Khó kiểm soát khai thác cát

TRỊNH DŨNG 31/03/2023 08:46

Không còn tình trạng khan hiếm hay giá cát cao ngất ngưởng gây bất ổn thị trường xây dựng, nhưng việc kiểm soát sản lượng khai thác ở các mỏ vẫn là chuyện không dễ.

Thiết bị, tàu thuyền khai thác cát... tràn ngập trên dòng sông từ cầu Giao Thủy lên Đại Sơn (Đại Lộc). Ảnh: T.D
Thiết bị, tàu thuyền khai thác cát... tràn ngập trên dòng sông từ cầu Giao Thủy lên Đại Sơn (Đại Lộc). Ảnh: T.D

Vãn hồi trật tự khai thác

Mỏ cát của Công ty TNHH Đầu tư, thương mại Pha Lê (thôn Hội Khách, Đại Sơn, Đại Lộc) bên kia cầu Khe Hóc, cách quốc lộ 14B khoảng vài trăm mét. Không gian đặc quánh tiếng ồn từ các máy hút cát đổ lên thuyền, vận chuyển vào bến... Trữ lượng theo giấy phép khai thác của mỏ (được cấp ngày 19/3/2019) khoảng 194.713m3 cát, công suất khai thác 23.000m3/năm, trữ lượng khai thác còn lại của mỏ ước tính 138.000m3.

Hai nhân viên cầm vòi nước đợi xe vào, xe ra (qua trạm cân có camera) rửa sạch bụi, cát thân xe trước khi vào mỏ và rời bến. Một người tên Phụng (quản lý mỏ, bến bãi Pha Lê) nói mỗi ngày chỉ có khoảng 20 xe tải vào, ra vận chuyển cát. Giá bán niêm yết tại mỏ 150 nghìn đồng/m3 cát (đã thông báo cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp). Khối lượng khoảng 200 - 300m3 cát/ngày.

Tất cả xe vận chuyển cát đều phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi rời bến, lưu thông trên đường. Doanh nghiệp tuân thủ mọi điều kiện đã ghi, yêu cầu trong giấy phép khai thác. Các xe tải giữ nguyên thiết kế, không nâng bửng, nâng tải trọng.

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói việc thất thoát thuế trên lĩnh vực khoáng sản do không đo đếm được đã nhiều lần đưa lên bàn nghị sự, nhưng chưa thể giải quyết được.

Theo ông Đức, đã có nhiều lãnh đạo địa phương nói nếu giao cho địa phương kiểm soát, mỗi ngày sẽ cử người theo dõi, đếm bao nhiêu xe cát ra khỏi mỏ, ghi chú cụ thể. Nếu điều này kiểm soát tốt, địa phương nhận thì nên đưa về địa phương quản lý thu thuế để không thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Hình ảnh này đều dễ dàng nhìn thấy ở các điểm mỏ cát của Công ty CP Trường Lợi (thôn Ngọc Kinh Đông, Đại Hồng, Đại Lộc) với công suất 75.000m3/năm, trữ lượng khai thác còn lại khoảng 150.000m3; Công ty TNHH Quang Cử (thôn 1, Đại Hòa, Đại Lộc), công suất khai thác cát 36.915m3/năm và Công ty CP Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên (thôn Phú Lạc, Duy Hòa, Duy Xuyên), công suất 43.000m3/năm, trữ lượng còn lại khoảng 86.000m3.

Hiện tại, Quảng Nam còn đến 13 giấy phép khai thác cát tại 9 địa phương, với tổng công suất khai thác theo thiết kế khoảng 279.664m3/năm. Tuy nhiên, 4 mỏ cát của Đại Lộc và Duy Xuyên trên sông Vu Gia - Thu Bồn là vựa cát lớn nhất, cung cấp chủ yếu cho thị trường vật liệu Quảng Nam.

Ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng thị trường cát đã bình ổn. Không còn khan hiếm và giá đã hạ. Sản lượng khai thác đúng công suất thiết kế cho phép. Các chủ mỏ, doanh nghiệp đã cam kết niêm yết, công khai giá bán tại mỏ 150 nghìn đồng/m3...

Các khuyến cáo của chính quyền về việc kiểm soát vệ sinh môi trường bến bãi, gia cố bờ kè sông trước bến, sữa chữa đường sá, lắp đặt đầy đủ trạm cân, hệ thống camera giám sát, lập sổ ghi chép số liệu khoáng sản khai thác... gần như đã được các chủ mỏ, doanh nghiệp thực hiện.

