Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Cần nhưng chưa đủ!

TRỊNH DŨNG 12/07/2023 07:59

HĐND tỉnh chuẩn y việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2030. Đó là chuyện cần, nhưng chưa đủ. Làm sao giải tỏa áp lực khan hiếm nguyên liệu cho các công trình, dự án hiện tại mới là điều cấp thiết hơn.

Mỏ cát DX 2 A tại bãi bồi thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) là 1 trong số 35 mỏ cát bị loại bỏ ra khỏi quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh: T.D
Mỏ cát DX 2 A tại bãi bồi thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) là 1 trong số 35 mỏ cát bị loại bỏ ra khỏi quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Ảnh: T.D

Phù hợp

Mỏ cát DX 2A tại bãi bồi thị trấn Nam Phước và bãi Bắc cầu Đen thôn Đình An, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) giờ chỉ còn vài cụm cát nhỏ lẻ sau khi khai thác và đang đóng cửa mỏ đã bị loại ra khỏi quy hoạch.

Cách một khoảng sông, phía trên cầu Gò Nổi, mỏ DX 3A (thôn Đình An, Nam Phước) “suýt” bị loại đã được giữ lại trong số 825 mỏ được phê duyệt (và bổ sung) kể từ năm 2014. Khu vực này đã có sự bồi đắp, tích tụ trữ lượng cát lớn, có thể tiếp tục đưa vào thăm dò, khai thác.

Theo UBND tỉnh, cần thiết phải loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch các điểm mỏ không còn phù hợp hoặc đã khai thác xong, giữ lại hay bổ sung các điểm mỏ có đủ điều kiện khai thác thuận lợi, tích hợp vào quy hoạch để tổ chức đấu giá quyền khai thác, cấp phép thăm dò và khai thác phục vụ các công trình, dự án tại địa phương.

Sau nhiều cuộc khảo sát, tổng rà soát, tham vấn ý kiến các địa phương, kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng, chính quyền Quảng Nam đã quyết định loại bỏ 107 điểm mỏ khoáng sản (12 điểm đá xây dựng, 35 điểm cát sỏi lòng sông, 45 điểm đất san lấp và 15 điểm đất sét gạch ngói) tại 7 huyện, gồm Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Thăng Bình, Bắc Trà My và Đại Lộc ra khỏi quy hoạch.

Số loại bỏ này có 11 điểm mỏ đã khai thác xong, đã, đang hoàn thổ, phục hồi môi trường, 96 điểm mỏ chưa khai thác vì ảnh hưởng đến quy hoạch rừng phòng hộ, thiếu giao thông kết nối, nguy cơ sạt lở bờ sông, đất canh tác hay nhân dân không đồng thuận cho thăm dò khai thác.

Không chỉ loại bỏ, UBND tỉnh cũng đề nghị bổ sung 16 điểm mỏ vào quy hoạch khoáng sản. Bao gồm: 14 điểm mỏ đất san lấp khoảng 115,8ha tại 6 huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Phú Ninh, Núi Thành, Nông Sơn; 1 điểm mỏ cát 10,2ha tại Nông Sơn và 1 điểm mỏ đất sét gạch, ngói 40,4ha tại Đông Giang.

Ngoài ra, UBND đề nghị điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch, phân kỳ quy hoạch từ dự trữ sang quy hoạch thăm dò, khai thác điểm mỏ đá DX 24 tại thôn Tỉnh Yên (xã Duy Thu, Duy Xuyên).

Ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, các điểm mỏ khoáng sản đề nghị bổ sung quy hoạch không ảnh hưởng đến quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ngoài phạm vi quy hoạch đất an ninh, quốc phòng, không thuộc khu vực cấm (hoặc tạm thời cấm) hoạt động khoáng sản, cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến công trình công cộng, các công trình hạ tầng kỹ thuật khác...

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ vào quy hoạch là phù hợp, cần thiết. Quy hoạch này sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài, giảm thiểu việc thiếu hụt và giảm giá thành vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cần nhưng chưa đủ

Tổng số điểm mỏ sau khi loại bỏ, bổ sung quy hoạch là 734 điểm (164 điểm đá xây dựng, 222 điểm cát, sỏi, 123 điểm đất sét gạch, ngói và 225 đất san lấp). Thống kê điểm mỏ, trữ lượng cho thấy địa phương đủ lượng khoáng sản để cung cấp cho các dự án đầu tư, cho thị trường, nhưng cơn sốt thiếu nguồn cung và vật liệu tăng giá kể từ tháng 2 đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt.

