Gánh nặng đè trên vai ngân sách

TRỊNH DŨNG 03/10/2023 05:07

Khá nhiều dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương, ODA sẽ không thể hoàn thành như kế hoạch. Gánh nặng đè trên vai ngân sách địa phương khi nguồn lực đầu tư đã ngày càng khan hiếm, lại buộc phải bỏ tiền ra để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án.

Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT608 có nguy cơ sẽ dừng đoạn Lai Nghi, không thể hoàn thành đúng kế hoạch. Ảnh: T.D
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT608 có nguy cơ sẽ dừng đoạn Lai Nghi, không thể hoàn thành đúng kế hoạch. Ảnh: T.D

Khó có thể hoàn thành dự án

Hồ Pháp Bảo biến ao rau muống góc đường Hai Bà Trưng và Phan Chu Trinh thành một hồ nước trong xanh giữa lòng phố cổ Hội An. Đây là dự án (HA/W1) duy nhất trong số 5 dự án thành phần độc lập của dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An hoàn thành đúng kế hoạch cam kết.

Các dự án thành phần còn lại gồm HA/W4 - Nâng cấp, cải tạo ĐT608; HA/W5 - Xây dựng đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại; HA/W2 - Đường dẫn cầu Cửa Đại Nam Hội An; HA/W3 - Nạo vét sông Cổ Cò vẫn đang dang dở.

Kế hoạch hoàn thành dự án vào 31/12/2022 đã không thể thực hiện được. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định gia hạn dự án kết thúc vào 31/12/2023. HĐND tỉnh đã đồng ý bỏ ra 56 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho chủ đầu tư trả các chi phí phát sinh trong thời gian gia hạn khoản vay ADB của dự án 88,5 triệu USD này.

Ngày 25/9/2023, UBND tỉnh lại đồng ý điều chỉnh thiết kế đường dẫn cầu và tuyến nhánh của công trình cầu thôn 3, thuộc dự án thành phần HA/W3 - Nạo vét sông Cổ Cò.

Có thể thấy ngay dự án này sẽ không đủ “khả năng” hoàn thành đúng theo tiến độ đã gia hạn. Khối lượng thực hiện đến nay chỉ đạt 63%/tổng mức đầu tư. Không biết có bao nhiêu trong số 37% khối lượng còn lại sẽ hoàn thành, khi 3 tháng nữa là kết thúc dự án, khi ách tắc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể tháo gỡ.

Tháng 4/2023, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã từng đề nghị dừng dự án HA/W4 - Nâng cấp, cải tạo ĐT608 tại cống Lai Nghi, đoạn tuyến ĐH14 và dừng gói thầu HA/W3 - Nạo vét sông Cổ Cò.

Chủ đầu tư 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ “bất lực” đẩy tiến độ thi công, giải ngân. Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển từ UBND phường Cẩm An (Hội An) đến An Bàng và 4 hồ chứa nước (3/2, Nước Rin, Đập Quang và Đá Chồng) sẽ chỉ bắt đầu triển khai vào tháng 10/2023.

Dự án đầu tư 5 trung tâm y tế tuyến huyện và 76 trạm y tế tuyến xã không có dự án nào khởi công (mới điều chỉnh chủ trương 76 trạm y tế tuyến xã ngày 22/9/2023).

Chủ đầu tư các dự án này thừa nhận không đủ thời gian (kết thúc 31/12/2023) để hoàn thành dự án và giải ngân. Tổng giải ngân của 5 dự án này đến 31/8/2023 chỉ 69,261 tỷ đồng (11,3%). Sẽ có khá nhiều vốn trong số 614 tỷ đồng của các dự án này buộc phải trả về ngân sách trung ương.

Các dự án trọng điểm cũ, mới đều “lâm trọng bệnh”, khó có thể hoàn thành kế hoạch. Cầu Nghĩa Tự thuộc dự án Nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò (Hội An) dự định khởi công tháng 4/2023 đã không thành hiện thực.