Theo ông Phụng, không doanh nghiệp nào muốn bị phạt tiền hay rút giấy phép khai thác, nên tuân thủ các yêu cầu từ cơ quan quản lý và giấy phép khai thác đã được cấp.

Tàu vận chuyển cát cập bến Công ty Phú Hương (Bình An, Nam Phước, Duy Xuyên). Ảnh: T.D
Tàu vận chuyển cát cập bến Công ty Phú Hương (Bình An, Nam Phước, Duy Xuyên). Ảnh: T.D

 Không dễ kiểm soát

Trên đoạn sông từ chân cầu Giao Thủy đến xã Đại Sơn (Đại Lộc) như một đại công trường. Những đội tàu “không số” lại ken dày dưới chân cầu Hà Nha, Giao Thủy xuôi ngược trên sông. Những chiếc tàu ẩn khuất trong sương trắng những ngày nằm chờ đã rời các con lạch nhỏ, vũng nước ven sông, tiếp tục chở cát từ mỏ về các vựa cát dọc sông Điện Bình (thị xã Điện Bàn), đến các điểm tập kết tại Đại An (Đại Lộc) và dưới chân cầu Gò Nổi phía bờ nam Thu Bồn.

Ông Nguyễn An (quản lý bến thủy Công ty Phú Hương dưới cầu Gò Nổi) nói doanh nghiệp mua cát từ các mỏ về bán lại, chủ yếu từ các đơn vị Quang Cử, Tân Phước Yên, Trường Lợi vì vận chuyển bằng tàu đường sông. Còn Pha Lê không thể sử dụng tàu mà phải dùng xe tải và xa nên hạn chế.

Giá tại mỏ dao động từ 150 - 160 nghìn đồng/m3, nhưng chi phí vận chuyển và nhiều thứ khác nữa, nên giá bán tại bãi của doanh nghiệp khoảng 250 - 270 ngìn đồng/m3.

Chốt giá đến người cần (tùy theo khoảng cách) sẽ khoảng 300 nghìn đồng/m3. Không chỉ các mỏ mà các bến bãi mua bán của doanh nghiệp cũng đều lắp đặt đủ trạm cân, camera, ghi chép số lượng thực xuất mỗi ngày.

Các thủ tục hành chính về khai thác hay giá cả, số lượng cát cung ứng trên thị trường đã được thực thi sau nhiều cuộc họp bàn giữa chính quyền tỉnh với các địa phương, sở, ngành và doanh nghiệp khai thác.

Có 24 doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục hồ sơ xin cấp, gia hạn giấy phép. Các địa phương có trong danh mục các mỏ khai thác khoáng sản (41 mỏ), chỉ mới có Nam Giang và Phước Sơn đấu giá xong, số còn lại sẽ tiến hành trong nay mai. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất của chính quyền, cơ quan quản lý là rất khó để kiểm soát sản lượng khai thác của doanh nghiệp trên các dòng sông hiện tại.

Không biết trong giấy phép khai thác có quy định nào về số lượng thiết bị (tàu hút, tàu vận chuyển, xe múc...) mỗi ngày tại mỏ hay không? Khu vực mỏ mênh mông trên sông, sau một mùa lũ, cát lại tràn về, làm sao có thể đánh giá chính xác trữ lượng còn lại khai thác của doanh nghiệp là bao nhiêu? Cơ quan nào có đủ thời gian để kiểm tra lượng lớn số thiết bị khai thác đang chạy đầy trên dòng sông Vu Gia - Thu Bồn ngày đêm, kể cả việc khai thác “lậu” ngoài phạm vi đã được cấp phép?...

Trong cuộc họp chấn chỉnh khai thác khoáng sản với chính quyền địa phương hồi cuối tháng 2/2023, Đại tá Nguyễn Hà Lai – Phó Giám đốc Công an Quảng Nam cho hay việc quản lý, khai thác cát, sỏi lỏng lẻo ở các địa phương.

Có cả bộ máy, hệ thống giám sát, nhưng thực tế gần như không giám sát được. Sự thiếu chặt chẽ này cũng được ông Nguyễn Việt Xuân - Cục phó Cục Thuế Quảng Nam phân tích là tại các mỏ cát, bến bãi đều có lắp đặt hệ thống camera, nhưng thẻ nhớ chỉ lưu trữ tối đa 20 ngày.

Quá thời gian này hình ảnh sẽ đè lên nhau, làm mất dữ liệu hình ảnh trước đó. Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ. Việc giám sát này cần giao cho các huyện quản lý sẽ chặt hơn.

TRỊNH DŨNG