Đất vàng công nghiệp

TÙY PHONG 06/03/2014 10:40

Tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm đến 65,34%, Núi Thành đáng được mệnh danh là “huyện công nghiệp”. Trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai là hạt nhân, động lực để người dân Núi Thành mang giấc mơ công nghiệp hóa từng ngày.

Hạt nhân vùng gió, cát

Khoảng 3.900 tỷ đồng từ vốn ngân sách đổ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cộng với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư của doanh nghiệp trong vòng 10 qua đã tạo nên một diện mạo mới cho Núi Thành. Nhật ký công vụ của Chu Lai ngày càng dày lên với những con số tập đoàn, nhà đầu tư đến đặt dự án đầu tư đã thổi một luồng sinh khí mới trên vùng đất đầy nắng gió này. Hơn 10 năm qua, Khu kinh tế mở Chu Lai được coi là hoàn chỉnh nhất trong tất cả các khu kinh tế tại Việt Nam. Con số 93 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD (21 dự án FDI với gần 187 triệu USD), trong đó 62 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện đầu tư hơn 783 triệu USD, đóng góp gần 60% nguồn thu ngân sách Quảng Nam, lao động địa phương chiếm chủ yếu trong số 14.000 lao động được giải quyết việc làm… đã cho thấy sự hiệu quả của khu kinh tế này trong điều kiện cơ chế chính sách và nguồn đầu tư còn rất hạn hẹp. Theo tính toán của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này sẽ chiếm 38%, giá trị xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng 50.000 lao động. Cho dù Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thừa nhận “mưu sự” xây dựng một khu kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thí điểm các chính sách kinh tế mới bất thành, Chu Lai vẫn phải tự mò mẫm cách làm, xin cơ chế… nhưng hiện rất nhiều dự án tại khu kinh tế này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư và “lọt”  danh sách 5 khu kinh tế trọng điểm quốc gia ưu tiên đầu tư từ 2013 – 2015. Đây chính là cơ hội để Núi Thành có thêm hy vọng.

Nhà máy may gia công của Công ty TNHH LD May Như Thành tại Cụm công nghiệp Trảng Tôn.
Nhà máy may gia công của Công ty TNHH LD May Như Thành tại Cụm công nghiệp Trảng Tôn.

Ông Phạm Văn Quyện - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, Chu Lai hiện giờ vẫn luôn là vấn đề thời sự. Rất nhiều câu hỏi đã đặt ra và câu trả lời rằng nếu không có Chu Lai thì Quảng Nam không thể đứng vào tốp 10 tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách 10.000 tỷ đồng và đất Núi Thành chỉ mãi mãi là những trảng cát mênh mông bỏng rát chân người. Dù chỉ thành công trong vai trò một khu công nghiệp, nhưng khu kinh tế này đã và đang có những bước phát triển bền vững, tạo nên bước đột phá có sức làm thay đổi hoàn toàn diện mạo bức tranh kinh tế - xã hội của Núi Thành. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt. Chu Lai đã đặt nền móng cho địa phương phát triển, trở thành một huyện thuộc loại năng động nhất Quảng Nam hiện nay trên tiến trình công nghiệp hóa. Chu Lai đã làm thay đổi bộ mặt phía nam Quảng Nam và dọn đường cho các dự án động lực đầu tư vào Núi Thành ngày càng nhiều hơn. Có lẽ đó là lý do lớn nhất mà người dân đã sẵn sàng di dời nhà cửa, mồ mả cha ông, từ bỏ ruộng vườn để được nhìn thấy tương lai như hiện tại.

Sản xuất hàng gia công. Ảnh: T.P
Sản xuất hàng gia công. Ảnh: T.P

Chọn dự án đầu tư…

Theo UBND huyện Núi Thành, các khu, cụm công nghiệp tại Núi Thành đã thu hút khoảng 93 dự án đầu tư với số vốn đăng ký khoảng 3,1 tỷ USD, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động. Hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề khác nhau như cơ khí, sửa chữa tàu thuyền, chế biến nông, lâm thủy sản, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… hoạt động hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp 2013 ước đạt 4.729 tỷ đồng, tăng 18,40% lần so với năm 2004. Tăng trưởng thương mại – dịch vụ bình quân giai đoạn 1984 – 2013 ước đạt 31,37%. Giá trị thương mại – dịch vụ năm 2004 đạt 274 tỷ đồng, đến năm 2013 ước đạt 2.481 tỷ đồng, chiếm 16,61% trong cơ cấu chung.
Năm 2001, thu ngân sách trên địa bàn chưa đến 50 tỷ đồng thì đến năm 2013, tổng thu ngân sách đã lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện điện lưới quốc gia đã phủ 17/17 xã, thị trấn của huyện với hơn 99% số hộ dân sử dụng điện. Hệ thống giao thông thông suốt từ xã miền núi đến ven biển với hơn 250km và hàng trăm cây cầu lớn nhỏ. Có đường ô tô đến trung tâm xã 100%. Dự kiến, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Núi Thành năm 2014 sẽ tăng 14,4% so với năm 2013, công nghiệp tăng 16%, sản lượng lương thực 37.300 tấn, thu ngân sách nhà nước khoảng 1.981,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới trên 4.500 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%.