Đoạn tuyến ĐT609 từ tháp Bằng An đến nút giao với tuyến ĐT609 mới (dự án thành phần HA/W4 của dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An) đã từng được Bộ KH-ĐT gia hạn đến hết năm 2023 vẫn dở dang.

Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành không kịp tiến độ thi công, nguy cơ Ngân hàng tái thiết và phát triển Đức (KFW) sẽ không tiếp tục thực hiện hiệp định đã ký...

Ngân sách sẽ phải bỏ tiền hoàn thiện dự án?

Tháng 4/2023, trong phiên làm việc với chủ đầu tư và thị xã Điện Bàn về giải phóng mặt bằng dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đã bác bỏ ý định dừng một số dự án thành phần của chủ đầu tư. Không cho phép dừng bất cứ gói thầu nào.

“Không phải vì khó giải phóng mặt bằng mà nêu ý định dừng hay rút lui dự án. Nếu làm không xong dự án thì hậu quả để lại sẽ rất lớn cho địa phương. Ngân sách tỉnh dự báo năm nay sẽ hụt thu, không có tiền đầu tư tiếp tục hoàn thiện. Thị xã Điện Bàn thì lấy đâu ra tiền để đầu tư. Nếu để dở dở ương ương dự án thì biết nói thế nào với người dân?” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã từng yêu cầu chủ đầu tư, địa phương bằng mọi giá phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành dự án.

Theo ông Quang, nếu không thực hiện đúng cam kết thì các nhà tài trợ sẽ cắt vốn. Một khi dừng dự án, ngân sách địa phương buộc phải bỏ tiền ra để đầu tư hoàn thiện công trình. Nếu dừng, sẽ không biết bao giờ mới có thể tái tục dự án. Ngân sách không đủ nguồn lực. Ai chịu trách nhiệm chuyện này?

Quyết tâm hoàn thành dự án luôn được chính quyền đặt lên hàng đầu, nhưng thực tế dường như bất khả thi! Các dự án không thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Ngay như quyết định gia hạn thời gian của Thủ tướng Chính phủ cho dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An (Quyết định 424/QĐ-TTg, ngày 20/4/2023) khẳng định, nếu dự án vẫn chưa hoàn thành sau thời gian gia hạn, sẽ hủy bỏ số vốn vay ADB chưa sử dụng. UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.

Không thể thống kê bao nhiêu dự án đầu tư công đã phải “đứng bánh”, từ các dự án trọng điểm đến các dự án khác nhau đều không thể tiến hành đầu tư hay giải ngân đúng như kế hoạch đề ra của dự án.

Chưa có thống kê hay tổng hợp nào cụ thể về số lượng dự án, bao nhiêu kinh phí chuyển trả trung ương hay số tiền đã bị các nhà tài trợ rút vốn, bao nhiêu tiền từ ngân sách đã phải bỏ ra cho sự dở dang của nhiều dự án. Nếu như có một thống kê đầy đủ, số kinh phí này ắt hẳn sẽ không nhỏ!

Bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là nút thắt của nền kinh tế, nhiều năm không gỡ được đã khiến địa phương đang trả giá đắt cho sự ì ạch, nham nhở của các dự án đầu tư. Tuy nhiên, cho dù bao biện bằng bất cứ lý do gì, khó có thể chấp nhận khi tình trạng này đã trở thành thông lệ.

Cần có cách tiếp cận mới về các khoản đầu tư công, đặt ra các quy định về “trần trách nhiệm” cụ thể cho các chủ đầu tư. Hạn chế đến mức thấp nhất áp lực đè nặng trên vai ngân sách địa phương, khi phải luôn bỏ tiền ra để đầu tư hoàn thiện các dự án dang dở, trong khi nguồn lực đầu tư của ngân sách ngày càng hạn chế. Không lẽ, đây là điều không thể giải quyết?

TRỊNH DŨNG