Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh: "Không phải bỏ giá thấp là trúng thầu"
Trước sự vụ nhiều doanh nghiệp bỏ dự án hay dừng thi công các công trình đầu tư, ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng: “Không phải bỏ thầu giá thấp là trúng thầu mà chính là năng lực nhà thầu, khả năng đáp ứng tiến độ đầu tư của dự án và chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng mới là tiêu chí quyết định”.
- Vì sao doanh nghiệp lại đột ngột dừng thi công hàng loạt dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, thưa ông?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Văn bản gửi UBND thành phố (ngày 10/2/2023) của Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ cho là do giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng đột biến, chênh lệch rất cao so với giá ký kết hợp đồng năm 2019, 2020. Lãi suất vay ngân hàng quá cao lại siết chặt, doanh nghiệp khó tiếp cận. Doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục thi công các dự án.
- Chính quyền thành phố xử lý sự vụ này như thế nào?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Doanh nghiệp này là một trong những nhà thầu có truyền thống, đóng góp nhiều cho thành phố (ngay cả khi chưa tái lập tỉnh) trong việc duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông. Trong số 12 dự án doanh nghiệp này trúng thấu có 3 dự án đang quyết toán, 3 dự án hoàn thành, 4 dự án dở dang (liên doanh, hợp đồng với các nhà thầu khác) và 2 công trình hợp đồng thi công trong năm 2023.
Quan điểm của thành phố là nhà thầu có quyền tạm ngưng thi công. Nhưng nếu vi phạm hợp đồng, dứt khoát các nhà thầu bỏ dự án sẽ bị xử lý hành chính. Sẽ công bố trên các phương tiện truyền thông về nhà thầu này thiếu năng lực, không đủ khả năng thực hiện các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, sau nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc, phân tích thiệt hơn, đúng sai, ngày 24/3/2023 doanh nghiệp này gửi văn bản xác nhận đã huy động được nguồn lực tài chính để tiếp tục thi công các công trình (có đủ mặt bằng, đủ điều kiện thi công) đã ký kết hợp đồng với Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ.
- Không phải lần đầu tiên xảy ra sự vụ này. Chính quyền thành phố có quyết định gì để chuyện nhà thầu dừng thi công sẽ không còn tái diễn?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Tam Kỳ đã từng có doanh nghiệp trúng thầu dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi với giá trúng thầu 26,8 tỷ đồng (tháng 11/2019, thời gian thực hiện hợp đồng 150 ngày).
Nhưng doanh nghiệp dừng dự án khi thi công dang dở. Nhà thầu nào ngừng thi công đều bị xử lý theo đúng quy định pháp luật sau khi đã rà soát, phân tích trách nhiệm thuộc về ai. Không thể muốn dừng là dừng. Không thể tìm mọi cách trúng thầu, rồi dễ thì làm, khó thì bỏ.
Theo quy định, tất cả dự án đều đấu thầu qua mạng. Gần như việc chấm năng lực nhà thầu đều qua hồ sơ đăng ký dự thầu. Tuy nhiên, sau những “hiện tượng” đã xảy ra, thành phố đã quyết định tổ chức một hội đồng rà soát kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đây là một trong những chiến lược căn cơ để tránh tái diễn chuyện bỏ hay dừng dự án sau khi đã trúng thầu.
Chính quyền thành phố buộc các cơ quan quản lý phải tìm hiểu thật kỹ năng lực các nhà thầu tham gia đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nghiên cứu các công trình, dự án mà các nhà thầu xây dựng, thi công ở các nơi khác để khi ra quyết định thì các nhà thầu đấu trúng sẽ đảm bảo năng lực để đầu tư. Biết sẽ rất khó kiểm soát năng lực nhà thầu, nhưng chính quyền sẽ phải thực hiện điều này một cách hợp lý.
Trong bối cảnh các nhà thầu đang viện lý do tình trạng thiếu cát, đất xây dựng để trì hoãn hay kéo dài dự án, chính quyền thành phố tiến đến việc kiểm soát năng lực doanh nghiệp tham gia đấu thầu hay xây dựng công trình thông qua việc chứng minh nguồn gốc vật liệu sử dụng.
Ở những dự án cụ thể, ngoài chứng minh có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm... hoặc đáp ứng đủ điều kiện dự thầu, nếu không đáp ứng được các tiêu chí về xác nhận các mỏ vật liệu... thì cũng sẽ bị loại. Nếu không, thì dù có trúng thầu, có nhanh chóng triển khai thi công thì tiến độ thi công hay giải ngân vốn cũng sẽ không dễ dàng gì.
