Giải "bài toán" giảm ngập nội đô TP.Tam Kỳ

XUÂN PHÚ 17/07/2023 06:18

Cuối tuần qua, TP.Tam Kỳ tổ chức hội thảo kết quả đề án thoát nước nội đô TP.Tam Kỳ - đề án do Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) thực hiện. “Bài toán” giảm ngập đô thị Tam Kỳ bước đầu đã có lời giải.

Hội thảo kết quả đề án thoát nước nội đô Tam Kỳ được tổ chức cuối tuần qua. Ảnh: X.P
Hội thảo kết quả đề án thoát nước nội đô Tam Kỳ được tổ chức cuối tuần qua. Ảnh: X.P

Ba nhóm giải pháp

So sánh hình ảnh đô thị Tam Kỳ tại hai thời điểm trước 2018 và sau năm 2020, PGS-TS. Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho rằng, cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là khu vực nội đô Tam Kỳ phát triển quá nhanh. Trong khi đó, quy hoạch thoát nước đô thị là bài toán động, cần đi trước hoặc song hành với quy hoạch đô thị lại chưa được quan tâm đúng mức.

“Qua đánh giá thực trạng mạng lưới thoát nước, có thể nói hệ thống thoát nước của đô thị Tam Kỳ không đồng bộ. Các hố ga, cống quá nhỏ, tác dụng thoát nước kém, cửa xả ra sông (6 cửa) gần như không còn tác dụng khi mưa lớn ở khu vực nội đô. Cạnh đó, lượng nước phía tây đổ về nội đô rất lớn khiến thành phố ngập sâu khi mưa lũ lớn” - PGS-TS. Nguyễn Chí Công nêu.

Từ thực trạng và nguyên nhân đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 3 nhóm giải pháp thoát nước nội đô Tam Kỳ, trong đó nhóm giải pháp cấp bách là phải cắt cho được nguồn nước từ phía tây chảy vào thành phố.

“Đây là giải pháp quan trọng nhất để ngăn dòng nước quá lớn đổ vào nội đô khi có mưa lớn. Nếu không cắt được nguồn nước này thì không thể chống ngập nội đô” - PGS-TS. Nguyễn Chí Công khẳng định.

Cụ thể, cắt triệt để nước phía tây vào cống Ông Dung qua tuyến kênh thoát lũ để đưa dòng nước chảy vào sông Tam Kỳ. Đồng thời đầu tư xây dựng tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương chạy thẳng ra sông Bàn Thạch, bởi đây là tuyến thoát nước rất tốt. Bên cạnh đó, thành phố cần chỉnh trang và nâng cấp công trình thoát nước hiện trạng, thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy, hạ tầng.

“Ngoài ra, chúng tôi đề xuất thêm hệ thống bơm thoát nước và đóng cửa xả bằng hệ thống tự động để ngăn nước sông Bàn Thạch tràn vào nội đô khi nước sông cao hơn. Đồng thời các hồ điều hòa hiện nay cần phải thêm chức năng điều tiết nước để góp phần thoát nước đô thị khi có mưa lũ” - ông Công nói.

Làm rõ tác động ngoại lai

Đánh giá cao đề án khi được các tác giả nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng với các số liệu và mô phỏng thuyết phục, có tính khoa học cao, PGS-TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên đề nghị làm rõ hơn quan điểm, mục tiêu, các giải pháp, trong đó đâu là giải pháp về công trình để triển khai trong thời gian tới. Cạnh đó, cần xem xét, tính toán các yếu tố nước ngoại lai từ phía tây, phía bắc đổ vào nội đô, kể cả sự tương tác từ phía biển ảnh hưởng đến việc thoát nước nội đô.

Đồng quan điểm, ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam đề xuất, phải có thêm giải pháp ngăn chặn nguồn nước từ phía bắc huyện Thăng Bình khi mùa mưa lũ vì thực tế qua các cơn lũ trước đây cho thấy lượng nước này đổ vào Tam Kỳ rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng Sở Xây dựng cho rằng, cần có giải pháp khơi thông sông Bàn Thạch để chống ngập nội đô cùng với giải quyết lượng nước nơi hợp lưu của sông Tam Kỳ và sông Bàn Thạch sau khi đưa nước khỏi nội đô từ cống Ông Dung qua tuyến kênh thoát lũ và cống ngầm đường Trưng Nữ Vương.

Trong khi đó, dưới góc nhìn quản lý, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) - Nguyễn Hải Đường cho rằng qua kinh nghiệm của Đà Nẵng cần phải đưa kết quả nghiên cứu đề án vào quy hoạch thoát nước của thành phố để các giải pháp này đi vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Trần Trung Hậu nói, qua công tác điều tra, khảo sát địa hình, thủy văn, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân và lập đề án thoát nước, thành phố cùng với đơn vị nghiên cứu đã 3 lần thông qua. Hội thảo lần này đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu, nhận được ý kiến góp ý, tư vấn của các chuyên gia, nhà quản lý, trên cơ sở đó giúp hoàn thiện đề án với các góc nhìn đa chiều.

Theo ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, qua kết quả nghiên cứu cho thấy đề án là sản phẩm khoa học, có giá trị thực tiễn cao trong việc thoát nước nội đô Tam Kỳ. Cho rằng chống ngập úng nội đô hiện nay là bài toán khó không chỉ đối với đô thị Tam Kỳ, ông Hưng thống nhất với các giải pháp, kiến nghị của đại biểu tại hội thảo và đề nghị các nhà khoa học tiếp thu, hoàn thiện đề án. Về phần địa phương, một số công việc đã và đang triển khai nhằm giảm ngập như tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương chuẩn bị đấu thầu, các cửa xả đang được đầu tư cải tạo, nạo vét cho thông thoáng.

XUÂN PHÚ