Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E: Thăng Bình thúc đẩy giải phóng mặt bằng
Để thúc đẩy giải phóng mặt bằng, bàn giao trước 10km cho chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E trong tháng 7/2023, huyện Thăng Bình đang xác định các khu vực ưu tiên cần tháo gỡ vướng mắc.
Khẩn trương triển khai
Mặc trời nắng nóng khá gắt, bà Phan Thị Diện (trú đội 24, thôn Châu Lâu, xã Bình Trị) giữ thói quen đem ghế ra ngồi dưới mái hiên để nghe ngóng tình hình triển khai dự án quốc lộ 14E đi qua trước nhà.
Bà kể, xã và huyện đã mời bà con trong đội họp, phổ biến chủ trương thi công công trình nhiều lần rồi. Ai có đất, nhà ở, hay cây cối, vật kiến trúc bị ảnh hưởng bởi dự án cũng được thông báo, mời tham gia cùng xác nhận.
“Tuyến đường này được mở rộng bà con ai nấy phấn khởi lắm. Vì lâu nay, mặt đường quá chật mà xe cộ lại đông, nhất là xe tải nên nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra” - bà Diện chia sẻ.
Ngày 23/5/2023, Tỉnh ủy đã ban hành thông báo kết luận của đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành cơ bản toàn bộ dự án trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ GPMB để bàn giao cho đơn vị thi công. Đảm bảo đến tháng 7/2023 huyện Thăng Bình phải GPMB đạt 10/17,4km; huyện Hiệp Đức 20/30,2km; huyện Phước Sơn 15/26,8km.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (đoạn lý trình km15+270 - km89+700) đi qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn; trong đó đoạn qua địa phận huyện Thăng Bình có tổng chiều dài gần 17,4km, nằm trên địa bàn các xã Bình Quý, Bình Định Bắc, Bình Trị và Bình Lãnh.
Được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ công trình, theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình, đến ngày 29/5, hồ sơ đo đạc địa chính của 2 xã Bình Định Bắc và Bình Lãnh đã hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đo đạc thực địa tại xã Bình Trị và xã Bình Quý bảo đảm đạt 100% và đang tiến hành những bước tiếp theo.
Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình phối hợp với các xã mời người dân bị ảnh hưởng, thu thập hồ sơ pháp lý về đất, nhân khẩu, căn cước công dân và tiến hành kiểm kê song song cùng đất nông nghiệp.
Ngoài đất do UBND xã quản lý, đơn vị thu thập đủ hồ sơ pháp lý và kiểm kê toàn bộ các thửa đất nông nghiệp đoạn qua xã Bình Định Bắc, xã Bình Lãnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trung tâm phối hợp kiểm tra hồ sơ pháp lý, xác nhận một số thửa đất nông nghiệp là đất 5% do UBND xã Bình Định Bắc quản lý, mời người dân thống nhất trả lại đất và nhận tiền hỗ trợ hoa màu, cây cối trên đất. Nhờ vậy, Thăng Bình đã bàn giao được 1.690m bên trái tuyến cho Ban Quản lý dự án 4 (đại diện chủ đầu tư của Cục Đường bộ Việt Nam) và nhà thầu thi công.
Xác định khu vực ưu tiên
Đi thực tế tại xã Bình Định Bắc, chúng tôi ghi nhận nhà thầu đang triển khai thi công phần nền đường mở rộng, đặt mương thoát nước qua khu vực dân cư. Nhưng ở một số vị trí, xe máy thi công đang triển khai đắp nền đường phải dừng lại do vướng trụ điện chưa được di dời. Việc đứt đoạn này sẽ khó đảm bảo về mặt kỹ thuật, khi đành tạm thời bỏ dở thi công chỗ trụ điện đang hiện hữu.
Cán bộ Ban Quản lý dự án 4 - kỹ sư Nguyễn Đức Thắng cho biết, một số điểm có mặt bằng theo kiểu “xôi đỗ”, có nghĩa là chiều dài bàn giao khoảng 30m, có đoạn 40 - 50m, còn lại vướng hạ tầng kỹ thuật, hoặc vật kiến trúc, cây cối, đất của người dân. Thực tế trên sẽ rất khó triển khai thi công đồng bộ, trong lúc tỉnh đã chỉ đạo việc bàn giao mặt bằng phải đi đôi với di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông…).
Để đảm bảo hoàn thành khối lượng theo yêu cầu, UBND huyện đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp - dịch vụ huyện Thăng Bình phối hợp với Ban Quản lý dự án 4 khảo sát hiện trường và xác định vị trí ưu tiên. Một cán bộ trung tâm cho biết, qua khảo sát đã xác định được chiều dài khoảng 8km dễ GPMB.
Ưu tiên số 1 là các vị trí cầu cống, không ảnh hưởng đến diện tích đất phải bồi thường cho người dân; các vị trí đất công cộng; đất 5% do UBND các xã quản lý. Khu vực tiếp theo là các vị trí ảnh hưởng đất nông nghiệp; đất cây lâu năm (vườn, ao) mà không có vật kiến trúc trên đất. Ưu tiên còn lại gồm những vị trí ảnh hưởng đất ở, đất cây lâu năm mà trên đất có nhà ở, vật kiến trúc; các trường hợp di dời tái định cư.
Cùng với đó, Thăng Bình đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân dừng sản xuất lúa vụ hè thu trong phạm vi dự án. Ban Quản lý dự án 4 sẽ hỗ trợ đắp lại bờ thửa để người dân sản xuất trên phần diện tích còn lại không ảnh hưởng dự án.
Đại diện chủ đầu tư cũng kiến nghị các đơn vị quản lý hạ tầng trên tuyến và các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp để thực hiện di dời điện, nước, viễn thông trong phạm vi dự án, đảm bảo đến tháng 7/2023 bàn giao mặt bằng tương ứng, đồng bộ với các địa phương theo khối lượng đã xác định như chỉ đạo của tỉnh.