Mua bán điện: Vẫn còn "trung gian"

NHỊ TRIỀU - BÁ VỸ 22/10/2014 10:53

Sau khi thực hiện chủ trương của Chính phủ, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã tiếp nhận phần lớn lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh và không ngừng nâng cao chất lượng điện cho khách hàng. Tuy nhiên hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân phải mua điện qua các hợp tác xã (HTX) nên gặp nhiều khó khăn.

Kéo điện về vùng cao.Ảnh: TRUNG LỘ
Kéo điện về vùng cao.Ảnh: TRUNG LỘ

Cải thiện chất lượng điện

Từ năm 2002, sau khi UBND tỉnh triển khai các biện pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh điện nông thôn, tình hình quản lý, cung ứng điện nông thôn chuyển biến tích cực. Đặc biệt là chất lượng điện tốt hơn, giá điện giảm xuống dưới mức giá trần Chính phủ quy định. Tuy nhiên, hoạt động điện nông thôn thay đổi nhanh nhất là kể từ khi PC Quảng Nam triển khai thực hiện kế hoạch của Tổng Công ty Điện lực miền Trung về tiếp nhận quản lý toàn bộ lưới điện trung áp, sau đó là việc tiếp nhận, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Sau tiếp nhận, ngành điện đã đầu tư mỗi năm hơn 100 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đường dây; cải tạo và cấy thêm hàng trăm trạm biến áp… để tăng chất lượng điện tại khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Thuyết, cán bộ hưu trí ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cho biết: “Từ khi ngành điện tiếp nhận bán lẻ đến hộ dân nông thôn, những khiếm khuyết về điện nông thôn đã từng bước được tháo gỡ. Người dân được mua điện theo giá Nhà nước quy định, các dịch vụ điện tốt hơn, đường dây cũ kỹ trước đây đã được cải tạo, nâng cấp nên an toàn…”.   

Năm 1997, toàn tỉnh có 124 xã có điện thì năm 2002 là 177 xã và đến nay là 239 xã; tỷ lệ số hộ có điện tương ứng 64% - 81,5% - 98,8%; việc cấp điện cho các doanh nghiệp từ vài chục đến nay tăng lên gần 20.000 doanh nghiệp. Khối lượng lưới điện trung, hạ áp từ 2.600km, 832 trạm biến áp trong năm 2002 tăng lên 6.000km và 2.600 trạm biến áp trong năm 2013.

Hiện tại, trong số hơn 360 nghìn hộ dân có điện, số hộ mua điện trực tiếp của ngành điện chiếm hơn 86%. Qua thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp, lưới điện nông thôn nhiều nơi đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới. Tình trạng các hộ ở xa đường dây, điện thế yếu đã giảm đáng kể; các hoạt động điện lực dần đi vào nền nếp theo Luật Điện lực. Nhóm chỉ tiêu như số lần mất điện và thời gian mất điện trung bình của khách hàng giảm mạnh; chỉ tiêu tiếp cận điện năng trung bình 51 ngày; chỉ tiêu cấp điện mới cho người dân trung bình mất 2,6 ngày… Ông Nguyễn Văn Ngữ (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) cho biết: “Lúc còn mua điện của HTX, nếu khoảng 5 giờ chiều mà không tranh thủ bật công tắc điện thì coi như tối đó đèn không đỏ. Do điện mạnh yếu thất thường khiến các đồ dùng điện trong nhà nhanh hư hỏng. Nhiều lúc bình biến áp bị hỏng hoặc đường dây bị bão tàn phá thì người dân mất điện dài ngày, cả tháng vẫn chưa có điện lại, bởi HTX không có tiền để sửa chữa. Bây giờ, chuyển sang mua điện trực tiếp từ Điện lực Thăng Bình, trạm biến áp được nâng công suất, đường dây được cải tạo, thay công tơ mới và được ngành điện phục vụ tối đa”.

Mong muốn mua điện trực tiếp

Sau khi đề án tiếp nhận điện nông thôn kết thúc, toàn tỉnh vẫn còn 32 HTX có lưới điện do dự án RE2 đầu tư và đủ điều kiện được UBND tỉnh cho phép kinh doanh, thực hiện mua tổng, bán lẻ điện cho dân qua trạm biến áp của ngành điện. Số hộ dân còn mua điện qua các tổ chức này chiếm 14% số hộ toàn tỉnh, với khoảng 49 nghìn hộ. Qua 3 năm hoạt động, dù đã được ngành điện hỗ trợ và tạo điều kiện, song một số HTX không thể cầm cự lâu dài để tiếp tục kinh doanh điện. Nguồn thu chênh lệch từ giá điện không đủ để các HTX giải quyết các vấn đề như khấu hao tài sản, sửa chữa nâng cấp lưới điện, trả lãi và vốn vay ngân hàng. Đến nay đã có thêm 7 HTX bàn giao lưới điện để PC Quảng Nam quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp cho dân. Hiện tại, vẫn còn 25 HTX thực hiện mua bán lẻ điện qua 120 trạm biến áp của ngành điện với 41.480 hộ dân với sản lượng điện mua bán lẻ bình quân 5,3 triệu kWh/tháng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tại các đơn vị này, tổn thất điện năng vẫn còn lớn, có 13/25 HTX vượt mức 10% tổn thất, trong đó có 6 HTX tổn thất hơn 15%. Mặt khác, các HTX phải nhận trả nợ vay ngân hàng tổng cộng hơn 42 tỷ đồng, trung bình mỗi năm phải trả 2,8 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, có 8 HTX nợ tiền vay ngân hàng khoảng 557 triệu đồng. Trước mắt, tuy các HTX này đang hoạt động kinh doanh ổn định, người dân vẫn được cung ứng điện thuận lợi tương ứng với các nơi mua điện trực tiếp từ ngành điện, song về lâu dài các HTX sẽ gặp khó khăn trong việc trả vốn vay, không có nguồn thu tập trung để xử lý khi lưới điện bị thiên tai; việc giảm tổn thất điện năng trên lưới điện cũng không được cải thiện. Vừa qua, PC Quảng Nam đã cử cán bộ đến khảo sát, làm việc với một số HTX để thỏa thuận việc giao nhận lưới điện, song đa số các HTX đều không thống nhất bàn giao, hoặc phải chờ đại hội xã viên quyết định. Trong khi HTX muốn giữ lưới điện lại để tiếp tục kinh doanh thì đa số người dân mong muốn được mua điện từ ngành điện. Bà Lê Thị Thứ (đội 6B, thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Từ ngày dự án RE2 đưa vào sử dụng, nơi đây ít bị cắt điện hơn, HTX phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, người dân chúng tôi rất mong được mua điện từ ngành điện, bởi về lâu dài HTX không thể có vốn để sửa chữa lưới điện hư hỏng, không có tiền trả nợ ngân hàng nên khó tính chuyện kinh doanh lâu dài được. Trước sau gì rồi cũng phải bàn giao, vậy thì nên bàn giao sớm để việc kinh doanh cung ứng điện ở đây có nền nếp” - bà Thứ nói.

NHỊ TRIỀU - BÁ VỸ

NHỊ TRIỀU - BÁ VỸ