Hơn cả một cây cầu...

SÁU CÒI 21/09/2023 10:14

Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn chính thức được khởi công vào ngày 16/9 vừa qua. Bên lề “cây cầu mơ ước” này, nhiều câu chuyện xúc động khiến cho công trình thêm phần ý nghĩa.

Người dân địa phương tìm hiểu về dự án cầu Văn Ly. Ảnh: SC
Người dân địa phương tìm hiểu về dự án cầu Văn Ly. Ảnh: SC

Vào buổi chiều tà, một người dân trú tại vùng Gò Nổi chạy xe máy ra hướng đò Ông Đốc nằm phía bên làng Văn Ly của xã Điện Hồng (nay là thôn 3, xã Điện Hồng, Điện Bàn) để qua sông về nhà. Thế nhưng, đò tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn do nước lũ sông Thu Bồn từ thượng nguồn đổ về dâng cao.

Người này đành quay ngược lại, chạy ra tuyến ĐT609, xuống đến km6+000 rồi rẽ phải vào làng Kỳ Lam (xã Điện Thọ, Điện Bàn), lên cầu kế bên đường sắt qua sông rộng chỉ 1m mới tới vùng Gò Nổi. Tính ra, người này đi xe máy xa hơn 15 cây số, nhất là qua sông trên cây cầu quá nhỏ hẹp.

Dẫu biết khách đi đường vòng rất xa, bà Lê Thị Thương (trú thôn 3, xã Điện Hồng) - chủ bến đò Ông Đốc cho hay, bản thân cũng không thể giúp vì đò ngang cách trở, an toàn tính mạng của người dân là trên hết.

Nói về bà Thương, trong kháng chiến, bà cùng gia đình vừa đưa đò, vừa vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cách mạng. Đất nước hoàn toàn giải phóng, bà lại cùng con trai út lái đò đưa khách sang bờ xã Điện Quang (vùng Gò Nổi, Điện Bàn) hoặc bờ Điện Hồng với 3 phương tiện có công suất 5CV, 16,5CV và 15CV. Ở tuổi ngoài 70, bà đã có khoảng 60 năm đưa đò.

Nhiều lần bà tâm sự, bản thân mong có cây cầu để người dân đi lại cho thuận lợi, đặc biệt là an toàn mùa mưa bão. Vả lại, bà cũng muốn người con trai không còn vướng bận chuyện đưa đò, đặng có thời gian đưa vợ con đi thăm người thân, bạn bè vào dịp lễ, tết.

Trước khởi công cầu Văn Ly một ngày, bà Thương tâm sự rằng, việc gia đình sẽ nêu nguyện vọng để Nhà nước có chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sau khi đò giải thể chỉ là chuyện nhỏ. Giã từ đò ngang là chuyện mong ước bấy lâu, nhưng thẳm sâu trong lòng vẫn có nhiều xúc cảm.

Hiểu tâm ý mẹ, con trai của bà Thương (ông Nguyễn Hữu Cảnh) động viên: “Mẹ không phải lo nghĩ xa, Nhà nước quan tâm đầu tư làm cầu quá tốt, rồi đây quê mình sẽ đổi thay phát triển hơn nữa thì có niềm vui nào bằng”.

Nghe khởi công cầu Văn Ly, nguyên Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đại Lộc - ông Lê Tấn Ngọc bày tỏ sự hài lòng và phấn khởi.

Ông chia sẻ, việc làm cầu không chỉ gỡ “điểm nghẽn” lưu thông liên vùng Duy Xuyên, Đại Lộc với phía tây Điện Bàn, mà còn tri ân những bậc danh nhân chí sĩ, anh hùng, cán bộ kiên trung ở vùng Gò Nổi đã ghi vào sử sách như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Lê Đình Đỉnh, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Trần Thị Lý, Trần Thị Vân, Nguyễn Thị Bình, Phan Thanh…

Đây cũng chính là tâm nguyện của cố đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã từng giãi bày tại buổi tiếp xúc với cử tri vùng Gò Nổi vào chiều ngày 8/3/2016.

SÁU CÒI