Một trong các mỏ đá, đất san lấp tại Quế Sơn hết hiệu lực khai thác, chuẩn bị đóng mỏ, sẽ bị loại ra khỏi quy hoạch. Ảnh: T.D
Một trong các mỏ đá, đất san lấp tại Quế Sơn hết hiệu lực khai thác, chuẩn bị đóng mỏ, sẽ bị loại ra khỏi quy hoạch. Ảnh: T.D

Thiếu vật liệu, nhiều công trình kết nối giao thông nam - bắc, đông - tây của Quảng Nam bị đình trệ (Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1A, quốc lộ 14H, đường 129 Võ Chí Công...).

Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT nói, số lượng giấy phép khai thác còn ít (46 giấy phép khai thác còn hiệu lực, 24 điểm mỏ đã được phê duyệt chỉ dừng ở việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để xin cấp, gia hạn giấy phép...). Chỉ mới có Nam Giang, Phước Sơn đấu giá xong. Còn các địa phương có trong danh mục các mỏ khai thác khoáng sản (41 mỏ) chậm hoặc không tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Các mỏ khoáng sản đem ra đấu giá nếu thành công, ít nhất cũng phải mất đến 18 tháng mới có thể có được giấy phép khai thác. Việc trì hoãn đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản, lẫn sự “nhiêu kê” của các thủ tục đầu tư, thì đứt gãy nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (vì không có nguồn tiếp nối, bổ sung) là điều đã và sẽ tiếp tục xảy ra.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn (ưu tiên đầu tư giao thông liên kết, kết nối các tuyến đường) với tổng kế hoạch vốn hơn 33.550 tỷ đồng, riêng năm 2023 hơn 7.700 tỷ đồng. Để hấp thụ hết số vốn này đưa vào nền kinh tế thì sẽ cần rất lớn số lượng đất san nền, đắp đường, nhưng các địa phương chỉ có thể cung ứng vài trăm ngàn mét khối đất.

Chỉ tính riêng các công trình giao thông chuyển tiếp đã “ngốn” mấy triệu mét khối đất đắp, chưa kể sẽ có thêm nhiều công trình sẽ được đầu tư trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thì liệu có đủ đất, cát để hoàn thiện công trình hay tái diễn cảnh dở dang?

Dự án đường tránh lũ Nam Phước, Duy Xuyên đứng bánh nhiều năm vì không có đất đắp, không biết bao giờ mới có thể hoàn tất. Ảnh: T.D
Dự án đường tránh lũ Nam Phước, Duy Xuyên đứng bánh nhiều năm vì không có đất đắp, không biết bao giờ mới có thể hoàn tất. Ảnh: T.D

Ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, thiếu đất đắp, cát xây trầm trọng khiến nhiều công trình không thể thi công. Thiếu vật liệu, dự án san nền trường Núi Thành đấu thầu không có nhà đầu tư.

Địa phương cần rất nhiều vật liệu (cát, đất...) để thi công san nền khu dân cư, giao thông, nhưng chỉ còn duy nhất mỏ đất Tam Mỹ Tây. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu thi công các dự án của Núi Thành và công trình trọng điểm của tỉnh đã nhìn thấy, nhưng không biết giải quyết cách nào?

Các dữ liệu trên cho thấy việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mỏ là điều cần nhưng chưa đủ. Số mỏ sẽ được đưa vào khai thác, bảo đảm nguồn cung, giải tỏa áp lực khan hiếm cho các công trình là điều phải được đặt lên hàng đầu, quan trọng hơn nhiều so với số lượng quy hoạch, khi nguồn cung đang khan hiếm.

Đó là lý do trong thẩm tra việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2030, ông Nguyễn Đức đã yêu cầu UBND tỉnh nhanh chóng chỉ đạo các địa phương thực hiện đấu giá, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến thăm dò, khai thác khoáng sản... để kịp thời cung ứng đủ vật liệu thi công xây dựng cho các công trình, dự án.

TRỊNH DŨNG