŨNG)