Dự án ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An: Chậm tiến độ, nhưng không thể dở dang

TRỊNH DŨNG 21/04/2023 04:45

Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” không dễ hoàn thành đúng tiến độ như cam kết với các nhà tài trợ, khi thời hạn dự án sẽ kết thúc vào 30/12/2023. Nguy cơ ngân sách địa phương phải bỏ tiền ra để đầu tư hoàn thiện dự án là điều đã được báo trước.

Hồ Pháp Bảo - một trong 2 hạng mục đầu tư của dự án thành phần HA/W 1 đã hoàn tất thi công, bàn giao mặt bằng cho Hội An. Ảnh: T.D
Hồ Pháp Bảo - một trong 2 hạng mục đầu tư của dự án thành phần HA/W 1 đã hoàn tất thi công, bàn giao mặt bằng cho Hội An. Ảnh: T.D

Vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng

Hồ Pháp Bảo (địa phận Hội An) đã hoàn thành, bàn giao mặt bằng. Hồ Lai Nghi đang đẩy mạnh tiến độ thi công. Chỉ còn 0,4ha nữa là hoàn tất, bàn giao mặt bằng. Các dự án nhỏ thuộc dự án thành phần HA/W1 xây dựng hồ chứa nước không còn khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT, GPMB).

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam nói các dự án thành phần của tổng dự án còn lại còn khá nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết kịp thời. Việc BT, GPMB rất chậm (tuyến ĐH14, ĐT608, nạo vét sông Cổ Cò đoạn km14+00 – km19+500...) không đảm bảo mặt bằng để thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng, dự án còn quá nhiều khó khăn trước áp lực thời gian yêu cầu. Chủ đầu tư, địa phương phải cam kết BT, GPMB trước 30/6/2023, hoàn thành tiến độ công trình.

“Sẽ không cho phép dừng bất cứ gói thầu nào. Cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Khó mấy cũng phải làm cho xong dự án. Không phải vì khó mà nêu ý định dừng hay rút lui dự án. Nếu làm không xong dự án thì hậu quả để lại sẽ rất lớn cho địa phương.

Ngân sách tỉnh dự báo năm nay sẽ hụt thu, không có tiền đầu tư tiếp tục hoàn thiện. Thị xã Điện Bàn thì lấy đâu ra tiền để đầu tư? Nếu để dở dở dự án thì biết nói thế nào với dân chúng? Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Không ai bàng quan, ngoài cuộc được. Sự chậm trễ này do chính mình gây ra nên tự mình phải giải quyết” - ông Dũng nói.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, các tồn tại, vướng mắc chủ yếu thuộc về BT, GPMB. Địa phương chưa thể tiến hành xác nhận nguồn gốc đất, chưa lập, phê duyệt phương án BT, GPMB, chưa xây dựng các khu tái định cư (TĐC) hoặc đã có phương án BT, GPMB nhưng người dân không chịu nhận tiền...

Thống kê cho thấy tại dự án thành phần HA/W1 còn 21 thửa đất bị ảnh hưởng, chưa bàn giao mặt bằng. Khối lượng thực hiện đến nay chỉ đạt 64,2/130,78 tỷ đồng, chỉ đạt 49%. Dự án thành phần HA/W4 (nâng cấp, cải tạo ĐT608) còn 40 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Địa phương đã kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất, nhưng chưa lập được phương án BT, GPMB.

Hay như đoạn tuyến ĐH14, chưa triển khai thi công khu TĐC Đồng Hạnh, còn khu dân cư Nam Điện An dự định bố trí TĐC cho dự án chưa thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch từ đất khai thác sang đất TĐC. Hiện 75 thửa đất ở (có 27 nhà ở) trong số 155 thửa đất trên đoạn tuyến này bị ảnh hưởng chưa thể bàn giao. Khối lượng thực hiện từ khi khởi công đến nay khoảng 72,5/138,45 tỷ đồng, đạt 52,4%.

