Mắt xích quan trọng để phát triển
Với cơ chế đặc biệt “đưa điện đến chân hàng rào” các doanh nghiệp, trong những năm qua, ngành điện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phục vụ phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Việc cung ứng điện kịp thời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc cung ứng điện kịp thời đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: ĐẶNG HÙNG |
Nỗ lực vượt khó
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi và phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hình thành và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Đến năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, Quảng Nam đã tập trung xây dựng hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và phát triển hệ thống các khu đô thị... Đến nay, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đã có bước chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đạt được những kết quả quan trọng đó là nhờ sự không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam, trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành điện nói chung và Điện lực Quảng Nam nói riêng.
Cùng với sự ra đời của Công ty Điện lực miền Trung năm 1975, tại Quảng Nam - Đà Nẵng, Sở Quản lý phân phối điện Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập. Và tại địa bàn Quảng Nam lúc bấy giờ mới hình thành Chi nhánh Điện Tam Kỳ vào đầu năm 1977.
Quảng Nam những ngày đầu giải phóng, điện thiếu nghiêm trọng, nguồn điện chỉ có cụm phát diesel nhỏ tại Tam Kỳ và vài chục ki-lô-mét đường dây hạ áp phục vụ ánh sáng sinh hoạt. Điện không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên thực hiện lịch đóng cắt và phân phối theo thứ tự ưu tiên. Trong gian khó, ngành điện miền Trung đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh tăng cường nguồn diesel, vận động nhân dân góp vốn xây dựng lưới điện nông thôn. Đặc biệt, trên địa bàn Quảng Nam, cùng với công trình đại thủy nông Phú Ninh, nhà máy thủy điện Phú Ninh với công suất 2 x 800kW đã phát điện năm 1984, đưa Tam Kỳ thành thị xã duy nhất trong cả nước không cắt điện luân phiên thời bấy giờ, đánh dấu sự nỗ lực lớn lao của ngành điện đối với quê hương Quảng Nam.
Cùng với quá trình tái lập tỉnh Quảng Nam, Điện lực Quảng Nam được thành lập năm 1997 đã nhanh chóng ổn định bộ máy sản xuất, đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển lưới điện phù hợp với đặc thù của địa phương. Những ngày mới thành lập, toàn tỉnh chỉ có một trạm biến áp 110kV nhận điện lưới quốc gia và một số nhà máy thủy điện tại chỗ như Phú Ninh, An Điềm...; chất lượng điện không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển điện nông thôn và các cụm công nghiệp mới ra đời. Tuy nhiên, cán bộ công nhân viên Điện lực Quảng Nam đã cố gắng nỗ lực thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa lãnh đạo địa phương và Tổng Công ty Điện lực miền Trung trong việc tham mưu, triển khai một số chủ trương về đầu tư cấp điện; từng bước phát triển nguồn, lưới điện phù hợp; đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Phục vụ kịp thời
Trong những năm qua, bên cạnh nhiều dự án do địa phương đầu tư như: OPEC1, OPEC2, RE2 hạ áp, ngành điện cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án: RE1, Dự án cấp điện 10 xã Trà My - Tắc Pỏ, Dự án cấp điện Tơ Viêng (Tây Giang)... để đưa điện đến vùng sâu, vùng xa và đưa điện tới cửa khẩu Đắc Ốc bán điện qua Lào, góp phần làm nghĩa vụ quốc tế. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2008, Điện lực Quảng Nam đã tiếp nhận lưới điện hạ áp từ 130 tổ chức kinh doanh điện nông thôn với hơn 2.000km đường dây hạ áp và 160.000 công tơ. Sau khi tiếp nhận, công ty đã tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đáp ứng được tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 181/205 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn, trong đó có 10 địa phương được công nhận xã nông thôn mới; năm 2015, dự kiến sẽ có thêm 46 xã nông thôn mới được công nhận. Nhờ đó, kinh tế nông thôn tỉnh Quảng Nam đã thay đổi rõ rệt, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 3%.
Công ty Điện lực Quảng Nam không ngừng đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: ĐẶNG HÙNG |
Có thể nói, ngành điện đã phục vụ kịp thời các chủ trương lớn của tỉnh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp sức giải quyết tốt hai bài toán “xóa đói giảm nghèo” và “chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. Đến nay, hệ thống lưới điện Quảng Nam đã nối liền 240/244 xã, phường, thị trấn; hàng năm cung cấp hơn 1 tỷ kWh điện, trong đó điện cho công nghiệp chiếm gần một nửa, và tăng hơn 40 lần so với năm 1997. Số hộ có điện cũng tăng lên đáng kể, nếu như năm 1997, nhiều khu vực nông thôn, miền núi còn “trắng điện” với 36% số hộ chưa có điện, thì đến nay đã có 98,8% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia.
UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương sự cố gắng nỗ lực của ngành điện nói chung và Điện lực Quảng Nam nói riêng trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian đến, Điện lực Quảng Nam cần tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn vai trò cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo dựng mối quan hệ thân thiện và tin cậy với khách hàng sử dụng điện. Đồng thời đơn vị tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; mở rộng cấp điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là cấp điện cho xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An); tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện, phấn đấu cung cấp điện đến 100% địa bàn dân cư vào cuối năm 2018; cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần cùng với địa phương cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều dự án đầu tư trên địa bàn, thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
HUỲNH KHÁNH TOÀN
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam)