Thành lập 5 phường thuộc thị xã Điện Bàn: Hướng đến thành phố tương lai

VĨNH LỘC 31/03/2023 07:54

Ngày 2/4 tới, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 727 ngày 13/2/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương. Có thêm 5 phường được thành lập kỳ vọng mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, chuyển dịch kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, đặc biệt giúp Điện Bàn hoàn thiện các tiêu chí, tạo điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030.

Xã Điện Thắng Trung là địa phương có hạ tầng đô thị được đầu tư tương đối hoàn thiện trong số 5 phường được thành lập mới lần này. Ảnh: V.LỘC
Xã Điện Thắng Trung là địa phương có hạ tầng đô thị được đầu tư tương đối hoàn thiện trong số 5 phường được thành lập mới lần này. Ảnh: V.LỘC

Đòn bẩy phát triển

Xã Điện Phương những ngày này tất bật công tác chuẩn bị cho Liên hoan văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật, du lịch kết hợp đón mừng sự kiện công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập phường. Chương trình được ví như cột mốc quan trọng, khởi đầu cho chặng đường phát triển mới.

Trong số 5 xã lên phường lần này, nhìn chung hạ tầng đô thị Điện Phương tương đối hạn chế. Vì vậy, trở thành phường có ý nghĩa rất quan trọng với chính quyền và người dân nơi đây, giúp Điện Phương thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào kết cấu hạ tầng đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng thương mại, dịch vụ, mở ra cơ hội việc làm cho người dân...

Ngày 20/11/2020, HĐND thị xã Điện Bàn thông qua Nghị quyết số 19 về Đề án thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương. Đến ngày 13/1/2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 05 về việc thành lập 5 phường đã nêu. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc thành lập các phường nói trên thuộc thị xã Điện Bàn.

Ngày 7/2/2023, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 12 để thẩm tra Đề án. Ngày 13/2/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 727 về việc thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương thuộc thị xã Điện Bàn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2023.

Với việc thành lập 5 phường mới, đến nay thị xã Điện Bàn có tổng cộng 12 phường và 8 xã nông thôn mới.

Theo quy hoạch, khu vực nội thị gồm 12 phường, trong đó đô thị du lịch biển từ phía đông sông Cổ Cò ra đến biển được xem là trung tâm du lịch biển. Khu vực ngoại thị gồm 8 xã, lấy đô thị Phong Thử làm trung tâm vùng ngoại thị.

Kết cấu hạ tầng luôn là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương. Đơn cử, tại xã Điện Thắng Trung, thông qua các dự án đầu tư không chỉ giúp thay đổi diện mạo mà còn tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phi nông nghiệp.

Tuyến đường 33 (ĐH5) qua Điện Thắng Trung dần trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ chung cho 3 xã Điện Thắng và vùng Bắc Điện Bàn. Tính đến năm 2022, cơ cấu kinh tế Điện Thắng Trung đã có sự thay đổi rõ nét theo hướng nâng cao tỷ trọng thương mại - dịch vụ (chiếm hơn 55%), sản xuất nông nghiệp chỉ còn 5,6%.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, việc thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu phát triển chung đô thị Điện Bàn hiện nay.

“Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn 5 xã luôn được quan tâm đầu tư; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng làm phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, từ hoạt động thương mại, dịch vụ, cảnh quan, môi trường đến quản lý đô thị, không gian kiến trúc, đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt...

Trong khi mô hình quản lý chính quyền xã bộc lộ hạn chế so với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội đang diễn ra nhanh chóng, nên cần phải có mô hình chính quyền đô thị đối với 5 địa phương này” - ông Trần Úc phân tích.

Đặc biệt, khi 5 xã thành phường cũng sẽ đáp ứng yêu cầu về dân số đô thị (đạt 65%), góp phần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 3 của thị xã Điện Bàn.

Hướng đến thành phố tương lai

Thành lập 5 phường mới ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Điện Bàn còn phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và Quảng Nam đã được phê duyệt, cũng như Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045 (được phê duyệt lần đầu năm 2013 và điều chỉnh năm 2023).

Trục đường chính qua xã Điện Minh đang được thi công mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng của một phường nội thị. Ảnh: V.LỘC
Trục đường chính qua xã Điện Minh đang được thi công mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng của một phường nội thị. Ảnh: V.LỘC

Theo ông Trần Úc, thời gian qua, song hành với xây dựng đề án thành lập phường, UBND thị xã cũng đã báo cáo UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đủ điều kiện, đáp ứng các yêu cầu của đô thị loại 3 theo định hướng quy hoạch vùng Đông Quảng Nam và đô thị trung tâm động lực phía bắc tỉnh. Đặc biệt, trở thành đô thị liên kết với TP.Đà Nẵng và Hội An như định hướng Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc thành lập 5 phường mới cũng sẽ có tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, thúc đẩy thu hút đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nội thị kết nối với khu vực ngoại thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa..., tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian tới thị xã sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng mạng lưới giao thông đô thị, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh…, cùng nhiều hạng mục khác. Phạm vi không chỉ tập trung khu vực nội thị mà cả hệ thống các khu đô thị, khu dân cư mới.

Đồng thời công tác quản lý nhà nước trên địa 5 xã cũng được tăng cường, chuyển dịch mô hình quản lý chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở... Dự kiến kinh phí phân bổ nguồn vốn một số dự án phát triển đô thị tại 5 phường mới theo kế hoạch đến năm 2025 khoảng 1.987 tỷ đồng.

VĨNH LỘC