Chu Lai đã rộng cửa cho Núi Thành chọn con đường đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Quy hoạch cụm công nghiệp tốt, đền bù, giải tỏa nhanh kịp giao đất cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin trung thực cả về khó khăn, thuận lợi để doanh nghiệp lựa chọn trước khi đầu tư; minh bạch thủ tục đầu tư kể cả vận dụng linh hoạt việc vận động doanh nghiệp ứng trước vốn đền bù, giải tỏa… là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình kêu gọi, xúc tiến đầu tư đã trở thành thước đo thành công của Núi Thành. “Các nhà đầu tư đến, phần lớn là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Họ không thiếu tiền mà chỉ thiếu thời gian, nên họ rất cần ở địa phương sự nhiệt tình phối hợp giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất giải quyết những vấn đề liên quan nhanh gọn để họ có thể triển khai dự án thuận lợi. Chính quyền huyện đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp một cách tối đa. Khi cần, lúc nào nhà đầu tư cũng sẽ có ngay những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định cuối cùng” - ông Lê Viết Vinh - Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp Núi Thành nói.

Theo ông Lâm Quyền Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH LD May Như Thành tại Cụm công nghiệp Trảng Tôn, đã biết đến Núi Thành từ năm 1991 khi đặt hàng Công ty May Núi Thành. Sau nhiều cuộc khảo sát, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư nhà máy. Ông Quý cho rằng đã đầu tư nhiều nơi, nhưng hiệu lực hành chính của Núi Thành khiến ông hài lòng nhất vì nhà đầu tư được hỗ trợ, chia sẻ thông tin và giúp giải quyết tốt những vấn đề tồn đọng. “Nếu nhân lực dồi dào thì không chỉ 500 công nhân như hiện tại mà công ty có thể mở rộng hết công suất đến cả nghìn công nhân để gia công sản phẩm áo quần thun trẻ em xuất sang thị trường Mỹ”.

Phát triển cụm công nghiệp với mục đích thu hút các doanh nghiệp nhỏ bên cạnh hạt nhân Chu Lai để nhanh chóng xây dựng thành một huyện công nghiệp là “mệnh lệnh” của chính quyền. Nhưng không vì thế mà Núi Thành mở rộng và thu hút bằng mọi giá. Họ đã biết lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp. Nam Chu Lai, Trảng Tôn và Tam Mỹ Tây là 3 cụm công nghiệp đầu tiên được xây dựng. Hiện đã thu hút 9 nhà đầu tư trên phần đất đã giao là 24,621/72,8ha quy hoạch tại Nam Chu Lai và Trảng Tôn. Các doanh nghiệp đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng để đưa nhà máy hoạt động ổn định. Chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của khách hàng, thị trường tiêu thụ, thu hút hơn 770 lao động. Ông Lê Viết Vinh cho rằng hiện tại do nguồn vốn hạn chế nên các cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu hệ thống thoát nước, khu xử lý nước thải và giao thông. Một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và sản xuất chưa thể mở rộng sản xuất. Tuy nhiên việc ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và “liệu cơm gắp mắm” đầu tư cơ sở hạ tầng… đã buộc chính quyền đi đến những quyết định làm hài lòng doanh nghiệp và cả dân địa phương. Núi Thành đã quyết định không mở rộng giai đoạn 2 Cụm công nghiệp Trảng Tôn nằm giữa lòng thị trấn vì phải tốn kém kinh phí giải phóng mặt bằng quá nhiều và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong đô thị. Thậm chí, địa phương cũng đang xem xét và dự định sẽ không cấp thêm giấy phép nào cho dự án nào đầu tư sản xuất dăm gỗ tại Cụm công nghiệp Nam Chu Lai bởi đã có 3/5 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này tại đây. Ông Vinh nói hầu hết những kiến nghị của doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp đã nhận được hồi đáp của chính quyền. Nhà đầu tư đã cam kết sẽ tiến  hành xây xưởng sản xuất, chế biến gia công gỗ bao bì bàn ghế các loại… hoặc đầu tư kết cấu hạ tầng. Chỉ trong một vài năm tới các cụm công nghiệp này sẽ hoàn thiện và lấp đầy diện tích.

TÙY PHONG

TÙY PHONG