Sức bật từ công nghiệp
Phát huy tiềm năng sẵn có, tận dụng tối đa thuận lợi về hạ tầng giao thông, Đại Lộc đã đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), tạo sức bật mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Công nhân Công ty CP Prime trong giờ sản xuất. Ảnh: CÔNG TÚ |
Định hướng
Xét về lợi thế, Đại Lộc có nhiều loại tài nguyên khoáng sản phục vụ cho ngành CN chế biến như đá tràng thạch, đá xây dựng, than đá, đá vôi, cao lanh, đất sét, cát, sỏi... Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, điện, nước, thủy lợi, bưu chính viễn thông, vận tải ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh. Huyện còn có lực lượng lao động trẻ, trình độ học vấn khá, cần cù, chịu khó... là nguồn nhân lực quan trọng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tuy nhiên, Đại Lộc cũng là vùng đất có nhiều đồi núi, sông suối, thường xuyên bị thiên tai tàn phá khiến quỹ đất bố trí cho CN không nhiều. Ngoài ra, đại bộ phận dân cư đời sống còn khó khăn, tích lũy từ nội bộ trong nền kinh tế thấp không đủ lực cho phát triển CN. Những năm 1995 - 2004, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện chỉ đạt 9%/năm, tỷ trọng nông nghiệp chiếm đến khoảng 43%, CN tăng trưởng với tốc độ thấp, chưa xứng đáng là đầu tàu tạo bước đột phá.
Không tự bó buộc mình, năm 2003, Huyện ủy Đại Lộc xây dựng “Đề án phát triển Đại Lộc đến năm 2010 cơ bản thành huyện CN”. Đề án đưa ra quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển với các mục tiêu phấn đấu cụ thể. Cùng thời gian này, UBND tỉnh ban hành cơ chế phân cấp cho các địa phương triển khai quy hoạch, quản lý và thu hút đầu tư vào các cụm CN. Nhà nước đầu tư nâng cấp, điều chỉnh và mở rộng quốc lộ 14B thành trục đường xuyên Á, Trung ương và tỉnh ban hành các cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng hơn trước. “Chúng tôi coi đây là điều kiện thuận lợi nhất góp phần thực hiện thành công đề án, khi mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX tiếp tục khẳng định: “Cần tập trung tạo ra bước đột phá làm chuyển biến cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng CN - TTCN và thương mại - dịch vụ để đến giai đoạn 2010 - 2015 Đại Lộc cơ bản thành huyện CN. Đồng thời, các mục tiêu phát triển kinh tế đều được điều chỉnh cao hơn so với đề án đặt ra trước đó để phù hợp với tình hình và tiêu chí phấn đấu mới” - ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết.
Phát huy hiệu quả
Tận dụng lợi thế về hạ tầng giao thông đối ngoại khi nằm trong vùng vành đai TP.Đà Nẵng (giáp với xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây - quốc lộ 14B đi qua, Đại Lộc sớm quy hoạch chuỗi các cụm CN, tập trung công tác xúc tiến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện - ông Đặng Hùng Trận cho hay, chưa tròn 10 năm, Đại Lộc đã tiến hành định vị quy hoạch hơn 305ha đất dành cho CN tập trung với 24 cụm CN vừa và nhỏ; đầu tư gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách phục vụ phát triển hạ tầng, nhờ đó thu hút 35 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 4.197 tỷ đồng. Đến nay, đã có 24 dự án đi vào sản xuất ổn định với giá trị đầu tư hơn 2.637 tỷ đồng (đạt 57%), giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động. Có thể kể đến Công ty Groz-Beckert Việt Nam - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí dệt may chính xác cao thu hút gần 700 công nhân, hay Công ty CP Prime Đại Lộc giải quyết 1.130 lao động. CN phân tán cũng có 11 dự án đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương. Ngoài việc chú trọng lập dự án hỗ trợ phục hồi, phát triển 6 làng nghề truyền thống; trên địa bàn huyện còn có hơn 1.600 cơ sở sản xuất TTCN.
Một góc thị trấn Ái Nghĩa. |
Sự phát triển tổng lực của ngành CN - TTCN tạo nên tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Đại Lộc đạt 41,42% (nghị quyết đề ra 20 - 20,5%), thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh hơn dự kiến với CN - TTCN - xây dựng đã chiếm 66,48% (nghị quyết đề ra 55%). Sức bật từ CN địa phương (năm 2012 ước đạt hơn 1.358 tỷ đồng) góp phần tạo cho nền kinh tế phát triển ổn định, mức tăng trưởng cao với tổng giá trị sản xuất năm 2012 ước đạt hơn 2.147 tỷ đồng. CN và dịch vụ phát triển tạo ra gần 10 nghìn việc làm mới, trong đó ngành CN tập trung giải quyết hơn 3.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,39% năm 2010 xuống còn 15,39% theo tiêu chí mới.
Tiếp tục xác định đến năm 2015 CN - TTCN vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, Đại Lộc phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN của huyện tăng 21%/năm. “Để đạt được điều đó, địa phương sẽ huy động, tập trung mọi nguồn lực thu hút các dự án theo 2 hướng: Đối với CN tập trung, mỗi năm phấn đấu thu hút 7 - 10 dự án sản xuất có công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, ít ảnh hưởng môi trường vào các khu CN Đông Phú - Tích Phú (Đại Hiệp), Đại Đồng, Đại Tân. Đối với CN phân tán, hướng đến phát triển ngành nghề nông thôn một cách vững chắc” - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc, ông Lê Tấn Ngọc cho hay. Cũng theo ông Ngọc, Đại Lộc luôn sẵn sàng chào đón doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục liên quan, bất kể doanh nghiệp đến liên hệ vào thứ Bảy, Chủ nhật hay ngày lễ.
CÔNG TÚ