Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công: Không mong tái diễn

TRỊNH DŨNG 10/05/2023 06:31

Tình trạng không xài hết vốn đầu tư, kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư vẫn khó chấm dứt.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án hệ thống thoát nước cho các dự án ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.D
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Dự án hệ thống thoát nước cho các dự án ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.D

Nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện

Kế hoạch giải ngân đạt đến 95 – 100% vốn đầu tư công năm 2022 đã không thể thực hiện được khi tỷ lệ giải ngân năm 2022 khoảng 73,5% (năm 2021 giải ngân 83,3%).

Không thể giải ngân hết vốn, UBND tỉnh phải trình HĐND cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn ngân sách địa phương năm 2022 sang năm 2023.

Tổng kế hoạch vốn xin chuyển hơn 763,5 tỷ đồng cho 1.206 dự án; trong đó tổng vốn ngân sách cấp tỉnh hơn 502,2 tỷ đồng (432 dự án), ngân sách cấp huyện 235,8 tỷ đồng (542 dự án) và 25,5 tỷ đồng (241 dự án) ngân sách cấp xã.

Theo Luật Ngân sách nhà nước, các nguồn vốn đầu tư công không được phép kéo dài sang năm sau (trừ trường hợp bất khả kháng). Phân tích cho thấy có 12/1.206 dự án được xác định thuộc “các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng” (0,99%); 127/1.206 dự án được xác định thuộc “các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước, dự phòng ngân sách hàng năm, nhưng chưa được cấp thẩm quyền cho phép giải ngân vào năm sau” (10,53%); 452/1.206 dự án thuộc “các dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch, nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau” (37,48%).

Chiếm nhiều nhất là 612/1.206 dự án được xác định là “các dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” (50,75%)...

Đường tránh lũ kết hợp phát triển khu đô thị Nam Phước kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên là 1 trong 1.206 dự án xin được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023. Ảnh: T.D
Đường tránh lũ kết hợp phát triển khu đô thị Nam Phước kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên là 1 trong 1.206 dự án xin được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023. Ảnh: T.D

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, rút kinh nghiệm từ năm 2021, sở đã phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước đưa ra các biểu mẫu, đề nghị các sở, ngành và địa phương cam kết những dự án và số tiền điều chuyển này đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nói việc xin kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân đúng thẩm quyền. Danh mục dự án, mức vốn đề nghị kéo dài của từng dự án đã được Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, UBND cấp huyện đối chiếu, xác nhận về thông tin, số liệu, xác định thuộc các trường hợp được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân theo quy định.

Tuy nhiên, ông Đức nói khá ngạc nhiên khi số lượng dự án và kế hoạch vốn năm 2022 chưa giải ngân hết vẫn còn khá lớn. Chủ yếu thuộc ngân sách cấp tỉnh, huyện và đa số được xác định thuộc các trường hợp bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được (50,75%), hoặc trường hợp được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau (37,48%).

Áp lực giải ngân

HĐND tỉnh đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 của 1.206 dự án với tổng kế hoạch vốn 763,5 tỷ đồng. Tính chuẩn xác của thông tin, số liệu, điều kiện kéo dài sẽ được các chủ đầu tư, địa phương kiểm tra, rà soát từng dự án theo đúng quy định trước khi giải ngân nguồn vốn này.

Ông Trần Xuân Vinh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Các chủ đầu tư phải xem lại trách nhiệm của mình khi không thể giải ngân hết vốn.

Tại sao cũng cơ chế, chính sách ấy, nhưng các dự án khác lại có tỷ lệ giải ngân cao. Nguồn lực nhiều hay ít, cắt giảm tối đa số lượng dự án mới, loại bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết... không quá quan trọng bằng việc nâng cao năng lực các chủ đầu tư.

Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam cơ sở 2 là một trong nhiều dự án xin kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Ảnh: T.D
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam cơ sở 2 là một trong nhiều dự án xin kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Ảnh: T.D

Tình trạng kéo dài thời gian và giải ngân của các dự án diễn ra lâu nay, đã đặt ra câu hỏi về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Lý giải về tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt thấp (73,5%), Sở KH-ĐT cho rằng kế hoạch vốn hàng năm kéo dài sang năm sau kế hoạch còn lớn, đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói các dự án được phép kéo dài đủ điều kiện. Trên cơ sở danh mục này, UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp tục thi công công trình để có thể tiêu hết vốn. Các chủ đầu tư cam kết số liệu, giải ngân đúng tính chất nguồn vốn và sẽ chấm dứt vào 31/12/2023.

Ông Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ gặp áp lực rất lớn. Tổng kế hoạch vốn 10 nghìn tỷ đồng (kế hoạch năm 2023, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn kéo dài) sẽ là gánh nặng khi địa phương cùng lúc giải ngân cả vốn năm 2023 và vốn kéo dài.

Cả hai nguồn vốn này sẽ kết thúc ngày 31/12/2023 theo Luật Ngân sách nhà nước. Chỉ còn mấy tháng nữa sẽ tới mùa mưa thì làm sao có thể hoàn tất giải ngân? Nếu không quyết liệt, không đủ quyết tâm chính trị ngay từ bây giờ cho việc giải phóng mặt bằng, tháo gỡ thủ tục đầu tư thì cuối năm sẽ lại phải xử lý vụ việc này. Nếu không giải ngân hết chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ GRDP và thu ngân sách.

TRỊNH DŨNG