Không phải nhà thầu nào bỏ thầu giá thấp là được chọn. Năng lực nhà thầu, chất lượng công trình, vai trò tư vấn, giám sát, bảo đảm hồ sơ thiết kế tốt nhất là tiêu chí quan trọng. Không phải bỏ thầu giá thấp nhất là tiêu chí quyết định để chọn lựa trúng thầu.
Các nhà thầu bỏ giá quá thấp cần xem xét, cân nhắc khi ra quyết định công bố trúng thầu, bởi một khi xác lập gói thầu thì các nhà tư vấn, giám sát, chủ đầu tư đã tính toán, từ nhân công, vật liệu, đến các chi phí... phù hợp với thị trường.
Tam Kỳ cũng đã tham gia một số dự án ODA, các nhà tài trợ không quan tâm đến giá bỏ thầu mà mối quan tâm chính của họ chính là năng lực nhà thầu, khả năng đáp ứng tiến độ đầu tư của dự án và chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng.
Theo quy định pháp luật đấu thầu, hợp đồng thương thảo giữa chủ đầu tư và nhà thầu luôn có nội dung thể hiện việc sẽ xử lý vi phạm nếu nhà thầu không tiếp tục thực hiện, để dở dang dự án.
Sẽ thông tin cho cơ quan tổ chức đấu thầu (Bộ KH&ĐT) để chấm dứt quyền đấu thầu trong thời gian 3 năm trên địa bàn cả nước, không riêng gì địa phương. Đây là điều quan trọng với các nhà thầu, nên không dễ gì các nhà thầu bỏ dự án hay tuyên bố dừng thi công, nếu không phải gặp trường hợp bất khả kháng.
Vì thế, trong quá trình xử lý, chính quyền địa phương sẽ xem xét, cân nhắc, phân định rõ ràng lỗi thuộc về ai, nhất là những dự án có giải phóng mặt bằng để đưa ra quyết định. Không thể chỉ xử lý các nhà thầu mà quên đi xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư để dự án kéo dài. Chính quyền địa phương sẽ nhìn nhận toàn diện sự vụ để xử lý hợp lý, hợp tình, chứ không phải cứng nhắc hay độc đoán cứ vi phạm là xử lý đứt đoạn.
- Nếu các nhà thầu vì lý do bất khả kháng, không thể lường trước được sự biến động của giá cả hay khan hiếm vật liệu, càng làm càng lỗ, dẫn đến bỏ hay dừng dự án, thì chính quyền sẽ giải quyết như thế nào?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Đa số dự án đầu tư đều đấu thầu trọn gói, đã chốt giá, không thể điều chỉnh. Nhưng những rủi ro có thể được chia sẻ giữa chủ đầu tư, doanh nghiệp, chính quyền thành phố không thể can thiệp.
Việc xử lý có thể dựa trên sự đồng lòng của các sở, ban, ngành liên quan (tài chính, đầu tư, xây dựng, môi trường...) trong việc tìm các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần có cơ chế mở trong việc bình ổn giá, điều chỉnh giá thị trường về vật liệu, nhân công... (không làm thay đổi giá trị các gói thầu vì đã chốt giá đấu thầu rồi) thì doanh nghiệp sẽ tự tin hơn để tiếp tục thi công các dự án đã ký kết. Điều này, không chỉ riêng nhà thầu thi công các dự án đầu tư tại Tam Kỳ mà sẽ cho cả công trình, dự án trên địa bàn Quảng Nam có thêm điều kiện thuận lợi.
- Tam Kỳ liệu có thể giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 trước những biến động khó lường của thị trường lẫn nguy cơ doanh nghiệp bỏ dự án hay dừng thi công?
Ông Bùi Ngọc Ảnh: Tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư do thành phố quản lý luôn đạt hơn 93% kế hoạch vốn trong 5 năm gần đây (93,36%, 96,68%, 96,24, 98,09% và 94,07%).
Sự linh hoạt phân bổ, bố trí nguồn vốn thông qua cung cấp vốn kịp thời cho các nhà thầu có khối lượng (ít nhất không để họ hụt vốn), kiên quyết xử lý, phạt những nhà thầu, chủ đầu tư không thực hiện các dự án hay giải ngân chậm, không tiêu được tiền và thưởng cho những nhà thầu đạt tiến độ thi công. Nếu giải quyết được ách tắc giải phóng mặt bằng thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư các dự án do thành phố quản lý khoảng 563 tỷ đồng (đầu tư mới và chuyển tiếp), lại ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp tập trung thi công, giải ngân dứt điểm.
Các dự án khởi công mới chủ yếu dành cho chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng được thực hiện trước, sau đó mới thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án. Nên khi doanh nghiệp trúng thầu sẽ có điều kiện thuận lợi để thi công, không còn cớ gì để kéo dài thời gian thi công.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!