Dự án hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An: Băn khoăn về tiến độ

TRỊNH DŨNG 22/09/2023 10:09

Hơn 56 tỷ đồng là khoản ngân sách để trả lãi, phí trong thời gian gia hạn khoản vay của dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về thời hạn hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2023.

Hồ Pháp Bảo (Hội An) là dự án thành phần duy nhất của Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An” hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: T.D
Hồ Pháp Bảo (Hội An) là dự án thành phần duy nhất của Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An” hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: T.D

Gia hạn khoản vay

Hồ Pháp Bảo (Hội An) là dự án duy nhất hoàn thành trong số 6 dự án thành phần độc lập của Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An”. Số còn lại đều dở dang.

Theo thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (chủ đầu tư), tất cả gói thầu của dự án đều đã trao hợp đồng (3/3 gói thầu tư vấn có sử dụng vốn ADB, 8/8 gói thầu xây lắp thuộc 5 dự án thành phần và 1 gói thầu HA/C1 - hệ thống cảnh báo lũ tại sông Vu Gia - Thu Bồn).

Khối lượng thực hiện đến nay đạt hơn 1.167 tỷ đồng (chi phí xây dựng hơn 1.052 tỷ đồng), đạt 63%/tổng mức đầu tư. Tổng giải ngân kế hoạch vốn đến ngày 23/6/2023 hơn 1.203 tỷ đồng (vốn vay ADB hơn 910 tỷ đồng, gần 243 tỷ đồng vốn đối ứng và gần 50 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại), đạt 64%/tổng mức đầu tư.

Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” (nhóm A) có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD (tương đương 1.859 tỷ đồng), gồm vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 70 triệu USD (tương đương 1.470 tỷ đồng), vốn viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD (tương đương 63 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách tỉnh 15,5 triệu USD (tương đương 325,5 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án 2015 - 2022 (đã điều chỉnh đến 31/12/2023).

Hiệp định vay số 3340 - VIE đã ký ngày 25/3/2017 (có hiệu lực từ ngày 17/7/2017) và ngày 30/6/2023 đóng khoản vay. Theo hiệp định vay và quyết định đầu tư dự án, chi phí lãi vay và phí cam kết đã được phê duyệt là 3,95 triệu USD, sử dụng từ nguồn vốn vay ODA. Số vốn vay đã sử dụng để trả lãi vay và phí cam kết đến kỳ gần nhất là ngày 1/5/2023 (khoảng 2 triệu USD, tương đương 48 tỷ đồng). Thời hạn trả nợ từ 1/5/2022 đến 1/5/2041. Đến nay đã trả nợ gốc 3 kỳ với số tiền hơn 5,3 triệu USD (tương đương 128,5 tỷ đồng).

Tổng vốn Quảng Nam vay lại (theo Hiệp định vay 3340 - VIE) là 70 triệu USD (tỷ lệ tài trợ 88% đối với xây lắp, 65% đối với dịch vụ tư vấn có sử dụng vốn ADB). Số tiền nhận nợ vốn vay ADB đến ngày 18/7/2023 hơn 39,4 triệu USD (tương đương khoảng 910 tỷ đồng). Trong đó, phí cam kết và lãi vay gốc hóa hơn 2 triệu USD (tương đương khoảng 48 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, có quá nhiều vướng mắc không dễ tháo gỡ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Cụ thể, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, biến động giá cả, bồi thường giải phóng mặt bằng... khiến dự án không hoàn thành theo thời gian đã được phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ phải phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 30/12/2023 (thay vì 30/12/2022 như ký kết) theo Quyết định số 424, ngày 20/4/2023.

Ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, để thời gian triển khai thực hiện dự án không bị gián đoạn, đảm bảo hoàn thành tiến độ thì cần điều chỉnh thời gian đóng khoản vay đến ngày 30/6/2024.

Tuy nhiên, theo ông Hà, việc gia hạn thời gian đóng khoản vay sẽ phát sinh những chi phí liên quan, làm thay đổi việc trả lãi, phí cam kết (phần lãi, phí trong thời gian gia hạn không gốc hóa, địa phương phải trả từ ngân sách tỉnh).

“Nếu sử dụng nguồn vốn đối ứng của dự án để trả lãi vay, phí cam kết sẽ làm tăng cơ cấu vốn đối ứng theo chủ trương đầu tư được duyệt, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (thẩm quyền Chính phủ). Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh thống nhất sử dụng nguồn ngân sách tỉnh hằng năm để trả lãi vay và phí cam kết phát sinh trong thời gian gia hạn khoản vay” - ông Hà nói.

Cần đẩy nhanh tiến độ thi công

UBND tỉnh đã trình HĐND xem xét, thống nhất bố trí 56 tỷ đồng để trả phí và lãi phát sinh cho dự án trong thời gian gia hạn khoản vay (từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, hiệp định vay của dự án đã hết hiệu lực ngày 30/6/2023. Việc gia hạn khoản vay là cần thiết. Chủ đầu tư đã xác định chi phí phát sịnh dự kiến hơn 2,4 triệu USD (tương đương 55,6 tỷ đồng). HĐND tỉnh chuẩn y để UBND tỉnh có cơ sở báo cáo, đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, gia hạn Hiệp định vay số 3340 - VIE (vốn ADB).

Về đề nghị của UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói, sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Ông Đức cho rằng, cần gia tăng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, rà soát tiến độ đầu tư từng hạng mục, xây dựng kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thành các gói thầu để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ cam kết.

Số tiền trả lãi, phí có thể sẽ được HĐND tỉnh thông qua, tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về việc làm cách nào để dự án hoàn tất đúng theo kế hoạch, chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc trong khi ách tắc giải phóng mặt bằng vẫn không gỡ nổi?

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa & xã hội HĐND tỉnh nói, nếu dự án hoàn thành đúng tiến độ thì đâu có chuyện ngân sách phải “mất tiền” trong khi nguồn lực đầu tư rất khó khăn. Nếu đến 31/12/2023 không hoàn thành thì dự án sẽ như thế nào, xử lý ra sao?

Ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, dự án này tỉnh vay 100%, đằng nào ngân sách cũng phải chi trả nợ các khoản, nên việc dùng ngân sách trả lãi, phí trong thời gian gia hạn khoản vay cũng hợp lý. Tuy nhiên, khối lượng hay giải ngân mới chỉ 64% thì chỉ còn cách đẩy nhanh tiến độ thi công. Không thể lãng phí đầu tư.

TRỊNH DŨNG