Đoạn tuyến ĐT609 còn 17 thửa chưa bàn giao mặt bằng, chưa trình phê duyệt phương án BT, GPMB do chưa thống nhất giá đất cụ thể. Dự án thành phần HA/W3 (nạo vét sông Cổ Cò) thì vướng 31/47 hộ đã phê duyệt phương án năm 2018, nhưng các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền, lý do: giá thấp, tranh chấp đất đai, yêu cầu hỗ trợ nhân khẩu đã tách và 401 hộ chưa phê duyệt phương án BT.

Không thể đẩy qua đẩy lại

Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An” có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD, tương đương hơn 1.859 tỷ đồng. Dự án thuộc nhóm A. Trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 70 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD và 15,5 triệu USD vốn đối ứng.

Thời gian thực hiện 2015 – 2022 (theo Quyết định số 665 ngày 26/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đã không thể thực hiện được. Chính quyền Quảng Nam xin điều chỉnh tiến độ đầu tư, gia hạn thêm một năm nữa đã được nhà tài trợ, Bộ KH-ĐT chấp thuận.

Hồ chứa nước Lai Nghi - một trong những hạng mục của dự án thành phần HA/W1 được đánh giá tốt về bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang xây dựng. Ảnh: T.D
Hồ chứa nước Lai Nghi - một trong những hạng mục của dự án thành phần HA/W1 được đánh giá tốt về bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn đang trong tình trạng ngổn ngang xây dựng. Ảnh: T.D

Ngày 31/12/2023 dự án sẽ kết thúc. Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án trên phạm vị địa bàn. Tuy nhiên, trước quá nhiều rắc rối, khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn khi dự án chỉ còn 8 tháng nữa là kết thúc.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm đề nghị tách riêng phương án phê duyệt, chi trả bàn giao mặt bằng trước (21 thửa đất của dự án HA/W1) và 39 thửa của dự án HA/W4). Nếu không thực hiện được, xin dừng tại cống Lai Nghi, vuốt nối về đường cũ.

Ông Tâm đề nghị nếu đến 30/6/2023 không hoàn thành thì dừng đoạn tuyến ĐH14 vì khối lượng, giá trị BT, GPMB lớn, thời gian thực hiện lâu. Còn gói thầu HA/W3, cần sự thống nhất địa giới hành chính sông Cổ Cò. Giá trị gói thầu này khoảng 32,4 tỷ đồng (ký kết hợp đồng thi công ngày 25/1/2022, thực hiện trong 365 ngày, đã hết thời gian thực hiện hợp đồng).

Tuy nhiên dự kiến giá trị bồi thường cho đoạn tuyến này là 157,7 tỷ đồng, tăng tổng chi phí GPMB cho toàn dự án là 299 tỷ đồng. Con số này vượt 114 tỷ đồng so với tổng chi phí GPMB được duyệt của dự án (185 tỷ đồng).

“Thời gian gia hạn dự án đến 31/12/2023. Thời gian còn lại không đủ theo hợp đồng đã ký nên nhà thầu xây lắp chưa đồng ý ký phụ lục gia hạn hợp đồng. Kinh phí GPMB cho đoạn này quá lớn, vượt tổng mức đầu tư. Không cân đối được vốn. Muốn bổ sung phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư. Việc này rất khó thực hiện vì không đủ thời gian và không đủ kinh phí bổ sung, nên kiến nghị dừng, không thực hiện gói thầu này của dự án” - ông Tâm nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Nguyễn Hồng Quang cho rằng tiến độ không đạt yêu cầu vì không thể xác định được nguồn gốc đất. Không lẽ địa phương không thể thực hiện được việc này? Không thể dừng dự án. Ngân sách không đủ nguồn lực. Nếu dừng, sẽ không biết bao giờ mới có thể tái thực hiện dự án. Ai chịu trách nhiệm chuyện này? Điện Bàn cần khẩn trương phê duyệt phương án BT, GPMB. Không thể đẩy qua, đẩy lại làm chậm tiến độ dự án.

TRỊNH DŨNG