Các công ty vàng nợ thuế: Khó khăn "dây dưa"
Tập đoàn Besra Việt Nam ra thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất tại 2 nhà máy vàng Phước Sơn và Bồng Miêu liên quan đến việc cưỡng chế thuế của ngành chức năng, một lần nữa cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa về duy trì đầu tư lĩnh vực khai khoáng tại đây.
Người lao động trước cửa vào hầm lò mỏ vàng Phước Sơn. (Ảnh: Tư liệu) |
Nợ thuế kéo dài
Sau gần một năm gặp khó khăn về tài chính, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam) như được hồi sinh khi Bộ Tài chính hủy quyết định truy thu thuế xuất khẩu vàng với tổng trị giá 12 triệu USD (hơn 250 tỷ đồng). Người lao động mất việc làm, công ty “dây dưa” trả nợ cho các nhà thầu xây dựng, nợ các đối tác làm ăn lẫn bảo hiểm cho người lao động… là những biểu hiện khó khăn kinh tế chung của doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, chính cái kiểu nợ và những “bí mật’’ trong sản xuất, kinh doanh vàng vượt tầm kiểm soát của địa phương đã khiến cho nhiều người không khỏi đoán già đoán non về sự thiếu lành mạnh trong làm ăn của doanh nghiệp này.
Ông Lương Đình Đường - Cục phó Cục Thuế tỉnh khẳng định, đơn vị áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với 2 công ty con của Besra Việt Nam là hoàn toàn đúng pháp luật hiện hành. Công ty TNHH Vàng Phước Sơn là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nhưng vì tiếp tục chây ì nợ thuế buộc phải xử lý theo Luật Quản lý thuế để thu ngân sách về cho Nhà nước. Đại diện lãnh đạo ngành thuế cũng bày tỏ, quyết định phong tỏa tài sản đối với 2 công ty con của Besra Việt Nam là việc chẳng ai muốn, trong trường hợp phía Besra Việt Nam không chịu nộp tiền nợ thuế thì ngành chức năng sẽ tiến hành kê biên, đề nghị rút giấy phép hoạt động. Nếu không tiến hành cưỡng chế sẽ tạo ra “tiền lệ xấu” trong môi trường đầu tư, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.
Tháng 9.2013, Cục Thuế Quảng Nam đã ra quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản ở các ngân hàng của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, nhưng sau đó UBND tỉnh quyết định dừng cưỡng chế. Tháng 3.2014, Cục Thuế tỉnh tiếp tục áp dụng cưỡng chế qua ngân hàng vì công ty này nợ thuế 225 tỷ đồng; sau đó, thông báo hóa đơn của công ty không còn giá trị trong thời hạn một năm kể từ ngày 28.4. Tháng 7, Besra Việt Nam chính thức thông báo đóng cửa 2 nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn, buộc 1.000 công nhân phải tạm dừng làm việc. |
Theo ngành thuế, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xuất khẩu 100% lượng vàng khai thác, trong khi thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu trên sản lượng xuất khẩu, vàng xuất bán ra nước ngoài mà doanh nghiệp vẫn không nộp thuế. Các khoản tiền thuê đất, phí môi trường… công ty vẫn chưa hoàn thành đầy đủ theo đúng quy định. Tính đến tháng 6.2014, tổng số nợ thuế (bao gồm cả khoản phạt nộp chậm thuế) của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn khoảng 230 tỷ đồng, còn Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu khoảng 55 tỷ đồng. Tập đoàn Besra Việt Nam nêu nguyên nhân không trả được các khoản nợ thuế là thăm dò, đầu tư lớn, hàm lượng vàng thiếu ổn định. Ngoài ra, do thiên tai, bão lụt, giá vàng giảm nhanh. Mặt khác, thời gian qua, các công ty phải đóng đến…18 phí thuế các loại.
Cần giải quyết hài hòa
Theo Tập đoàn Besra, trước thời điểm năm 2013, các công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu là đơn vị đóng thuế lớn của tỉnh và chưa bao giờ nợ thuế. Đây là thời điểm khó khăn khắc nghiệt nhất trong lịch sử hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam. Công ty đang trong tình trạng ngưng hoạt động và rất lo lắng cho hơn 1.000 lao động đang bị tạm hoãn hợp đồng. Đồng thời tại hai huyện Phú Ninh và Phước Sơn, tình hình an ninh trật tự sẽ phức tạp do hoạt động khai thác vàng trái phép, nạn trộm cắp, ô nhiễm môi trường… sẽ khiến hai khu vực này vốn đang bình yên sẽ trở thành “điểm nóng”. Các biện pháp cưỡng chế thuế đã khiến doanh nghiệp không thể mua nguyên liệu đầu vào hay bán vàng, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng hết sức khó khăn. Hơn nữa, các cổ đông và nhà đầu tư của công ty đang theo dõi chặt chẽ tình trạng của công ty tại Việt Nam. Quyết định đầu tư thêm vốn của các nhà đầu tư sẽ giúp hai nhà máy mau chóng phục hồi sản xuất bình thường.
Trước những khó khăn của nhà đầu tư, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là hết sức chia sẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục làm ăn. Trong khi chờ giải quyết, phía công ty chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương xem xét đề nghị bãi bỏ cưỡng chế thuế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, tỉnh thống nhất kéo dài thời gian trả nợ thuế cho doanh nghiệp, nhưng phải cam kết trả nợ theo kế hoạch và nếu khai thác, có sản phẩm xuất khẩu thì phải nộp thuế. Theo lãnh đạo chính quyền huyện Phước Sơn, ngoài việc người lao động mất việc làm, địa phương còn mất nguồn thu lớn. Năm 2014, dự kiến thu từ Công ty TNHH Vàng Phước Sơn hơn 200 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ thu khoảng 20 tỷ đồng. Về hướng giải quyết quản lý diện tích đất rừng “khủng” vào việc thăm dò, khai thác của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, phía công ty phải khẩn trương rà soát giao lại cho tỉnh 10km2 trong tổng số 42km2 mà công ty đã thuê, trong đó phải bổ sung đầy đủ hồ sơ, xác định lại ranh giới, vị trí từng lô, tiểu khu trong rừng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, Besra Việt Nam đã góp phần trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương, tiên phong về sử dụng công nghệ hiện đại trong khai khoáng. Những kiến nghị về tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, ngành cùng với chính quyền địa phương sẽ xem xét và tạo điều kiện thuận lợi để cho doanh nghiệp tiếp tục được cấp giấy phép thăm dò và khai thác tại 2 mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu theo hướng phát triển lâu dài, bền vững và thân thiện với môi trường. Được biết, sắp tới, các cơ quan chức năng của tỉnh và Tập đoàn Besra sẽ làm việc để giải quyết xoay quanh cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp.
TRẦN NGUYỄN