Khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư

TRỊNH DŨNG 21/03/2023 06:49

Nhiều kiến nghị kiểm toán về đầu tư công đã được khắc phục bằng việc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm hoặc trình HĐND tỉnh xem xét, phê chuẩn xử lý một cách ổn thỏa.

Dự án thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, cảnh báo giao thông tuyến 129 từ cầu Cửa Đại đến dốc Diên Hồng bị kiểm toán buộc thu nồi nộp ngân sách Trung ương. Ảnh T.D
Dự án thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, cảnh báo giao thông tuyến 129 từ cầu Cửa Đại đến dốc Diên Hồng bị kiểm toán buộc thu nồi nộp ngân sách Trung ương. Ảnh T.D

Nhiều bất cập

Kết luận của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều hạn chế trong đầu tư công tại địa phương. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Đó là cơ quan quản lý địa phương đã chưa ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, đối ứng vốn ODA không đủ, chưa bố trí vốn đủ cho các dự án chuyển tiếp.

Kế hoạch đầu tư công tại địa phương vẫn mang tính dàn trải, thiếu chất lượng. Nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo thủ tục quy định vẫn được bố trí vốn (khoảng 88 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư mà vẫn được thông qua kế hoạch đầu tư 2021 - 2025).

Không ít dự án được bố trí vốn vượt nhu cầu thực tế, không cân đối đủ nguồn lực đầu tư, dẫn đến buộc phải tạm dừng 25 tháng (Khu dân cư cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam) và thiếu ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ đọng (cho 8 dự án - hơn 72 tỷ đồng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai - hiện là Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp) và nhiều dự án buộc phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư...

Bố trí 54 tỷ đồng cho 4 dự án không đúng đối tượng, mục tiêu sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ có mục tiêu (Kè bảo vệ và tôn tạo bãi biển Cửa Đại Hội An; Khu tái định cư thôn 1, Trà Dơn, Nam Trà My; Sửa chữa đường tránh lũ trung tâm huyện Nông Sơn; Khu tái định cư thôn 3, Phước Thành, Phước Sơn).

Không chỉ phê phán về kỹ thuật phân bổ, bố trí vốn 2021, kiểm toán cũng đã chỉ ra những khác biệt về đầu tư các dự án trước 2020. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu địa phương bố trí vốn hoàn trả việc sử dụng sai nguồn để nâng cấp các cơ sở dạy nghề, giáo dục đào tạo (42,145 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia).

Kiểm toán cũng buộc thu hồi nộp ngân sách địa phương khoản chi sai chế độ cho dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp đồi 30 Phú Ninh (15 tỷ đồng); thu hồi về ngân sách trung ương (40 tỷ đồng) về sự thay đổi của dự án Thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng tiết kiệm điện và cảnh báo an toàn giao thông sử dụng năng lượng mặt trời cho tuyến đường 129 từ cầu Cửa Đại đến dốc Diên Hồng...

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh nói, điều chỉnh các dự án đầu tư quá nhiều lần cho kế hoạch đầu tư trung hạn lẫn hàng năm là do giá cả vật liệu, nhân công, không thể lường trước hết được, không chỉ riêng Quảng Nam. Nên xem lại chất lượng việc lập các dự án đầu tư từ các sở chuyên ngành, địa phương.

Chấn chỉnh và xử lý

Sở KH-ĐT lý giải, không thể bố trí kế hoạch vốn theo giá trị khối lượng thực hiện vì khi kiểm toán, quyết toán, nếu giảm giá trị đầu tư thực hiện sẽ dẫn đến khó thu hồi nguồn vốn đã giải ngân. Việc bố trí nhu cầu vốn cho dự án vượt quá nhu cầu thực tế bởi thời tiết bất lợi, vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án cầu Nghĩa Tự (Điện Bàn) đã được diều chỉnh chủ trương đầu tư, bảo đảm khả năng kết nối hạ tầng giao thông khu vực, phù hợp phân kỳ đầu tư và khả năng kết nối đầu tư. Đây là một trong những dự án Kiểm toán Nhà nước phê bình là đã “vi phạm” việc điều chỉnh vốn, thay đổi thời gian thực hiện chủ trương đầu tư. Ảnh T.D
Dự án cầu Nghĩa Tự (Điện Bàn) đã được diều chỉnh chủ trương đầu tư, bảo đảm khả năng kết nối hạ tầng giao thông khu vực, phù hợp phân kỳ đầu tư và khả năng kết nối đầu tư. Đây là một trong những dự án Kiểm toán Nhà nước phê bình là đã “vi phạm” việc điều chỉnh vốn, thay đổi thời gian thực hiện chủ trương đầu tư. Ảnh T.D

Dự án của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp) được đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương đã hoàn thành từ năm 2020 trở về trước.

Tuy nhiên, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách trung ương theo quyết định của Chính phủ không bố trí cho các dự án này. Địa phương cũng không thể bố trí nguồn vốn để thanh toán nợ khối lượng do danh mục dự án không có kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương.

Việc điều chỉnh các dự án là cần thiết, phụ thuộc vào sự phù hợp khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương của cả giai đoạn (cầu Nghĩa Tự) hoặc tính toán công trình đầu tư bảo đảm đạt chuẩn, công năng sử dụng (Trường THPT Quế Sơn, Nhà để xe Tỉnh ủy Quảng Nam...). Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, một khi phân bổ, bố trí vốn đều có danh mục, không có cái nào không trình HĐND. 

Không đưa ra lý giải việc sẽ xử lý khoản nợ đọng khối lượng của các dự án Chu Lai, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT nói, cơ quan này đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt dự án không cân đối nguồn vốn đầu tư và đã chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, chấm dứt việc giao chủ đầu tư cho các đơn vị không chuyên ngành, bố trí vốn không đúng đối tượng... 

Việc thu hồi nộp ngân sách nhà nước các dự án đầu tư như Kiểm toán Nhà nước chỉ ra không dễ. Theo Sở KH-ĐT, Kiểm toán Nhà nước đã không chấp nhận đề nghị theo hướng không bố trí nguồn hoàn trả, xử lý việc chi không đúng nguồn nâng cấp các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề (2012 - 2013). Nhưng, do nguồn ngân sách khó khăn, nên đến giờ vẫn chưa tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bố trí nguồn vốn hoàn trả. 

Riêng dự án chiếu sáng đường 129, địa phương đã điều chỉnh hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế (giảm kinh phí duy trì hệ thống sau đầu tư, không rủi ro, sự cố mất thiết bị khi mưa bão, khó vận hành, bảo dưỡng...), nhưng chi phí đầu tư không thay đổi (45,052 tỷ đồng, bao gồm: ngân sách trung ương 40 tỷ đồng và địa phương 5,052 tỷ đồng).

Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ KH-ĐT xem xét thống nhất việc sử dụng ngân sách trung ương 40 tỷ đồng đã phân bổ cho dự án (nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, giai đoạn 2016 - 2020) đối với nội dung điều chỉnh quy mô dự án đầu tư đã được phê duyệt. Nhưng kể từ ngày 5/12/2022 (gửi công văn) cho đến nay, Bộ KH-ĐT vẫn chưa có ý kiến gì.

TRỊNH DŨNG