"Chạy đua" cùng dự án đầu tư y tế
Chủ đầu tư cam kết hoàn thành đúng tiến độ 2 dự án đầu tư y tế thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên, không biết có đủ thời gian để hoàn tất công trình và giải ngân dự án khi chỉ còn hơn 6 tháng nữa sẽ kết thúc?
Nỗ lực “chạy đua”
Nhiều vướng mắc, khó khăn của 2 dự án đầu tư, xây mới, nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị y tế của 5 trung tâm y tế tuyến huyện và 76 trạm y tế tuyến xã thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ giao cho Quảng Nam đã được tháo gỡ.
Các sai khác của dự án từ khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng so với chủ trương đầu tư, kể cả việc thanh lý các khối nhà cũ trước khi xây dựng công trình mới, rắc rối về thủ tục đất đai, đăng ký môi trường, thay đổi quy mô về các phòng chức năng... cũng đã được chủ đầu tư, địa phương và các cơ quan quản lý, giám sát “xử lý” xong. Hai dự án thuộc lĩnh vực y tế này đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư và phân bổ vốn.
Ngày 6/6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, tổ chức đấu thầu, triển khai thi công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lĩnh vực y tế, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
Các sở liên quan (Tài chính, Y tế, Kho bạc Nhà nước) báo cáo về Bộ Y tế định kỳ trước ngày 20 hàng tháng; báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền xem xét hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngày 15/6/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam đã phát đi thông báo mời các đơn vị có chức năng thẩm định giá trong thiết bị y tế cung cấp hồ sơ (trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ra thông báo) để lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá thiết bị y tế dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế tuyến huyện.
Theo ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam thì hai dự án này đang trong giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Tính đến ngày 14/6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của 2 dự án này chỉ đạt 0,87% (2,51/288,991 tỷ đồng), nhưng dự kiến sẽ giải ngân hết 90% kế hoạch vốn năm 2023.
Liệu có kịp tiến độ và giải ngân hết vốn?
“Lịch sử” đầu tư của 2 dự án y tế này là chuỗi ngày dài “chạy đua” ít có tiền lệ cho các chủ đầu tư trong các dự án đầu tư công. Ngày 1/8/2022, Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn đầu tư (296 tỷ đồng) cùng với thời hạn sau 1 tháng (30/8/2022) tất cả hồ sơ phải gửi Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ.
Để có thể thụ hưởng nguồn vốn từ Trung ương, chính quyền và chủ đầu tư đã vượt qua khoảng thời gian “căng thẳng” ấy để hoàn tất tất cả hồ sơ, thủ tục... theo các mốc thời gian đã được ấn định. Có thể thấy được sự khó khăn của việc thực hiện dự án đầu tư này khi thời hạn cho phép quá ngắn.
Ngay trong ngày phê duyệt chủ trương đầu tư (29/8/2022) để kịp trình Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã tuyên bố nếu không thực hiện được dự án hay vượt tổng mức đầu tư khái toán thì địa phương phải tự chịu trách nhiệm.
Kiểm soát chặt chẽ khối lượng, đơn giá, định mức và các chi phí khác nhằm tiết kiệm nguồn vốn, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo không làm tăng tổng mức đầu tư dự án sau khi đã quyết định chủ trương đầu tư.
Phải đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xác định với những trường hợp phát sinh của dự án. Các địa phương thụ hưởng phải cam kết có đủ mặt bằng để thi công, giải ngân và tính đến hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, cho dù chủ đầu tư cam kết hay đơn vị thụ hưởng mong muốn, diễn trình đầu tư 2 dự án y tế này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trên thực tế. Chủ đầu tư đứng trước nguy cơ không thể tiêu hết vốn, không kịp giải ngân khi thời hạn kết thúc của các dự án là 31/12/2023.
Một trong những khó khăn của chủ đầu tư chính từ việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn do khảo sát, thu thập báo giá của các nhà cung cấp rất khó.
Không có đơn vị cung cấp thông tin báo giá, thời gian chờ báo giá kéo dài, độ rủi ro về mức chênh lệch giá cao nên trách nhiệm và mức độ rủi ro trong thẩm định giá của đơn vị thẩm định rất lớn, trong khi giá trị chi phí thực hiện việc thẩm định giá thấp. Đây là một trong những rào cản, rắc rối quan trọng khiến tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư đã thường xuyên giao ban định kỳ, kiểm tra hiện trường, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, xác định các vướng mắc, kiến nghị biến động về giá vật liệu (cát xây dựng, đất đắp) so với giá công bố liên sở, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp để đẩy nhanh tiến độ..., nhưng cũng không xử lý nổi khi thời hạn cuối cùng của dự án chỉ còn 6 tháng.
Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nói, đơn vị “mất ăn, mất ngủ” về 2 dự án này. Dự án trải trên địa bàn quá rộng. Nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa. Cái gì cũng phải đấu thầu qua mạng (tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán đến các gói thầu xây lắp...), chưa kể đến công tác thẩm định, phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy, nên cần rất nhiều thời gian theo quy định, không thể nhanh được.
Thực hiện hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, giải ngân 100% vốn đã bố trí đủ cho dự án trong năm 2023 sẽ hết sức khó khăn. Ban Quản lý đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xem xét kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2024. Liệu có được chấp nhận hay không, vẫn còn chờ câu trả lời?